Văn nghệ thế giới
Ngôi làng của các “nghệ sĩ đi dây” kêu cứu
13:31 | 09/01/2011
Tại ngôi làng Tsovkra, Dagestan - miền Nam nước Nga - hầu như tất cả già trẻ, gái trai ở ngôi làng đều có thể đi trên dây như những nghệ sĩ xiếc tài ba. Tuy nhiên, thời hoàng kim của Tsovkra đã rời xa ngôi làng này từ cách đây 2-3 thập kỷ.
Ngôi làng của các “nghệ sĩ đi dây” kêu cứu
Em Tuti Ulubiyeva đang tập luyện khả năng đi trên dây của mình tại ngôi làng Tsovkra
Ngôi làng hẻo lánh Tsovkra trông giống như nhiều ngôi làng khác ở miền Nam nước Nga. Những mái nhà tranh nằm trên dốc núi mà phải mất nhiều giờ lái xe trên những con đường bẩn thỉu mới tới nơi.

Tập đi dây trong bất kỳ thời tiết nào

Truyền thống “đi dây” đã khiến Tsovkra nổi tiếng khắp Liên bang Xô Viết trong nhiều thập kỷ và các “nghệ sĩ đi dây” của ngôi làng này đã có mặt trong nhiều đoàn xiếc hàng đầu và đã giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi quốc tế. Tuy nhiên, truyền thống đó sẽ bị mai một đi nếu như không được hỗ trợ về tài chính.

Hiện nay, ở Tsovkra đám trẻ em vẫn tiếp tục tập “làm xiếc” trên những chiếc dây mỏng manh. Ông Ramazan Gadzhiyev, người đang điều hành ngôi trường dạy đi trên dây ở Tsovkra, tự hào nói: “Không phải ai cũng có thể có tài đi trên dây. Nhiều người lớn tuổi hơn không thể làm được vì quá khó, nhưng ở ngôi làng này bất cứ ai khỏe mạnh đều có thể làm xiếc trên dây”.

Các hoạt động ngoại khóa này vẫn liên tục được tổ chức tại ngôi làng nhỏ này. Cứ 3 lần/tuần, sau giờ học là đám trẻ lại đi những chiếc dây được căng ở rìa làng để luyện kỹ năng của mình trong sự giám sát của ông Gadzhiyev. Chúng tập trong bất cứ thời tiết nào, thậm chí trong mùa Đông giá rét khi nhiệt độ có thể xuống dưới âm 10 độ C.

Không có tương lai

Cách đây 10 năm, ông Gadzhiyev bắt đầu điều hành ngôi trường này với cố gắng thổi luồng không khí mới vào truyền thống của làng Tsovkra và nuôi dưỡng một thế hệ “nghệ sĩ” đi dây mới. Song người đàn ông 47 tuổi này đang trong một “cuộc chiến” đầy cam go khi ngày càng nhiều người dân trong làng đi tìm việc ở những thành phố lớn.

Tsovkra từng có 450 hộ dân, nhưng giờ chỉ còn 70, trong khi trẻ em vẫn không có các phương tiện để luyện tập một cách đúng đắn. “Những đứa trẻ tài năng ở Tsovkra chỉ có thể tiếp tục được truyền thống của Tsovkra nếu ngôi làng này được tài trợ. Nhưng hiện tại, hầu hết các em chỉ luyện tập theo sở thích vì nghề đi dây không hề có tương lai” - ông Gadzhiyev lo ngại nói.

2 học trò của ông Gadzhiyev, trong đó có con trai ông là cậu bé Magomed (12 tuổi) và Tuti Ulubiyeva (15 tuổi), chiều nào cũng tập đi dây. Chúng chưa có khả năng thực hiện được các màn diễn nguy hiểm từng thấy trong các màn trình diễn cũ của các ngôi sao Tsovkra, nhưng đôi chân bé nhỏ của các em có thể đi thoăn thoắt trên chiếc dây dày chưa đầy 1cm: “Cháu tập đi dây khi mới 6 tuổi”, Ulubiyeva kể. “Ban đầu cháu rất sợ, nhưng bây giờ thì không sợ nữa và chẳng sợ bất cứ điều gì”.

Truyền thống bắt nguồn từ những người đàn ông si tình?

Cho đến giờ vẫn không ai biết rõ truyền thống này được bắt đầu như thế nào mà chỉ biết rằng nó đã có niên đại từ cách đây hơn 100 năm. Tương truyền rằng, những người đàn ông si tình trong làng phải đi qua những hẻm núi để chinh phục được những cô gái trẻ ở ngôi làng bên cạnh. Vì vậy, họ đã căng một chiếc dây qua núi và đi trên đó để chứng tỏ sự can đảm và tình yêu sâu sắc của mình.

Nhưng theo ông Gadzhiyev, truyền thống này có thể bắt nguồn do thời tiết khắc nghiệt trong khu vực. Thời tiết đó đã làm hỏng những cây cầu bắc qua những con sông chảy siết, thế nên dân làng phải căng dây đi trên đó để qua sông. Đến đầu thế kỷ 19, người dân của Tsovkra nhận thấy đây không chỉ là một kỹ năng của người làng mà khả năng đi trên dây của họ có thể vươn ra ngoài ngôi làng nhỏ bé đó. Thế là nhiều nhóm “nghệ sĩ” đi dây của Tsovkra bắt đầu diễn ở các ngôi làng gần đó rồi vươn ra thế giới.

Ông Magomedramazan Ramazov, người đàn ông 65 tuổi trưởng thành ở Tsovkra, đang điều hành một trường xiếc mà ở đó quy tụ những người đi dây “thiện nghệ” nhất của làng Tsovkra. Cách đây 1 thập kỷ, ngôi trường được một doanh nhân giàu có ở Dagestan thiết lập nên. Người này đã hứa hẹn mang lại nhiều điều tốt đẹp cho ngôi trường nhưng ông chưa kịp làm việc đó thì đã bị bắn chết trong một cuộc tranh chấp kinh doanh. Kể từ đó, họa hoằn lắm mới có một nguồn tài trợ nào đó nhưng không nhiều.

Còn ở Makhachkala, Ramazov chi trả cho ngôi trường của mình bằng tiền riêng. Ông buồn rầu nói chẳng hề có sự hỗ trợ nào thêm để lưu giữ được các truyền thống của vùng Dagestan.

Theo Lương Tuấn Vĩ - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng