Văn nghệ thế giới
Mốt “bắt quàng người sang” ở Trung Quốc
15:17 | 26/05/2010
Lý Bạch, Gia Cát Lượng, Tào Tuyết Cần, hay Tôn Ngộ Không... được người ta tranh nhau “nhận đồng hương” đã đành. Nhân vật cường hào, dâm đãng như Tây Môn Khánh người ta cũng chẳng buông. Tất cả chỉ vì nguồn thu từ du lịch.
Mốt “bắt quàng người sang” ở Trung Quốc
Tác phẩm sắp đặt miêu tả cuộc sống trụy lạc của Tây Môn Khánh - Ảnh: Global Times
Năm ngoái, thị xã Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông thu được đến 3,24 tỉ nhân dân tệ (9.000 tỉ đồng) từ du lịch nhờ cái “mác” quê nhà của Khổng Tử. Từ khi mộ của Tào Tháo được khai quật hồi đầu năm nay, thành phố An Dương của tỉnh Hà Nam gom được 420 triệu tệ của du khách. Báo Straits Times của Singapore cho hay, nguồn thu lớn này khiến các địa phương khác lóa mắt. Vì thế, chỉ cần có chút “dây mơ rễ má” nào đó, dẫu rất mơ hồ, với một nhân vật lịch sử hay văn chương, người ta sẵn sàng lao vào một cuộc đua “bắt quàng làm họ”.

Người làng tôi đó!

Theo báo Straits Times, hiện có ít nhất 25 cuộc tranh giành như vậy trên đất nước hơn 1,3 tỉ dân. “Đình đám” nhất có lẽ là cuộc chạy đua trở thành quê hương của thi hào Lý Bạch. Từ nhiều thập niên qua, tỉnh Tứ Xuyên ở miền tây nam Trung Quốc được biết là nơi thi hào này chào đời. Và người ta tin, cũng từ nơi đó, tuyệt tác Tĩnh dạ tứ (Xúc cảm đêm trăng) đã ra đời.

Bỗng dưng vài tháng gần đây, hai thị xã An Lục, tỉnh Hồ Bắc và Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc lên tiếng phản đối điều này. Nơi nào cũng cho rằng Lý Bạch là người quê mình. Chưa hết, đất nước Trung Á nằm về phía tây bắc Trung Quốc là Kyrgyzstan cũng cho rằng Lý Bạch ra đời ở thành phố Tokmak của mình. Dĩ nhiên, Tứ Xuyên lập tức phản pháo. “Khỏi cần phải tranh luận với đấu đá gì cả. Tất cả mọi người đều biết, Lý Bạch sinh ra ở huyện Giang Du của chúng tôi”, một phát ngôn viên ban tuyên giáo huyện này lên tiếng. Còn các chuyên gia ở Giang Du thì dẫn ra 10 chứng liệu lịch sử để khẳng định điều này.

Ở tỉnh Hà Bắc, hai thị trấn Lâm Chương và Chính Định cũng đang tranh nhau anh hùng Triệu Vân thời Tam Quốc. Trong khi đó, ít nhất 4 thị xã thuộc 3 tỉnh khác nhau cũng chạy đua giành lấy Tào Tuyết Cần, tác giả tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng ở thế kỷ 18. Còn hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc thì không cần biết quân sư Gia Cát Lượng sinh ra ở đâu, họ chỉ cần được nhìn nhận chính tỉnh mình là nơi họ Gia được triều Thục Hán chiêu phục.

Sau khi bộ phim Đại chiến Xích Bích của đạo diễn Ngô Vũ Sâm ra mắt hồi năm 2008, có đến 7 thị trấn ở 5 tỉnh đồng loạt nói rằng hai mỹ nhân Đại Kiều và Tiểu Kiều trong phim sinh ra ở chính thị trấn của họ. Để không thua nhau, người ta cũng chạy đua mở suối nước nóng, nhà vườn... để thơ mộng hóa xứ mình nhằm hút sự chú ý của dư luận và du khách.

Tương tự, nơi khơi nguồn cảm hứng cho tác giả Ngô Thừa Ân sáng tạo ra Hoa quả sơn, vương quốc của “Vua khỉ” Tôn Ngộ Không đang là đối tượng tranh chấp giữa hai tỉnh Giang Tô và Phúc Kiến. Có người cho rằng “Vua khỉ” là một loài linh trưởng có nguồn gốc từ tỉnh Phúc Kiến!

Quá đáng

Việc các địa phương tranh nhau “bắt quàng làm họ” với những người nổi tiếng như các vị anh hùng, các nhân vật lịch sử, các đại mỹ nhân... vì lý do này hay lý do khác còn có thể hiểu được. Nhưng cái cách 3 địa phương ở hai tỉnh An Huy và Sơn Đông chạy đua để trở thành đồng hương của nhân vật Tây Môn Khánh trong hai tác phẩm Thủy hử Kim bình mai thì khiến nhiều người quan ngại. Kẻ dâm loạn, sát nhân nay được các địa phương dùng làm cảm hứng cho các tour du lịch giáo dục giới tính, đưa khách đến nơi được cho là quê nhà của y.

Báo chí và các diễn đàn điện tử ở Trung Quốc cho thấy dư luận khó chịu về chuyện này. Đặc biệt là việc các địa phương tranh nhau đổ tiền vào các hoạt động quảng bá có phần quá lố. Tờ báo tiếng Anh Global Times của Trung Quốc hôm 19.5 có bài xã luận phê bình hiện tượng này “làm tổn hại uy tín của chính phủ”. Tác giả bài báo nói, những dự án quảng bá “xuất phát từ những quyết định hồ đồ và nông cạn của các quan chức địa phương, và chẳng đem lại điều gì để cải thiện đời sống người dân”.

Trong khi đó, nhà sử học Triệu Khải tại Hàn lâm viện Khoa học xã hội của Trung Quốc thì nói với báo Straits Times: “Cuộc tranh giành trở thành quê hương của người nổi tiếng hiện nay phản ánh một xã hội nơi các giá trị bị lẫn lộn. Bất chấp người đó tốt hay xấu, miễn anh ta nổi tiếng là mọi người sẽ tranh nhau giành lấy. Điều đó thật đáng sợ”.

Theo Thục Minh - TN
(VP Singapore)



Các bài mới
Các bài đã đăng