Ý tưởng dùng bánh mì cho các sáng tác của mình lần đầu đến với Lennie Payne trong một bữa sáng khi anh sắp xếp những miếng bánh mì nướng thành những hình thù ngộ nghĩnh để làm vui lòng cô con gái nhỏ.
14 năm sau, với mỗi bức chân dung của các nhân vật nổi tiếng như Kate Moss hay Barack Obama được xếp từ những miếng bánh mì nướng, giờ đây, hoạ sĩ 46 tuổi, người Anh, có thể thu được ít nhất 5.000 bảng Anh.
28 tác phẩm mới nhất của Payne hiện đang được trưng bày tại Maverik Gallery (London) trong cuộc triển lãm mang cái tên đầy lãng mạn, “Where Is The Love?” (“Tình yêu ở đâu?”).
Bánh mì, trong suy nghĩ của Lennie Payne là “một công cụ tuyệt vời, luôn luôn thay đổi, đồng thời là một biểu tượng cho nhu cầu căn bản nhất của con người để tồn tại. Nó cũng là cách tốt nhất để nhìn vào cuộc sống tinh thần hàng ngày của chính chúng ta”.
Rất nhiều các tác phẩm trong triển lãm lần này của anh là chân dung của những ca sĩ rock nổi tiếng như Ian Brown, Noel Gallagher, nhưng người xem cũng có thể bắt gặp hình ảnh của vị lãnh tụ người Ấn Độ, M.Gandhi và cả khuôn mặt của những người bị bỏ đói.
Có thể nói, “Where Is The Love?” là một nỗ lực của tác giả nhằm cân bằng sự ám ảnh của xã hội với nền văn hoá xung quanh những ngôi sao và mong muốn được khám phá bản chất con người thực sự đằng sau những gương mặt nổi tiếng đó.
Sinh năm1964, tại Hammersmith (London), Payne trải qua một cuộc đời đầy khó khăn trước khi có được thành công đầu tiên. Được một gia đình có truyền thống đạo hà khắc nhận nuôi, Payne từng mắc bệnh động kinh, có quãng thời gian dài nghiện rượu, ma tuý, bị trầm cảm, thậm chí đã phải ngồi tù.
Chính những kinh nghiệm sống đặc biệt đó, theo Payne đã gây dựng trong anh niềm khát khao được sáng tạo để giải toả bản thân và kiếm tìm những giá trị mới trong cuộc sống. Payne tự học nghệ thuật, từng thử qua nhiều chất liệu khác nhau trong các tác phẩm của mình, cho đến khi bị “ám ảnh” bởi bánh mì.
Giờ đây anh được các nhà phê bình và sưu tầm nghệ thuật tôn vinh như một nhà thám hiểm - người đặt những bước chân đầu tiên và thực sự thành công trên con đường mình đã chọn.
Khi được hỏi tại sao lại thích bánh mì, Payne cho biết, bánh mì đem lại cảm giác thật khi “bạn chạm vào chúng. Nó giống như trong nghệ thuật điêu khắc và luôn luôn không ngừng phát triển. Ngay bây giờ, tôi vẫn luôn đầy ắp những ý tưởng mới với chất liệu này”.
Thông thường, Payne sử dụng đèn hàn để nướng bánh mì và tạo nên những mảng sáng, tối khác nhau từ các miếng bánh bị cháy. “Nếu nướng bánh mì mới ra lò, hiệu quả màu sắc sẽ rõ hơn rất nhiều. Sau đó, tôi phải làm dẹp các lát bánh mì. Chính sự thay đổi hình dạng đó tạo nên sự thay đổi của các bức tranh”, anh chia sẻ phương pháp của mình.
Sau đó, bánh mì sẽ được sơn màu và thấm trong một loại nhựa cây đặc biệt. Không chỉ các lát bánh mì mà cả vụn bánh cũng được Payne sử dụng trong quá trình sáng tạo của mình.
Cuối cùng, theo tác giả là sự kết hợp các tác phẩm làm từ bánh mì với một số chất liệu, đồ vật khác trong một bố cục sắp đặt hoàn chỉnh, rồi đến quá trình trưng bày, bán cho những nhà sưu tầm, thu tiền và … mua bánh mì mới.
Thế nhưng ngay trong một cuộc triển lãm, vấn đề cũng không phải đã ngừng phát sinh. Con người hoá ra không phải là những khán giả duy nhất của Payne. Anh từng nhận được những cuộc điện thoại từ ban tổ chức, thông báo rằng một tác phẩm nào đó của anh bị... chuột gặm mất một bên tay hay một bên mắt. Mỗi lúc như vậy, Payne lại phải “tá hoả chạy nước rút” mới có thể làm lại kịp phần bị mất của tác phẩm.
May mắn là “giờ đây, các bức tranh đều đã được lồng khung kính,” anh vui vẻ cho biết.