Văn nghệ thế giới
Tết Vu lan xa xứ
14:23 | 24/08/2010
Rằm tháng 7 - Tết Vu lan báo hiếu, dịp xá tội vong nhân... từ lâu ăn sâu vào tiềm thức mỗi người Việt. Vì thế, dù xa quê nhưng cứ vào dịp này, nỗi nhớ nhà, nhớ về ngày lễ cổ truyền của dân tộc lại ngân lên trong mỗi trái tim người xa xứ.
Tết Vu lan xa xứ
Chùa Từ Dung, chốn tâm linh của người Việt ở Pháp. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đi chùa cầu Phật - cầu bình an

“Càng gần đến ngày đó, tôi càng thấy nhớ quê nhà nhiều hơn”, Phương Ly, sinh viên chuyên nhành kinh tế Việt Nancy (Pháp) tâm sự.  Phương Ly cho biết, cô nhớ như in những ngày rằm tháng 7 khi còn ở Việt Nam. Thường vào dịp này cô theo mẹ ra chùa lễ Phật. Nhà chùa vào dịp này thường nấu rất nhiều cháo, múc vào những chiếc lá đa, bát… đặt dọc những con đường làng để cúng. Ai ai cũng thành tâm niệm Phật, cầu cho các vong hồn siêu thoát. Mẹ cô cũng sắm một chút lễ, gồm hoa quả, chút vàng mã gọi là lòng thành, đốt cho người quá cố. “Giờ xa mẹ, xa nhà tới nửa vòng trái đất, làm gì còn cơ hội đi chùa với mẹ. Năm nay, tôi sẽ đi chùa ở đây”, Phương Ly trầm ngâm nói.

Phương Ly cho biết, ở Nancy nơi cô ở, có một ngôi chùa của người Việt tên là Từ Dung, rất nổi tiếng. Chùa được xây theo kiến trúc của những ngôi chùa Việt Nam. Đây là nơi bà con kiều bào ở nhiều vùng, từ Paris, Luxembourg… lui tới những hôm rằm, mùng một, đặc biệt là rằm tháng 7. Bao năm bận rộn với việc học hành và mưu sinh, năm nay, khi đã trở thành dâu xứ người,  Phương Ly quyết tâm thực hiện điều mà cô cho là tâm nguyện của mình.

Minh Hiếu, du học sinh chuyên ngành kinh tế tại Montpellier (mới chuyển về Metz, Pháp) theo đạo Phật. Vì thế, đối với cô, việc lên chùa vào dịp này không chỉ là một nhu cầu mà còn là một nghi lễ mang tính tâm linh.

Hiếu tâm sự, vào rằm tháng bảy, chị thường đi chùa để lấy pháp (sớ) cầu cho cha mẹ, người thân trong gia đình mình luôn bình yên, hạnh phúc, coi như sự báo hiếu của đứa con xa quê với mẹ cha, gia đình.

Tự nhận mình vô tâm hơn các bạn nữ, nhưng Anh Minh, du học sinh Việt ở Australia cho biết, tìm một ngôi chùa để được tĩnh tâm, cầu nguyện an lành cho gia đình cũng là nhu cầu của cậu vào ngày rằm tháng 7. Chính vì thế, những ngày này, cậu thường "tháp tùng" các bạn nữ tới chùa để thắp một nén hương bái vọng về quê hương.  

Minh cho biết thêm, gần đây, trên mạng xã hội, cậu và một nhóm các bạn trẻ xa xứ có tổ chức một cuộc thi ảnh Vu Lan báo hiếu. Đây sẽ là nơi để các bạn chia sẻ cảm xúc, tình cảm của mình cũng như giới thiệu về ngày lễ giàu tính nhân văn của dân tộc.

Tự hào về truyền thống của dân tộc mình

Phương Ly tâm sự, chồng cô là người Pháp. Từ ngày kết hôn với cô và được đến thăm Việt Nam, anh biết về ngày lễ Vu lan của người Việt. “Anh ấy rất thích thú, xúc động với truyền thống nghĩ đến người đã mất của Việt Nam. Điều đó làm tôi vô cùng tự hào về nguồn cội của mình”, Phương Ly nói. Cô cũng cho biết, ở Pháp, hằng năm có một ngày tưởng niệm người đã khuất và những vong linh nhưng nhiều người ít khi nghĩ đến. Người Pháp cũng không nhớ ngày giỗ, không đi thăm mộ ông bà, tổ tiên như ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.

Còn Anh Minh kể rằng, thấy cậu và các bạn nữ Việt Nam lên kế hoạch đi chùa vào ngày rằm tháng 7, rất nhiều bạn trẻ châu Âu và Australia tỏ ra ngạc nhiên và thích thú. Nhiều người còn đề nghị Minh kể về tục lệ này của người Việt, thậm chí đề nghị cho họ cùng tham gia. “Họ cho rằng đây là một truyền thống và nét văn hóa rất đáng được học tập”, Minh nói.

Ông Nguyễn Hải Nam, hội viên Hội Người Việt  Nam ở Pháp khẳng định, càng xa quê hương, tinh thần dân tộc càng cao trong mỗi người Việt. Vì thế, vào bất cứ ngày lễ Tết nào trong năm, dù có điều kiện hay không, mỗi người con xa xứ đều có hình thức đón ngày lễ, Tết của riêng mình. Đó là cách họ bày tỏ tình cảm của mình với đất Mẹ và để gìn giữ một chốn yên bình trong tâm linh

Theo Vân Nhi (Đất Việt)




Các bài mới
Các bài đã đăng