Văn nghệ thế giới
Nhà văn tranh cãi về văn học nữ giới
09:12 | 24/08/2010
Tiểu thuyết gia AS Byatt cho rằng, việc các nhà văn nữ viết được những tác phẩm xuất sắc vẫn bị giới phê bình coi là "chuyện lạ, chuyện hiếm", như người ta trông thấy "một con chó đứng bằng hai chân sau".
Nhà văn tranh cãi về văn học nữ giới
Nhà văn AS Byatt. Ảnh: Guardian.
Quan điểm này đã vấp phải sự phản đối của nhiều tác giả khác.

Theo Guardian, nhận định trên được Byatt đưa ra trong Liên hoan văn học quốc tế Edinburgh đang diễn ra tại Anh. Theo bà, phụ nữ rất khó lòng được chấp nhận mỗi khi họ bắt tay vào viết những tác phẩm đồ sộ, khó đọc. "Bạn cứ nghĩ mà xem, giới phê bình thường đem thái độ 'nhìn một con chó đứng bằng hai chân sau' để phán xét hiện tượng phụ nữ viết văn. Họ coi đó là chuyện hiếm, chuyện lạ nhưng chả hay ho gì. Như Samuel Johnson từng nói: 'Sẽ tốt hơn nếu cô ta (bà ta) không viết'", AS Byatt nói.

Nữ nhà văn người Anh cũng nổi tiếng với quan điểm chống phân biệt giới tính trong văn học. Vì thế, bà kịch liệt chỉ trích giải Orange - giải thưởng chỉ dành cho các nhà văn nữ. Byatt nói: "Orange là giải thưởng phân biệt giới tính. Trên thế giới làm gì có giải nào dành riêng cho nam nhà văn đâu. Điều đó có nghĩa là Ban tổ chức Orange vẫn mặc định, phụ nữ viết văn là cả một vấn đề. Tôi không nghĩ như vậy".

AS Byatt từng đoạt giải Booker năm 1990. Bà cũng vừa giành chiến thắng tại giải James Tait Black với cuốn tiểu thuyết The Children's Book.

Tuy nhiên, nhiều nhà văn tỏ ra không đồng tình với nhận định của Byatt. Tiểu thuyết gia từng đoạt giải Costa - AL Kennedy - cho rằng, quan điểm của bà "hơi lỗi thời".

Nhà văn Ian Rankin cũng chia sẻ: "Tôi không nghĩ đó là vấn đề phân biệt giới tính. Tôi mong Byatt hãy thôi đọc các nhà phê bình để có thời gian chứng kiến sự tăng vọt về doanh thu của các nhà văn nữ. Bản thân bà cũng có thể cảm thấy sự thừa nhận rộng rãi của độc giả đối với các người đẹp viết văn. Bằng chứng là cả một đám đông khổng lồ đã vây lấy bà khi bà xuất hiện tại Liên hoan văn học Edinburgh".

Rankin nói thêm: "Là một độc giả, tôi thấy Byatt đã sai. Tôi từng làm luận văn thạc sĩ về Muriel Spark - một trong những nhà văn nữ xuất sắc. Và tôi nhận ra, khó có ai mổ xẻ trái tim con người giỏi hơn Spark. Bà cũng được giới phê bình đánh giá cao với những bài viết trên các báo uy tín như Times Literary SupplementNew York Times. Còn ở thể loại trinh thám, trong một cuộc bình chọn mới đây, nữ tiểu thuyết gia Patricia Highsmith vừa được bầu là nhà văn trinh thám tài năng nhất của mọi thời đại".

John Carey, giáo sư Đại học Oxford, người cũng vừa nhận giải James Tait phủ nhận quan điểm cho rằng, giới phê bình coi nhẹ các nhà văn nữ.

"Tôi rất ngưỡng mộ AS Byatt bởi tầm hiểu biết uyên bác của bà. Tiểu thuyết của Byatt là những sáng tác đầy chất văn học. Bà là người thông minh. Nhưng khi bày tỏ ý kiến, bà thường rất hay gây ngạc nhiên. Trong chuyện này, tôi nghĩ Byatt đã không đúng", Carey nói.

Đây không phải là lần đầu tiên, chuyện phụ nữ viết văn trở thành đề tài bàn tán trên báo chí. Chủ đề nhà văn nữ và vai trò của họ trên văn đàn vốn là câu chuyện gây tranh cãi xưa nay.

Theo Hà Linh - evan




Các bài mới
Các bài đã đăng