Văn nghệ thế giới
Phía Đông mặt trời
09:19 | 27/02/2011
Mùa thu năm 1928, ba thiếu nữ người Anh cùng chung một cuộc hành trình đến với đất nước Ấn Độ xa xôi trên con tàu xuyên đại dương mang tên một loài bướm hoàng đế, Kaiser-i-Hind.
Phía Đông mặt trời
Mỗi người đều mang theo trong mình những ước mơ về một cuộc đời mới đang chờ đón ở phía trước. Rose, một thiếu nữ xinh đẹp đang ở độ tuổi thanh xuân sắp lên xe hoa trở thành cô dâu, trong lòng đầy lo âu khắc khoải bởi sắp phải rời xa gia đình thân yêu, kết chặt đời mình với một người đàn ông mà cô gần như không hề biết gì về anh ta.

Tor, cô bạn thân từ thuở ấu thơ trong vai trò là phù dâu của Rose lại hoàn toàn ngược lại, hồ hởi và đầy ắp hạnh phúc bởi sắp thoát khỏi vòng kiềm toả của người mẹ khắt khe đến mức độc đoán của cô, và hơn tất cả, Tor đang thầm hy vọng sẽ tìm thấy một nửa của đời mình tại đất nước Ấn Độ xa xôi mà cô chưa một lần đặt chân đến. Và Viva, bảo mẫu trẻ tuổi của hai cô gái, đang tìm cách trở về Ấn Độ với hy vọng tìm lại những kỷ niệm thời ấu thơ, về với mảnh đất nơi đang lưu giữ linh hồn những người thân yêu của cô đang phiêu dạt, là bố, là mẹ và người chị gái Josie yêu dấu đã qua đời từ nhiều năm trước. Chuyến trở về lần này của Viva còn mang ý nghĩa quan trọng bởi cô sẽ nhận lại chiếc rương kỷ vật mà mẹ cô đã để lại tại gia đình một người bạn, và hơn tất cả, cuộc hành trình mang theo những khát vọng về một cuộc sống tự do đang chờ đón Viva ở phía trước.

Theo chân ba cô gái trong chuyến hành trình còn có Guy, một thiếu niên ngỗ nghịch đang trên đường trở về Ấn Độ gặp lại bố mẹ đã mười năm trời xa cách, và Guy trở thành tâm điểm của những phiền hà rắc rối diễn ra trong suốt chuyến đi.

Đặt chân lên Ấn Độ, cả ba lập tức phải đương đầu với những thách thức về văn hoá cũng như khí hậu ở đất nước kỳ lạ này. Rose lúc này mới đối diện với nỗi hoảng sợ bởi quyết định kết hôn vội vàng của cô. Trong khi ấy, Tor mải mê với công cuộc khám phá cuộc sống xã hội thượng lưu ở Ấn Độ dưới sự dìu dắt của người phụ nữ được thuê để tiếp đón và tổ chức tiệc chiêu đãi quan khách tại lễ kết hôn của Rose, quý bà Ci Ci Mallinson. Viva, bên cạnh nghề bảo mẫu tạm thời, cô còn là một nhà văn mới chập chững bước vào nghề viết với bao hoài bão và tham vọng, buộc phải xoay sở tìm cách tồn tại; cuối cùng, cô chấp nhận làm giáo viên tại một mái ấm tình thương nuôi dạy trẻ mồ côi ở Bombay.

Ba cô gái, ba nhân vật chính trong câu chuyện vượt đại dương bao la đến với Ấn Độ để tìm kiếm những điều mới mẻ trong cuộc đời của mỗi người – một cuộc hôn nhân đảm bảo vững chắc cho tương lai, tự do ở một xã hội khác, cả cơ hội để giải mã những bí ẩn của gia đình và tìm cách hàn gắn những vết thương tinh thần đã hằn sâu trong lòng suốt bao nhiêu năm qua. Mỗi cô gái đều phải nỗ lực hết mình trong công cuộc kiếm tìm tình yêu, để yêu và được yêu.

Rose và Tor, hai tiểu thư chưa một lần rời khỏi tổ ấm đã phải học cách sống độc lập, chỉ một chỗ dựa duy nhất ấy chính là sức mạnh tiềm ẩn trong chính mỗi người. Còn Viva lại đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan của hiện tại, cô buộc phải học cách chia sẻ, để được lắng nghe và gượng dậy trước những chấn thương tinh thần từ thời thơ ấu ám ảnh cuộc đời cô đến tận những năm tháng trưởng thành về sau.

 Những cuộc đấu tranh vật lộn với cuộc sống cùng những thắng lợi mà Viva, Rose và Tor đã đạt được chính là hiện thân của những thắng lợi mà đất nước Ấn Độ đã giành được, với một nền văn hoá đầy màu sắc và cuộc xung đột chính trị giữa quân đội Anh với nhân dân Ấn Độ. Bối cảnh câu chuyện diễn ra trong thời gian M.Ghandi nổi lên như một lãnh tụ đáng kính, mang theo thông điệp về một cuộc phản kháng trong hoà bình chống lại sự đô hộ của người Anh.

“Phía Đông mặt trời” không chỉ mang dáng dấp của một cuốn tiểu thuyết lịch sử thú vị và hấp dẫn. Cảnh đẹp, hương vị, âm thanh và màu sắc của Ấn Độ dưới ngòi bút của nhà văn Julia Gregson trở nên sống  động và đầy lôi cuốn. “Phía Đông mặt trời” còn là những câu chuyện tình yêu thấm đẫm ý nghĩa nhân văn và tinh thần cao quý, là tình yêu nhẹ nhàng và thâm trầm của đôi lứa, là tình yêu quê hương sâu thẳm dành cho mảnh đất nơi mỗi người trong chúng ta hằng gắn bó trong suốt những tháng năm thơ ấu, là tình bạn, tình bằng hữu chân thành và sâu sắc giữa những người đồng hành cùng nhau vun tay xây đắp...

Vượt qua những tên tuổi khác, Julia Gregson với “Phía Đông mặt trời” của bà đã giành được giải thưởng Tiểu thuyết lãng mạn nhất năm 2008 của nước Anh. Không dừng lại ở đấy, “Phía Đông mặt trời” còn được nhà sách Richard & Judy (một nhà sách uy tín nhất nước Anh) xếp hạng thứ ba trong tám cuốn sách xuất sắc nhất của năm.

Julia Gregson hiện đang làm biên tập viên, phóng viên cho một tạp chí phụ nữ tại Anh. Trước đây, bà từng là phóng viên Anh thường trú tại Ấn Độ nên có vốn kiến thức khá phong phú về cuộc sống nơi đó. Bà Alice O’Keeffe - biên tập viên của The Bookseller - cho rằng “Phía Đông mặt trời” đề cập đến “rất nhiều loại tình yêu khác nhau”. O’Keeffe nhận xét “Có tình yêu thật sự mà các nhân vật trong truyện đang tìm kiếm, có tình yêu quê hương sâu thẳm dành cho đất nước Ấn Độ, và có cả tình bạn sâu sắc mà những người đồng hành gây dựng nên”.

Cuốn sách đã bán được 350.000 bản ở Anh và hơn 500.000 bản tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Sách dày 715 trang, giá bán 120.000 đồng, do Công ty Phương Đông phối hợp với NXB Phụ nữ phát hành, bản dịch từ nguyên bản tiếng Anh của nhà văn Di Li.

Theo Nội Hà - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng