Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, Rừng Na Uy kéo dài hơn hai giờ, công chiếu tại Venice ngày 2-9, với những hình ảnh trau chuốt, lộng lẫy, nhịp điệu tỉ mỉ. Khán giả có thể nhận ra từ đạo diễn, phối cảnh, phục trang, quay phim, hóa trang, kỹ thuật âm thanh đều rất đẹp, không có gì phải bàn.
Màu xanh của rừng cây Tokyo mênh mông, màu tuyết trắng bất tận và ánh sáng được sử dụng khéo léo trong từng cảnh quay, tạo hiệu ứng về thị giác.
Trần Anh Hùng cho biết: “Về hình ảnh, đây là lần thứ hai tôi làm việc với Mark Lee Ping Bin, một nhạc trưởng Đài Loan rất đặc biệt. Chúng tôi có tiếng nói chung, có khả năng nghi ngờ bản thân để phá bỏ cái cũ, bắt đầu điều mới mẻ hơn. Chúng tôi nghiên cứu không ngừng khi ở trường quay. Anh ấy là người cực kỳ nhạy cảm”.
Ngoài ca khúc chủ đạo Rừng Na Uy của The Beatles, đạo diễn giao phó phần viết nhạc cho Jonny Greenwood (thành viên nhóm Radioheads- từng được giải Grammy nhờ viết nhạc cho Sẽ có máu).
“Trong cuốn sách có nhiều đoạn nhạc trữ tình, nhưng tôi có cảm giác âm nhạc quá hoài niệm, ủy mị và tôi tránh điều đó. Jonny đề nghị hãy thử nhạc của Can- ban nhạc Đức, anh ấy có lí. Nhạc Can có khả năng biểu cảm cao, phù hợp với nhân vật hơn”.
Thành phần ngon không đủ làm nên món ăn tuyệt hảo. Khán giả có cảm giác, để tải câu chuyện tình yêu này thì những hình ảnh tỉ mẩn, vẻ tế nhị, bẽn lẽn theo phong cách nghệ thuật châu Á khó mà lôi kéo khán giả phương Tây.
Nhà phê bình tờ Critikat đặt câu hỏi: Tại sao câu chuyện phim diễn ra trong thời kỳ phản kháng mãnh liệt của sinh viên năm 1967, chỉ được sử dụng như phông nền? Tại sao thiên nhiên không được xử lý một cách khác đi, không chỉ dừng lại ở toàn cảnh? Dường như mọi sự tập trung vào vẻ đẹp bên ngoài, chuyển động cơ thể diễn viên không đủ sức tải nội dung cuốn sách.
Ngoài nhận xét chưa sâu sắc, Rừng Na Uy điện ảnh còn bị quy kết thất bại trong diễn đạt sex, theo kiểu “dịu dàng châu Á”.
LHP Venice khai mạc ngày 1-9, trình chiếu 23 bộ phim tranh Sư tử vàng - trao vào lễ bế mạc 11-9. Trần Anh Hùng được xem là người quen của Venice, anh nhận Sư tử vàng cho phim Xích lô (1995).
|
Trần Anh Hùng lí giải: “Điều tôi thích nhất ở cuốn sách vì nó kể về những người trẻ, tình yêu, khao khát, đau khổ và nỗi buồn. Bộ phim không chỉ chuyển riêng câu chuyện, nó mang theo mọi vẻ lãng mạn, nên thơ và xúc động mà cuốn sách từng mang đến.
Tôi rất thích xử lý tỉ mỉ từng hành động của nhân vật. Vẻ dịu dàng, nhẹ nhàng được sử dụng với mục đích duy nhất là diễn đạt những bão tố, sự ăn năn của nhân vật. Tôi nhận thấy sự tinh tế, sự nhẹ nhàng rất quan trọng. Những đoạn hội thoại về sex, tôi mong diễn viên của tôi nói một cách ngây thơ, dịu dàng hơn là sống sượng. Và tôi hài lòng với hiệu ứng đạt được”.
Nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami cực kỳ khó tính, nhất quyết chọn đạo diễn châu Á chuyển thể tiểu thuyết của ông. Về phần này, Trần Anh Hùng có lẽ thành công. Phần nặng văn hóa hippy (thập niên 60) được bỏ qua, diễn tả cảnh sex tập trung qua sự biểu cảm của gương mặt diễn viên.
Một trở ngại khá lớn là đạo diễn không nói được tiếng Nhật, viết thoại bằng tiếng Pháp, dịch sang tiếng Anh trước khi chuyển qua tiếng gốc. Dàn diễn viên của Rừng Na Uy: Rinko Kikuchi (Naoko), Kenichi Matsuyama (Toru), Reika Kirishima (Midori).
Theo TP
|