Văn nghệ thế giới
Những năm cuối đời của nhà văn Mark Twain
10:05 | 26/04/2010
Đòi đốt bản thảo viết dở và nắm chặt tay con gái là những hành động cuối cùng, trước khi từ giã cõi đời, của nhà văn nổi tiếng với những trang viết về các cuộc phiêu lưu.
Những năm cuối đời của nhà văn Mark Twain
Mark Twain được mệnh danh là "Cha đẻ của nền văn học Mỹ".

Ngày 21/4 cách đây một thế kỷ, Mark Twain trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh.

Ông mất vào năm 74 tuổi, trong tình trạng sức khỏe rất kém vì bệnh tim, một trái tim mà ông hay gọi đùa là "trái tim nghiện thuốc lá". Trước đó, trái tim trở chứng sau bao năm tháng hoạt động mệt mỏi đã buộc ông phải ngừng chuyến du hành đến vùng biển Bermuda (Đại Tây Dương) để lui về ngôi nhà nhỏ xây trên ngọn đồi của riêng mình và lặng lẽ qua đời.

"Mark Twain đã qua đời", tờ The San Francisco Examiner đã thảng thốt đăng hàng tít trên để thông báo về sự ra đi của một nhà văn lớn.

Thời điểm ông ra đi đã là một phần tư thế kỷ kể từ khi cuốn sách kinh điển Cuộc phiêu lưu của Huck Finn ra đời nhưng ông vẫn tiếp tục là tên tuổi nổi tiếng trên văn đàn, một nhà văn được độc giả yêu quý. Một nhà văn có vẻ ngoài luộm thuộm với mái tóc xoăn vui nhộn. Một người kể chuyện đầy say mê.

Vào thời đó, những bản tin về ngày cuối đời của Mark Twain luôn nằm ở những hàng tít in đậm và bác sĩ của Twain cập nhật thường xuyên thông tin về sức khỏe của ông trên các phương tiện truyền thông khắp thế giới.

Hãng AP từng đưa tin, trước khi qua đời, Mark Twain buộc phải cắt giảm số thuốc hút của ông từ 20 điếu xuống còn 4 điếu vì sức khỏe quá kém.

Các báo cho rằng, không còn có sự tước đoạt nào đau đớn hơn dành cho ông. Thậm chí khi quay về từ Bermuda, trên tàu, ông đã cố gắng hút thuốc nhưng ông đành bỏ vì quá yếu để kéo tẩu. Thậm chí ngay cả trên giường bệnh, phút lâm chung, khi đầu óc không còn minh mẫn để nói những lời sau cùng, nhà văn đã làm một cử chỉ giống như đang vẫy một điếu xì gà và mỉm cười.

Cuộc đời buồn của một nhà văn trào phúng

Trước khi qua đời, Twain từng phải trải qua 10 năm đầy đau khổ. Ông mất người vợ yêu dấu là bà Olivia và hai người con, trong đó, một đứa là Jean chết đột ngột vào cuối năm 1909. Bi kịch này khiến Twain thề rằng ông sẽ không bao giờ cầm bút viết lách. Công việc làm ăn thất bát khiến ông phải rời khu điền trang xây dựng kiểu Victoria lập dị của mình ở Hartford (Connecticut) để đến sống ở vùng Redding (California) nơi ông có một căn nhà xây theo kiểu Toscan (Italy), ngôi nhà được ông đặt tên là Stormfield, sau này được nhắc lại trong câu truyện của ông Extract from Captain Stormfield's Visit to Heaven.

Nhưng ngay cả nỗi buồn cũng không khiến ông trở thành người im lặng. Ông là người kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh ở Philippines và những động thái quân sự khác do Mỹ gây ra. Ông sáng tác những truyện mang đầy tính chiến đấu như truyện dài  The Man That Corrupted Hadleyburg (Kẻ tham nhũng tại Hadleyburg).
 

Các cuốn sách viết về những cuộc phiêu lưu của ông làm độc giả thuộc mọi lứa tuổi trên thế giới rung động.

Ông là một nhà văn không có tính câu nệ hoặc hẹp hòi. Dòng đầu tiên bắt đầu chương một cuốn Huck Finn của ông là: "Các bạn sẽ không biết về tôi nếu các bạn không đọc cuốn sách có cái tên là Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, nhưng điều đó cũng chẳng sao cả".

Mark Twain, tên thật là Samuel Langhorne Clemens, sinh năm 1835 ở Florida, và lớn lên ở Hannibal. Ông viết những câu chuyện về đời sống hoang dã, về sự giễu cợt không khoan nhượng và những áng văn chương đầy chất thơ về tuổi thơ quê mùa, chất phác của mình. Ông từng làm việc như một hoa tiêu trên sông Mississippi (vì là hoa tiêu trên sông, tác giả giải thích "mark twain" nghĩa là mực nước sâu an toàn để định vị). Ông cũng là một phóng viên ở San Francisco và lang bạt kỳ hồ khắp nơi từ New Orleans đến Nevada. 

Một cách hết sức tự nhiên, Twain là người có tâm hồn mâu thuẫn. Ông vừa là người nghiện ngập vừa là một người vô thần nhưng ông kết hôn với một người phụ nữ theo đạo Cơ đốc. Cũng giống như nhân vật Huck Finn, không thể chịu được cảnh gia đình êm ấm và dậm chân quanh bốn bức tường nhà, Mark Twain là một nhà văn sẵn sàng để lên đường đến những miền đất xa lạ.

Mark Twain là người nghiện thuốc lá nặng. Ảnh: easyquestion.net

Nhà viết tiểu sử Albert Bigelow Paine chính là người "dụ dỗ" Mark Twain về sống ở vùng Redding, California. Paine kể lại, ở đây, Twain được sống những năm cuối đời thụ hưởng tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Khi sống ở Hartfort, nhà của Twain là nhà đầu tiên có điện thoại. Khi đến Redding ông còn trang bị cho mình hệ thống sưởi ấm và cung cấp nước. Ông luôn bị hấp dẫn bởi những kỹ thuật khoa học mới. Twain thật sự gây sốc với cư dân ở Redding bởi vì ông là người đầu tiên của vùng này nhờ đến sự tư vấn của kiến trúc sư để xây nhà.

Học giả Kevin McDonnell, người chuyên nghiên cứu về cuộc đời Mark Twain, nhận xét "Đó là một việc rất đáng chú ý khi ông đến sống ở đó. Redding khi đó chưa có điện, nó chỉ mới là một vùng nông thôn và nằm lọt thỏm giữa New York rộng lớn, giàu có như hôm nay".

Trước khi con gái của mình qua đời, Twain thật sự là người thích giao tiếp xã hội. Ông giúp đỡ những nữ sinh trung học, tán gẫu với người nông dân. Ông cũng tiếp đón những vị khách từ vùng khác đến như là Helen Keller và bảo mẫu Annie Sullivan, người được ông phong cho một nickname sau này đã trở thành tên của vở kịch và bộ phim The Miracle Worker.

Twain rất chăm chỉ viết lách. Ông không hợp tác với một tiểu sử gia nhưng đã tự mình viết ra hàng trăm trang thảo kế hoạch viết tự truyện. Ông còn bị ám ảnh bởi văn hào Shakespeare.

"Khi Shakespeare qua đời ở Stratford chẳng ai để tâm đến sự kiện này", ông viết "Sự ra đi đó chẳng hề khuấy động được tí gì hơn so với sự ra đi của những diễn viên sân khấu đã bị lãng quên. Không ai đổ về London, không có những khúc tụng ca, than khóc, không có những giọt nước mắt tiếc thương, chỉ có sự im lặng và không có gì khác". 

Twain biết rất rõ về cái chết và rất hay suy nghĩ về nó. Ông luôn giễu cợt cái chết. "Cáo phó của tôi là một bảng cáo phó khổng lồ", "ở thiên đường thì có gì vui vẻ chứ", ông từng viết như thế. Và ông cũng viết "Cái chết chẳng là gì cả với một người dũng cảm và thật sự vĩ đại", "Một con người chân chính phải là một con người nói được những lời đặc biệt vào giây phút lâm chung".

Nhưng khi bản thân ông nằm trên giường bệnh, những lời nói sau cùng của Twain không được ghi chép lại và không rõ ràng. Khoảnh khắc đó được kể lại như sau: nằm trên chiếc giường của mình, ông chỉ vào hai bản thảo còn viết dang dở và thì thào với Paine, người viết tiểu sử của ông: "Vứt đi!". Vài giờ sau, ông nắm chặt tay Clara, người con còn lại của mình và nói lời giã biệt với cô. Hình như ông nói: "Nếu cha con mình gặp..." (If we meet..)

Những gì sau đó, theo Paine, là một tiếng thở dài rúng động tâm can và cơn thở đứt đoạn của lá phổi 74 năm bị hành hạ dữ dội, và sau đó, nó ngừng lại vĩnh viễn.

Theo Chi Mai - evan

Các bài mới
Các bài đã đăng