Văn nghệ thế giới
Hành trình đến thành phố thiên thần
12:55 | 23/01/2011
Là tên gọi cuộc triển lãm của 9 họa sĩ hàng đầu tại Thái Lan nhằm giới thiệu đến những người dân trong nước và bạn bè quốc tế về hình ảnh hiền hòa của Bangkok, thành phố đang chứng kiến nhiều biến động chính trị xã hội diễn ra liên tục trong thời gian qua.
Hành trình đến thành phố thiên thần
Cầu Rama VIII.
9 họa sĩ tham gia triển lãm là Chai Ratchawat, Preecha Thaothong, Pishnu Supanimit, Thavorn Ko-Udomvit, Krirkbura Yomnage, Teerawat Ngarmchuachit, Netikorn Chinyo, Jintana Piamsiri và Pongsiri Kiddee. 18 bức tranh được giới thiệu trong triển lãm lần này sẽ được đem bán đấu giá, toàn bộ số tiền thu sẽ đóng góp cho Quỹ Chaipattana Foundation hỗ trợ cho người nghèo tại Bangkok.

Muốn mọi người có một cái nhìn mới về thủ đô của “Đất nước những nụ cười” và biểu thị tình yêu đất nước là mục đích của các họa sĩ. Ông Pishnu Supanimit nói: “Tôi thường nghe người dân Bangkok phàn nàn về nơi này, họ cho rằng nó ồn ào, ô nhiễm, đầy biến động. Họ không hiểu rằng nếu hiểu rõ về Bangkok thì thành phố rất nhiều giá trị đẹp. Tôi cũng đánh cược rằng tuy họ than phiền nhiều nhưng nếu cho họ có cơ hội rời xa thành phố này, chắc chắn là họ sẽ không đi. Bởi Bangkok vẫn là một ngôi nhà chung hiền hòa của người dân Thái”.

18 bức tranh là những bức họa sinh động về hình ảnh của thủ đô Bangkok. Bức tranh “Cầu Rama VIII” của họa sĩ Supanimit phác họa vẻ đẹp lung linh của chiếc cầu dây văng khi đêm xuống. Ánh đèn phản chiếu xuống mặt sông gợi lên hình ảnh của bảy sắc cầu vồng chính là dụng ý của tác giả. Ông Supanimit xem cầu vồng là biểu tượng của hạnh phúc và bình an, ông muốn gửi gắm ước vọng về một thủ đô yên bình không còn bị chia rẽ giữa phe áo vàng và áo đỏ.

Bức “Chinatown” của Chai Ratchawat thì mô tả cuộc sống nhộn nhịp trên khu phố Hoa ở thủ đô
Bangkok, đường sá đông đúc, các hàng quán lấp lánh ánh đèn. Riêng với bức “Ratchadamnoe” của họa sĩ Krirkbura Yomnage vẽ về đại lộ Ratchadamnoe, nơi được xem là “điểm nóng” của các cuộc biểu tình lại thu hút người xem vì khung cảnh êm ả vào những ngày không biến động. Đại lộ rợp bóng cây xanh, các phương tiện giao thông tuần tự di chuyển trên đường phố.

Tác phẩm “Cuộc sống trên sông Chao Phraya” của họa sĩ Preecha Thaothong cũng gây ấn tượng với người xem bởi những hình ảnh thân quen nhưng thoáng gây bùi ngùi cho người thưởng thức, bên cạnh một cuộc sống hoa lệ trên bờ ở Bangkok thì ngay dưới cây cầu Rama VIII, trên dòng sông hiền hòa Chao Phraya vẫn còn cuộc sống nghèo khó của những người dân vạn đò. Những ngôi nhà lợp bằng mái tranh, chen chúc nhau mọc trên con sông Chao Phraya là một hình ảnh đối lập với những ngôi nhà cao trọc trời tại nơi có nhịp sống nhộn nhịp nhất nước Thái.

Mỗi bức tranh là mỗi một cảm xúc về Bangkok mà các tác giả muốn gửi gắm đến người thưởng thức. Khoảng thời gian sáng tác những bức tranh ngắn nhất là 2 tuần và dài nhất là kéo dài hơn 1 tháng. Ông Krirkbura Yomnage bày tỏ cảm xúc: “Bức tranh (đại lộ Ratchadamnoe) đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc hạnh phúc vì đây là nơi cha tôi thường dắt tôi đến để chào mừng sinh nhật của Quốc vương. Tất cả tình yêu của tôi về Bangkok đều nằm trong bức tranh này”.

Các họa sĩ đều cho rằng, Bangkok tuy vẫn còn nhiều biến động vì sự chia rẽ trong nội bộ nước Thái nhưng không phải vì thế mà người ta dễ dàng quên đi những cảnh đẹp, những hình ảnh tiêu biểu của nơi này. Và 18 bức tranh đã làm được điều đó, khơi gợi lại lòng yêu quý Bangkok và kêu gọi mọi người dân đoàn kết để cùng vượt qua những thời điểm khó khăn tại đất nước.

Theo Phương Nam - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng