Văn nghệ thế giới
Yiyun Li 'cai' Internet để làm mọt sách
09:29 | 09/09/2010
Yiyun Li (Lý Dực Vân) là tiểu thuyết gia gốc Trung Quốc thành công trên đất Mỹ với những tác phẩm như "A Thousand Years of Good Prayers", "Gold Boy, Emerald Girl"... Dưới đây là bài viết mới nhất của cô, chia sẻ kinh nghiệm từ bỏ Internet để tập trung vào đọc sách.
Yiyun Li 'cai' Internet để làm mọt sách
Nhà văn Yiyun Li. Ảnh: AFL
Hơn một năm trước, tôi lánh xa khỏi Internet - một quyết định lạnh lùng của người có chồng làm trong ngành công nghệ thông tin. Lý do như sau: là mẹ của hai đứa trẻ, lại bận dạy học và viết lách suốt ngày, tôi không có nhiều thời gian để đọc. Vì vậy, tôi quyết từ bỏ thói quen lướt web để trở thành một con mọt sách bình tâm và chuyên chú.

Tất nhiên, tôi chẳng thể nào đùng một cái bỏ luôn Internet. Tôi bắt đầu "cai nghiện" bằng cách hạn chế thời gian lướt web xuống 30 phút mỗi ngày, rồi đến 15 phút. Và với 15 phút hiếm hoi đó, tôi chỉ sử dụng vào việc kiểm tra email công việc kinh doanh, trao đổi của các đại diện văn học, biên tập viên và nhà xuất bản.

Giai đoạn đầu đòi hỏi phải có rất nhiều nghị lực và tính kỷ luật. Bạn bè trên Facebook lôi kéo tôi bằng thông tin cập nhật hàng ngày của họ…. Rồi Twitter với bao nhiêu thứ hấp dẫn. Bên cạnh đó là vô khối trang web mà từ lâu tôi đã tin là chúng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mình. Trên tất cả là tôi đã quen với việc bắt đầu một ngày mới với việc mở một trang web bất kỳ, tìm kiếm một thứ gì đó mà vì không biết chắc nó ở đâu, nên tôi lại mở hết trang này đến trang khác.

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện về tác động của Internet đối với đời sống của chúng ta. Nhưng vì bây giờ tôi không dùng Internet nữa, nên tôi không thể tìm kiếm trên Google xem các nghiên cứu này cho kết quả ra sao. Tôi chỉ có thể chia sẻ về việc, cuộc sống không Internet của tôi đã diễn ra như thế nào.

Ví dụ về buổi sáng của tôi. Tôi từng quen với việc bật máy tính lên ngay khi thức dậy. Tôi từng nghĩ, với hai đứa con hối hả đến trường vào mỗi sáng, người ta chẳng thể ních thêm việc gì vào cái mớ bòng bong: nấu bữa sáng, chuẩn bị bữa trưa, rửa mặt đánh răng… ngoài vài phút lượn lờ trên Internet với một tách cà phê.

Nhưng tôi thật hạnh phúc khi phát hiện ra mình đã nhầm. 5 hoặc 7 phút tôi thường dùng để đọc những tin tức nhảm nhí trên Internet hay buông ra mấy lời đùa trên Twitter lại đủ cho tôi hoàn thành một chương trong Chiến tranh và Hòa bình hoặc Iliad.

Từ khi "ly khai" Internet, tôi có dịp trở lại với những người bạn cũ - những người từ lâu bị tôi bỏ rơi để chạy theo những trò hay ho trên Twitter và Facebook - như: Homer, Montaigne, Shakespeare, Tolstoy, Dostoevsky, Turgenev, Dickens, George Eliot, Elizabeth Bowen, Elizabeth Bishop… Danh sách này còn dài nữa.

Tôi nhận ra rằng, mối liên hệ với những người bạn này là liên hệ một chiều, không đòi hỏi "có đi có lại". Họ không biết hoặc không quan tâm đến sự tồn tại của tôi. Điều thú vị đáng chú ý hơn là cuộc đối thoại ngầm giữa tôi và họ. Ví như, tôi có một người bạn buổi chiều tên là Michel de Montaigne. Tôi nói như vậy là vì tôi thường đọc ông sau 4h chiều, khoảng 30 phút trước khi đến trường đón con. Đó cũng là khoảng thời gian mà trước đây tôi thường dành cho Internet. Với Montaigne, cuộc đối thoại xoay quanh những câu chuyện cổ.

Thực sự, khi đọc những trang viết của Montaigne, tôi muốn trò chuyện thành tiếng với ông. Tương tự, tôi tìm thấy thú vui khi "đối thoại" với Tolstoy, Turgenev… Dù suy nghĩ của tôi chỉ như là giọt nước trước một biển cả tư tưởng và quan điểm sâu sắc của các ông.

Tuy nhiên, cuộc sống không Internet cũng có nhiều điều bất tiện. Tôi có hàng đống email chất chồng chưa đọc và chưa trả lời; tôi lờ mọi người đi hết lần này đến lần khác. Và sau khi cai nghiện được Internet, tôi lại phải đối diện với một vấn đề khác: tôi bị nghiện đọc. Nên nếu phải vào mạng làm gì đó, tôi sẽ rất thiếu kiên nhẫn. Nhưng dù sao, tôi cũng hài lòng với sự thay đổi này.

Theo Hà Linh - evan




Các bài mới
Các bài đã đăng