Văn nghệ thế giới
“Tìm một con đường, tìm một lối đi”?
10:04 | 28/09/2010
Phim về nước Nga nhưng do diễn viên nước khác đóng và nói tiếng Anh, đạo diễn cũng không phải người Nga, đó là chuyện thường ngày ở Hollywood. Khán giả cả thế giới chấp nhận chuyện đó một cách tự nhiên, dĩ nhiên, trừ khán giả Nga. Đường tới thành Thăng Long phải chăng cũng rơi vào cảnh huống như vậy? Bài viết dưới đây thử đưa ra một góc nhìn xung quanh sự kiện nóng trong giới văn nghệ tuần này.
“Tìm một con đường, tìm một lối đi”?
Trang phục đơn giản, bối cảnh đơn giản nhưng rất Hàn Quốc
Cơ hội và thử thách

Khán giả cả nước, trừ các thành viên trong Hội đồng duyệt quốc gia, nghe nói không hơn 10 vị, chưa ai biết “mặt mũi” phim Đường tới thành Thăng Long (ĐTTTL) thế nào, trừ xem đoạn trailer phát tán trên mạng (vì chưa chiếu và có thể không được chiếu!).

Thế nhưng, có lẽ chưa bộ phim Việt Nam nào (cả phim nhựa lẫn truyền hình) lại thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận như thế từ khi chưa ra mắt.

Tràn ngập trên các trang báo văn hóa, các mạng xã hội mấy ngày qua là những thông tin, ý kiến nhiều chiều xung quanh bộ phim, thậm chí cả những tài liệu dịch thuật, nghiên cứu liên quan tới lịch sử Việt, trang phục Việt... cũng được lan truyền với tốc độ cực nhanh. Những người bi quan lâu nay về tình trạng “người Việt không thuộc sử Việt”, hay “giới trẻ quay lưng với lịch sử nước nhà” chắc chắn phải suy nghĩ lại. Hóa ra, tiềm ẩn trong mỗi người dân Việt Nam, trong rất nhiều bạn trẻ, vẫn mãnh liệt ngọn lửa tự hào, trân trọng lịch sử dân tộc và những giá trị bản sắc. Tất nhiên, ngọn lửa ấy cũng cần có điều kiện để bùng lên, mà đôi khi điều kiện lại đến một cách bất ngờ, ngoài dự tính và không ai muốn, như là chuyện của bộ phim ĐTTTL những ngày qua. Ngọn lửa ấy cũng chính là cơ hội vàng về khán giả cho các nhà làm phim lịch sử Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là “lửa thử vàng” khắt khe, thậm chí nghiệt ngã về chất lượng những sản phẩm điện ảnh “gắn mác” phim lịch sử Việt Nam.

Không chỉ ở Việt Nam, phim lịch sử (hiểu theo nghĩa rộng lấy đề tài, bối cảnh lịch sử cụ thể) luôn là một câu chuyện phức tạp trên thế giới. Trên thực tế, hiếm có nền điện ảnh một quốc gia lại làm phim về lịch sử của một quốc gia khác không liên quan, nhưng Hollywood là nơi sản xuất phim lịch sử cho toàn thế giới. Từ Nữ hoàng Cleopatra của Ai Cập, Võ sĩ giác đấu của La Mã đến Lev Tolstoy, Doctor Zhivago của Nga, The Queen của nước Anh, hay Hồi ức Geisha của Nhật...

Hollywood cũng bị “đập”?


Ở đây khỏi phải nói về kinh phí đầu tư, về trình độ sản xuất của Holywood khi họ xây dựng cả đấu trường La Mã cổ đại hay Quảng trường Đỏ để quay phim, cũng như sự kỹ lưỡng của các đạo diễn gạo cội, các ê-kíp làm phim chuyên nghiệp khi làm các phim có liên quan tới văn hóa địa phương ở những quốc gia khác nhau. Ấy thế nhưng, không ít những phim Mỹ, do Mỹ bỏ tiền làm về quốc gia khác bị chính quốc gia đó phản đối, bị khán giả nước đó chê là không phải họ. Mật mã Da Vinci bị Tòa thánh Vatican “cấm cửa”. Triệu phú ổ chuột bị biểu tình phản đối ở Ấn Độ. Người Hy Lạp phản đối phim Alexandre Đại đế vì Hollywood có hơi hướng biến hoàng đế của họ thành người đồng tính. Anna Karenina do Hollywood sản xuất năm 1935 với minh tinh Greta Garbo thủ vai Anna bị Liên Xô chê là “không Nga” nên đến năm 1967 thì đạo diễn Nga Aleksandr Zarkhy làm lại bộ phim này với nữ diễn viên người Nga Tatyana Samojlova thủ vai chính. Ấy thế nhưng phiên bản 1935 vẫn được biết đến nhiều hơn cả. Và mặc dù Bác sĩ Zhivago là con đẻ của đại văn hào Nga Boris Pasternak nhưng phải nhờ Hollywood mà bộ phim cùng tên được sản xuất năm 1965 được vinh danh ở vị trí thứ 7 trên 100 tác phẩm điện ảnh tình cảm lãng mạn hay nhất thế giới. Tương tự, Hồi ức Geisha bị khán giả Nhật phản đối vì lối nhìn phương Tây sai lệch về văn hóa Nhật cũng như các minh tinh Trung Hoa Củng Lợi, Chương Tử Di “không xứng” trong vai các Geisha; thế nhưng chắc chắn đây là bộ phim về Geisha được nhiều người biết đến hơn bộ phim có tên Geisha do chính Nhật Bản sản xuất, từng được chiếu tại Việt Nam trong tuần lễ phim Nhật (rất ít người xem).

Hollywood không sai, các nhà làm phim Nga hay Nhật cũng chẳng sai, đơn giản họ đúng trong mục đích làm phim của mình. Với “cối xay thập cẩm” Hollywood, lịch sử hay văn hóa bản địa chỉ là những chất liệu (tất nhiên với thái độ và trình độ làm phim chuyên nghiệp, các yếu tố lịch sử và văn hóa bản địa luôn được các nhà làm phim ở đây tôn trọng ở mức độ nhất định), để mang những tác phẩm điện ảnh đến khán giả toàn cầu (họ không sản xuất Anna Karenina cho khán giả Nga hay Hồi ức Geisha cho khán giả Nhật). Ngược lại, đạo diễn Aleksandr Zarkhy muốn làm một Anna Karenina cho khán giả Nga và cho những khán giả muốn biết thực sự văn hóa Nga là như thế nào, tương tự bộ phim Geisha của đạo diễn Nhật Bản. Và không chỉ các đạo diễn Hollywood, ngay Trương Nghệ Mưu khi làm những bộ phim khiến khán giả nước ngoài “sững sờ” về văn hóa Trung Hoa (Cao lương đỏ, Cúc Đậu, Đèn lồng đỏ treo cao...), thì chính khán giả Trung Quốc lại thờ ơ, thậm chí chính dư luận trong nước cũng bất bình vì trang phục quá hở, quá sexy kiểu phương Tây trong Hoàng kim giáp...

Với những “phim lịch sử du lịch” được làm theo kiểu Hollywood, khán giả đông đảo hơn, là những khán giả xem phim lấy sự hấp dẫn làm trọng, thay vì quan tâm nhiều tới sự chính xác của lịch sử hay văn hóa bản địa (họ cũng chẳng có đủ kiến thức và thời gian để tìm hiểu sự chính xác đó tới đâu). Nhưng làm phim về lịch sử một dân tộc, nhằm tôn vinh giá trị bản sắc, nhắm đến khán giả của chính dân tộc đó thì lại là chuyện khác hẳn. Và nếu như những “phim lịch sử du lịch” rất thoáng trong việc lựa chọn ê-kíp làm phim (nhân vật người Nga có thể do diễn viên Anh đóng hoặc ngược lại, diễn viên nước nào cũng nói tiếng Anh, đạo diễn gốc Hoa làm phim về người Mỹ...) thì cũng ngược lại, ở dòng phim sau, dường như không có chuyện phim do một đạo diễn nước ngoài và ê kíp nước ngoài thực hiện. Nói như một độc giả trên một tờ báo mạng, “Không ai hiểu người Việt bằng người Việt”.

ĐTTTL nhắm tới khán giả thuộc loại phim thứ hai, nhưng cách làm phim lại có hơi hướng kiểu làm phim thứ nhất. Nhập nhằng như thế, ắt nổ ra tranh cãi.

Kiểu Tàu, kiểu Hàn, kiểu Việt Nam


Một vấn đề khác được đặt ra ở đây là nhiều ý kiến cho rằng chúng ta không có điều kiện để làm phim lịch sử. Nào là không có trường quay, nào là không có kinh nghiệm, thậm chí ngay cả lịch sử cũng... không đủ điều kiện làm phim, ví như căn cứ theo tài liệu lịch sử thì vũ nữ trong hoàng cung thời Lý trang phục chỉ là... trang sức, quan quân không cưỡi nhiều ngựa hoặc không cưỡi ngựa lớn vì kỵ binh không phát triển (!).

Đây quả là một câu chuyện lớn. Tuy nhiên, sẽ không phải là quá lớn nếu chúng ta nhìn vào cách làm phim lịch sử của Hàn Quốc. Hấp dẫn khán giả Việt không thua kém phim lịch sử Trung Quốc trên màn ảnh mấy năm qua, nhưng phim truyền hình lịch sử Hàn Quốc là một hình ảnh hoàn toàn khác. Không được dàn dựng hoành tráng, hạn chế tối đa cảnh chiến trận, thay bằng quay nội cảnh là chủ yếu, thay bằng chuyện phim và đào sâu vào tâm lý nhân vật, trang phục đơn giản, bối cảnh đơn giản - nhưng rất Hàn Quốc, không thể lẫn lộn với bất cứ nước nào.

Ngay cả trường quay phim lịch sử Hàn Quốc cũng không có gì là ghê gớm với nhiều người Việt đã được tận mắt thấy tay sờ. Trong khi, từ đầu năm 2007, một phim trường truyền hình đã được khởi công tại Hà Nội “với kinh phí đầu tư lớn và quy mô hiện đại lần đầu tiên ở Việt Nam, VTV đã tham khảo một số mô hình trường quay truyền hình trên thế giới như: Trường quay của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), trường quay Postdam (Đức), trường quay Disney ở Paris” (theo VTV). Cũng theo nguồn tin VTV, năm 2010 sẽ có những tập phim truyền hình Việt Nam đầu tiên ra đời từ trường quay này, tuy nhiên cho tới nay chưa rõ phim trường hiện đại này phát huy tác dụng ra sao...

Khán giả đang khát phim lịch sử Việt, các nhà đầu tư không tiếc tiền của, công sức cho những bộ phim có giá trị về lịch sử nước nhà. Có lẽ cái chúng ta đang thiếu chính là một định hướng đúng cho con đường đi của phim lịch sử Việt Nam.

Theo TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng