Văn nghệ thế giới
Primo Levi và tác phẩm "Có được là người"
08:45 | 28/10/2010
Hồi ức của nhà văn Ý gốc Do Thái Primo Levi về những tháng ngày đau thương sống trong trại tập trung Đức quốc xã được ghi lại trong tác phẩm "Có được là người".
Primo Levi và tác phẩm
“Hãy tưởng tượng một con người bị tước đoạt không chỉ những người thân yêu nhất mà cả căn nhà, các thói quen, quần áo của anh ta, tất cả, thực sự là tất cả những gì anh ta có: anh ta sẽ thành một người trống rỗng, chỉ còn biết đau đớn và cảm nhận những nhu cầu tầm thường nhất, quên lãng phẩm giá và sự kiên cường, mà người đã mất tất thì rồi cũng sẽ dễ dàng đánh mất bản thân mình. Sẽ thành một người mà cuộc sống hay cái chết sẽ được quyết định một cách hời hợt, thiếu đi những quan hệ thân thuộc giữa con người với con người…”.

Với "Có được là người", hồi ký của nhà văn Primo Levi, người ta sẽ không phải tưởng tượng bởi tất cả những điều ấy đều đã xảy ra, tất cả đều là sự thật, tất cả đều là những ký ức nhức buốt muốn quên, phải quên nhưng không bao giờ có thể quên. Có được là người ghi lại chân thực và sống động một năm, chính xác là mười một tháng trong trại tập trung của Phát xít Đức ở Auschwitz (Ba Lan) (từ tháng 2-1944 đến tháng 1-1945) của Primo Levi nhưng với ông và tất cả những “Häftling” (tù nhân-tiếng Đức) khác ở địa ngục trần gian ấy, một năm mà tựa một đời. Một cuộc đời mà không một ai muốn trải qua, không ai muốn sống lại.

Primo Levi là một người Ý gốc Do Thái, người theo chủ nghĩa vô thần; là nhà hóa học, là tác giả của nhiều hồi ký, truyện ngắn, thơ, tiểu luận, sách khoa học và một tiểu thuyết; là một người có nhiều bè bạn, ký ức và cả những ước mơ. Nhưng trong "Có được là người", Levi chỉ là 174517. Không tên tuổi, không gì cả, ngoại trừ những con số vô tri câm lặng nhưng biết ứa máu, xăm trên cánh tay trái. Khái niệm cuộc sống của Levi từ giờ phút đó chỉ là tồn tại, sự tồn tại được tính bằng giây, bằng phút, bằng những khoảnh khắc mong manh giữa những cuộc vận chuyển, những lần di dời; bằng sự ra đi vĩnh viễn của một hay những người tù khác; bằng cả những cơn ác mộng không hình hài ập về hằng đêm… Với Levi, còn sống đơn giản nghĩa là “Những vết đau trên chân lại bắt đầu vỡ ra, và một ngày mới bắt đầu…”.

Sau rất nhiều đớn đau cả về thể xác và tinh thần ngỡ như không thể vượt qua để tồn tại, bằng nội lực không tưởng, bằng niềm tin và tài xoay xở, Primo và một số người bạn tù khác đã trở về với cuộc sống tự do sau khi quân Nga tấn công vào trại tập trung. “Sớm hay muộn trong cuộc đời mình, mỗi người sẽ khám phá ra rằng hạnh phúc hoàn hảo là không có thật, nhưng ít ai chịu ngẫm nghĩ về điều ngược lại: rằng một sự bất hạnh hoàn hảo cũng không hề có”. Nhưng phải đến tận sau này, khi đã sống sót trở về, Primo Levi mới đi đến được với kết luận ấy, còn lúc đó, dù đã bị thời gian và nỗi thống khổ ăn mòn tất cả nhận thức, lý trí, giác quan, xúc cảm, đến nỗi, khi họ đã ở tận cùng của sự bất hạnh, thì giới hạn ấy vẫn là chịu đựng được.

"Có được là người" là câu chuyện có thể làm tan nát bất cứ trái tim nhạy cảm nào bởi sự khủng khiếp và nghiệt ngã của nó. Mỗi câu chuyện nhỏ về chuỗi ngày dằng dặc vô định trong trại diệt chủng ấy đều có thể khiến người đọc tuyệt vọng nhưng Levi, trong vai trò người kể chuyện đã lấp đầy những câu chuyện nhỏ ấy bằng những chi tiết chân thực về cuộc đấu tranh sinh tồn, từng phút, từng phút một, mức độ kinh hoàng của nó được khắc họa sống động, vượt lên mọi tưởng tượng của tất cả mọi người, kể cả với những người đã từng biết về cái gọi là trại Auschwitz.

Hơn thế, câu chuyện về những trải nghiệm có thực của Levi được viết nên với sự kìm nén và tiết chế những chấn động của cảm xúc và tâm trạng đến độ người đọc tưởng như chúng đã bị đóng băng. Bằng cách viết như thế, Primo Levi đứng ngoài mọi quan điểm chính trị, đứng ngoài mọi phán xét, buộc tội, ông đứng ở vị trí một người nói lên sự thật, “đưa ra vài tư liệu cho một nghiên cứu khách quan về tâm trạng con người” và trước hết là giải tỏa nội tâm. Quá khứ đau thương không thể dễ dàng xóa mờ nhưng sẽ có cách để làm nó nhẹ bớt, và đó là cách Primo Levi đã làm để cố gắng sống tiếp, sống cuộc sống tự do hoàn toàn, tự do tuyệt đối. Cuộc sống của một CON NGƯỜI, theo đúng nghĩa.

Khách quan, chân xác, theo cách quan sát một nhà khoa học nhưng vẫn mang tính nhân văn và hơi hướng của một anh hùng ca bi tráng, đến nay, Có được là người đã được dịch sang nhiều thứ thứ tiếng và được coi là một trong những “di sản” của văn chương thế giới nói riêng và loài người nói chung.

Theo Song Minh - LĐ
 




Các bài mới
Các bài đã đăng