- Chị có kế hoạch trở lại Ấn Độ - Không phải bây giờ. Nhưng trong tâm trí tôi, tôi đã trở đi trở lại nơi đó rất nhiều lần. - Chị từng là chủ nhân của giải thưởng văn học danh giá nhất châu Âu - Man Booker. Giải này cũng được người Ấn Độ đánh giá rất cao. Man Booker đã thay đổi cuộc sống của chị như thế nào? - Giải thưởng khiến cuộc sống của tôi dễ dàng hơn. Bởi làm nghề viết là công việc rất khó khăn. Có những thời gian dài bạn không thể tìm được nhà xuất bản đánh giá đúng tác phẩm của mình. Nhưng khi đã đoạt giải, cơ hội sẽ đến với bạn theo nhiều cách khác nhau. - Chị là con gái của nhà văn nổi tiếng Anita Desai. Chị cũng tham dự rất nhiều khóa học viết văn tại nhiều trường đại học. Theo chị, nghề viết là thành quả của quá trình học tập hay nó phụ thuộc vào tài năng và tính di truyền? - Tôi nghĩ, viết văn là điều không thể học nhưng có thể phát triển. Rất nhiều người có tài nhưng không thể viết nổi tác phẩm nào bởi viết văn đòi hỏi cả tính kỷ luật và cách suy nghĩ có hệ thống. Điều này có thể học được. - Trong một cuốn tiểu thuyết, chị từng viết rằng việc sử dụng ngôn ngữ mới sẽ tạo ra khoảng cách. Nhưng chị cũng không viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Tại sao lại như vậy? - Tôi viết bằng ngôn ngữ tôi có thế mạnh nhất, đó là tiếng Anh. Tất nhiên, là một người di cư, sống ở quốc gia khác, nói bằng ngôn ngữ khác, bạn sẽ đánh mất điều gì đó. Rõ nhất là kỹ năng nói đùa. Chẳng hạn, ngôn ngữ của tôi rất khác với ngôn ngữ của cha tôi. Tiếng Anh của ông là thứ tiếng Anh có pha một nửa là tiếng Hindi - thứ tiếng Anh đầy thành ngữ và ẩn dụ. Trong cách nói đùa, ngôn ngữ ông dùng là tiếng Anh, nhưng ý tưởng là của văn hóa Hindi. Còn trong ngôn ngữ của tôi, do khoảng cách về thế hệ, điều đó đã biến mất. Cha tôi thường nói: "Văn chương của con đâu phải là văn chương, vì con đã đánh mất tiếng nói của mình rồi". Khi người dân Ấn Độ xa quê được nghe thứ tiếng cổ của Delhi, họ có thể xúc động đến rơi nước mắt. - Nhiều nhà xuất bản châu Âu rất hứng thú với các tác giả nữ đến từ châu Á hoặc Trung Đông. Trong khi một số nhà xuất bản khác lại đặt vấn đề chính trị lên trước văn học. Chị nghĩ gì về điều này? - Tôi nghĩ đó là một kiểu thời trang trong văn học và tôi cảm thấy phiền lòng về điều đó. Một lần, tôi gặp một phụ nữ người Nigeria. Chị ấy tới một nhà xuất bản để nộp bản thảo tiểu thuyết của mình. Chị kể, nhà xuất bản cho biết: “Nigeria đang không phải là mốt. Bây giờ độc giả đang thích Ấn Độ". Sau đó một thời gian rất ngắn, Nigeria trở thành chủ đề được ưa chuộng với rất nhiều nhà xuất bản. Tất nhiên, là một nhà văn, điều tôi quan tâm là trách nhiệm của mình đối với việc giới thiệu về đất nước, quê hương với thế giới. - Sau khi George Bush trở thành Tổng thống Mỹ, chị từng tuyên bố từ bỏ mong muốn trở thành công dân Mỹ. Vậy chị nghĩ gì về nước Mỹ hiện tại? - Tôi không suy nghĩ nhiều về đề tài này, dù tích cực hay tiêu cực. Tôi không muốn bình luận gì cả. - Trong tiểu thuyết của mình, chị thường đề cập tới những chủ đề quen thuộc như: di sản văn hóa, chủ nghĩa thực dân, di cư, chủng tộc… Chị có nghĩ đến việc mang tới cho độc giả những đề tài mới? - Vâng, cuốn tiểu thuyết mới của tôi sẽ ít chất chính trị hơn. Nó thể hiện trải nghiệm của những con người hiện đại, bị buộc phải hiện đại hóa, bị rơi ra khỏi guồng quay của cuộc sống, phải đối diện với nỗi cô đơn… Những đề tài này cũng đã xuất hiện trong các tiểu thuyết trước của tôi, nhưng cuốn sách mới sẽ mang đến những cảm xúc lạ. - Chị hâm mộ ai trên văn đàn thế giới hiện nay? - Rất nhiều. V.S. Naipaul, Michael Ondaatje, Salman Rushdie… Đặc biệt, Salman Rushdie có ảnh hưởng rất lớn đến tôi. - Chị vừa có một cuộc trò chuyện trên truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng trong cuộc trò chuyện đó, người ta lại quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ của chị với Orhan Pamuk cũng như là đến tiểu thuyết của Pamuk. Chị có phiền lòng vì điều đó? - Tôi không buồn lắm. Tôi cũng nhận được những câu hỏi về tiểu thuyết của mình. Tôi hạnh phúc vì tác phẩm của mình đã được đưa ra thảo luận. Theo Thanh Huyền - evan |