Những ngày này, tôi mong ngóng được xem lại những thước phim đen trắng thời ấy, nhưng vô vọng. Còn nhớ vào năm 1966, khi phim Bài ca người lính được công chiếu, tôi đã xem và rơi nuớc mắt vì tính nhân văn cao cả của câu chuyện trong phim. Sau này xem lại tôi mới nhận ra ý nghĩa sâu sắc trong tác phẩm điện ảnh đó, nó khơi dậy tình yêu Tổ quốc chân chính. Nếu là những thước phim giả thì sao có sức cuốn hút mạnh mẽ như vậy? Trong tuần phim kỷ niệm 35 năm thiết lập bang giao với Việt Nam năm nay, Viện Goethe của Cộng hòa Liên bang Đức cũng chọn lọc cho chiếu cả loạt phim của Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây để mọi người có thể biết người Đông Đức nghĩ gì về thể chế của họ và nghĩ gì về phương Tây. Theo tôi, đó là hành vi văn hóa để người ta nhìn thấy lại chân thực hơn một giai đoạn lịch sử. Nhưng không hiểu sao truyền hình của ta cứ lê lết với những phim cổ trang Trung Quốc cũ mèm, phim Hàn loại giải trí tầm tầm. Bật hầu hết các kênh đều nhan nhản những thước phim nhàm chán cũ kỹ Lịch sử là lịch sử. Những thước phim của thời Xô Viết kia thực sự có ích cho sự nhận thức về một giai đoạn lịch sử. Tiếc rằng chúng lại bị bỏ quên. Đó là lý do vì sao tôi nhớ những thước phim Xô Viết vào những ngày tháng 5 này, khi cả thế giới đều kỷ niệm ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Nỗi nhớ không thể nguôi ngoai. Theo Đỗ Đức – TT&VH |