Văn nghệ thế giới
Hàn Quốc tái sinh dòng văn học kinh điển
08:40 | 01/09/2010
“Jeonuchi” là một áng truyện cổ của Hàn Quốc. Nhưng tác phẩm được rất ít công chúng biết đến cho tới khi nó được chuyển thể thành bộ phim “Woochi” của đạo diễn Choi Dong Hoon.
Hàn Quốc tái sinh dòng văn học kinh điển
Bộ sách kinh điển vừa được ra mắt của NXB Munhakdongne.

Tái sinh trong thời hiện đại với một hình thức nghệ thuật mới, Jeonuchi được đưa ra ánh sáng từ những ngày nằm chìm lấp trên các giá sách tối tăm và phủ bụi. Những tác phẩm cổ điển khác ở Hàn Quốc cũng đang dần được đưa trở lại với xã hội hiện đại.

Munhakdongne, một trong những nhà xuất bản lớn nhất Hàn Quốc, vừa ấn hành 10 tập sách Tác phẩm cổ điển Hàn Quốc. Đây là kết quả của dự án kéo dài 5 năm trời giữa nhà xuất bản và các học giả hàng đầu nước này. Munhakdongne sẽ tiếp tục dịch ra tiếng Hàn hiện đại 100 tập sách gồm các tác phẩm kinh điển bằng các tiếng Trung Quốc và Hàn Quốc cổ.

Sim Kyung Ho, giáo sư chuyên về văn học cổ Hàn Quốc cho biết, đây là việc làm cần thiết nhằm tái sinh các tác phẩm kinh điển.

“Tôi cho rằng, các áng văn cổ cần được nhìn nhận khác trong thời buổi hiện đại. Chúng tôi cố gắng khai thác những tác phẩm từng bị quên lãng để tìm kiếm những giá trị mới”, ông nói trong một cuộc họp báo ở Seoul.

Góp phần vào dự án này, Sim đã dịch Seopo-manpil, một tập tiểu luận từ thế kỷ 17 của Kim Man Jung về vương triều Joseon (1392-1910). “Seopo-manpil là một tác phẩm triết học khó đọc. Một thời gian dài, chúng ta từng chỉ tập trung vào các tác phẩm hư cấu. Tôi nghĩ các tác phẩm về triết học cổ cần được khám phá nhiều hơn", ông nhận xét. Ngoài Seopo-manpil, một loạt tác phẩm khác thuộc thể loại này đã được dịch ra tiếng Hàn hiện đại.

“Đây là một sự kiện lớn trong ngành xuất bản. Giới học giả chúng tôi từ lâu đã mong muốn thực hiện tốt công việc này. Nhưng mọi việc đến nay mới triển khai được bởi dự án đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Chưa nhà xuất bản nào trước Munhakdongne ấn hành một cách hệ thống các tác phẩm kinh điển. Tôi hy vọng, tủ sách này sẽ tiếp tục được mở rộng", dịch giả Jung Byung Sul phát biểu.

Jung Byung Sul là dịch giả cuốn Hanjungnok - hồi ký của công nương Hyegyeong, ghi lại cuộc sống của bà trong vai trò là vợ của Hoàng tử Sado - người bị chính Vua cha giết chết vì nghi ngờ mưu phản. Cuốn sách chứa đựng những bí mật lớn lao của vương triều Joseon dưới con mắt của một người phụ nữ.

Theo KoreaTimes, bản dịch mới của cuốn sách bao gồm nhiều chú thích giúp độc giả hiểu kỹ càng hơn về văn hóa và phong tục trong quá khứ…

Trong số những ấn phẩm cổ, The Collection of Humor about Sexual Tales in the Late Joseon Kingdom là một cuốn sách khá đặc biệt trong bối cảnh xưa. Tác phẩm bao gồm 234 truyện ngắn khai thác văn hóa tình dục của con người trong thế kỷ 17.

“Mở rộng giới hạn các thể loại văn học cổ là mục tiêu lớn của chúng tôi với hy vọng tạo ra một lối đi mới cho các học giả", ông Sim Kyung Ho cho biết.

Để quảng bá sâu rộng hơn các đầu sách kinh điển, NXB Munhakdongne dự định tổ chức một chuỗi chương trình giao lưu về văn học cổ tại Thư viện Trung tâm Jeongdok ở Seoul.

                                                                                                               Theo eVan










Các bài mới
Các bài đã đăng