23 giây ngắn ngủi không là gì với một đời người nhưng bỗng trở nên đầy bi thương và mất mát với số phận hàng triệu người dân Đường Sơn, trong đó có gia đình của Lý Nguyên Ni. Hơn 242.000 người chết, 164.600 bị thương, 4.000 trẻ mồ côi là con số thiệt hại khủng khiếp mà đất nước Trung Quốc phải gánh chịu trong trận động đất tang thương nhất của thế kỷ 20. Dư chấn của nó không chỉ hằn sâu lên tâm khảm nhiều thế hệ người dân Đường Sơn mà còn tạo nên cú sốc tâm lý, những chấn động tinh thần không dễ sớm phôi pha. Thật không sai khi đạo diễn chọn tựa tiếng Anh là Aftershock (tạm dịch Sau cú sốc) cho bộ phim dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Canada gốc Trung Quốc Trương Linh.
Rồi một ngày tận xứ Canada xa xôi, trong viên mãn của một gia đình hạnh phúc, nhưng vì xót thương các nạn nhân, Phương Đăng đã vội vã quay về quê hương, làm tất cả những gì có thể để cứu giúp đồng bào sau khi nghe Tứ Xuyên vừa gánh chịu một trận động đất lớn. Đó là năm 2008. Ký ức của 32 năm xa xưa chợt tràn về trong tim người đàn bà 40 tuổi và sự run rủi của số phận đã giúp cô tìm lại được chính em trai mình, lúc này là một doanh nhân giàu có nhưng cũng đến Tứ Xuyên tham gia cứu nạn. Biến cố năm 1976 khiến Phương Đăng biệt ly gia đình nhưng cũng nhờ trận động đất của 32 năm sau mà cô tìm lại được mẹ ruột. “Mỗi khi tôi kể lại câu chuyện này, mọi người đều khóc. Tình người, tình mẹ, tình cha là thông điệp tôi muốn chuyển tải sau những mất mát quá lớn mà con người có thể chịu đựng được. Đường Sơn đại địa chấn là món quà tôi dành tặng cho tất cả nạn nhân của trận động đất kinh hoàng năm 1976”, đạo diễn Phùng Tiểu Cương phát biểu với báo giới hôm ra mắt phim. Đường Sơn đại địa chấn lấy nước mắt khán giả nhờ tài năng của đạo diễn và cả diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên. Phim không nhiều ngôi sao nhưng vẫn làm khán giả nhớ mãi. Từ Phàm vào vai một bà mẹ 32 năm dài sống trong nỗi nhớ và cả những dằn vặt về đứa con gái nhỏ. Hình ảnh bà mẹ gần như không nói một lời, đôi tay run run nặn miếng bánh khi thấy đứa con gái trở về trong ngôi nhà mà bà chờ đợi suốt 32 năm; những trái cà mà ngày xưa đứa con gái của bà thích ăn và cái đêm cuối cùng oan nghiệt không được ăn vì phải nhường cho cậu em trai vẫn luôn hiện diện trước bàn thờ; hình ảnh bà mẹ quỳ xuống trước cô gái hỏi: “Đăng ơi, con đi đâu bỏ mẹ suốt 32 năm?”... đã làm người xem rung động. Từng chút một, những chi tiết nhỏ nhặt được Phùng Tiểu Cương chăm chút. Và chính điều đó làm nên thành công của phim. Đặc biệt, 2.000 diễn viên quần chúng của thành phố Đường Sơn mới là những người dũng cảm nhất. Họ chấp nhận tham gia phim dù ai trong số đó cũng có người thân đã chết vì động đất từ 32 năm trước. Quá khứ đau buồn chợt sống lại, làm họ ray rứt nhưng vẫn hết lòng vì những người đã khuất. Theo Đỗ Tuấn - TN |