Văn nghệ thế giới
Khi nền văn hóa Pháp nhảy moonwalk
08:49 | 03/03/2011
Thế kỷ 21 này đối với người Pháp phải chăng là chuỗi những nuối tiếc cho thế kỷ 20 vừa trôi qua? Căn bệnh Alzheimer đang len lỏi vào nhiều gia đình, người ta sợ mất trí nhớ, người ta cuộn mình lại. Nền văn hóa Pháp cũng như sinh hoạt văn hóa tại Pháp hiện đang nhìn về quá khứ, với những thành công, những vinh quang, những thăng trầm của một thời đã xa, và cả những thái quá trong cách nhìn nhận.
Khi nền văn hóa Pháp nhảy moonwalk
Nền văn hóa Pháp cũng như sinh hoạt văn hóa tại Pháp hiện đang nhìn về quá khứ

Cuộc đời là một điệu nhảy “moonwalk”

Giới lý luận phê bình Pháp vừa lên tiếng: “Chúng ta đang đi tới bằng những bước đi thụt lùi. Chúng ta đang nhìn cuộc đời từ chiếc gương chiếu hậu”. Y hệt như những bước chân ma thuật của Michael Jackson quá cố từng thể hiện, tạo cho khán giả có cảm giác cơ thể đang bước tới nhưng thật sự, đó lại là những bước đi lùi.

Kỷ niệm, ký ức về chiếc váy Vichy, về Saint - Tropez của một thời hoàng kim, thời của Roger Vadim, của Françoise Sagan… Người ta nói rằng văn hóa Pháp là một khu chợ bán đồ cũ rộng lớn, hay đó là một khu chợ trời nơi người ta bày bán đầy rẫy những tấm bưu thiếp ố vàng. Người ta nói rằng giờ đây, người lớn vẫn còn thích được làm một đứa trẻ bú tay, thích quay trở lại bầu sữa mẹ của một quãng đời đã mất. Họ nghe nhạc Beatles và Rolling Stones. Nhạc rock đã chết rồi ư? Nhạc rock muôn năm! Người ta xem phim khoa học viễn tưởng và phim tài liệu về tướng De Gaulle, hay về François Mitterrand… Và chẳng những có một nền văn hóa hoài niệm, cả nước Pháp dường như đang thông cảm với tâm tưởng trở về ký ức đó.

Có một câu ngạn ngữ đã nói rằng “súp ngon được nấu trong những chiếc nồi cũ”. Vậy nay, quá khứ là một món thịt hầm đang được hâm nóng lại. Sự kiện âm nhạc được nhớ nhất trong năm tại Paris là buổi biểu diễn của ông già Cat Stevens. Tại trung tâm văn hóa giáo dục “Collège de France”, sử gia chuyên về văn học Pháp Antoine Compagnon đã thuyết giảng về… năm 1966, mà theo ông, còn mang tính quyết định hơn là sự kiện tháng 5/1968 của giới sinh viên công nhân làm chao đảo nước Pháp.

Hoài niệm để tạo nên huyền thoại mới?

Triết gia và là nhà văn viết tiểu luận Gilles Lipovetsky đặt câu hỏi rằng, phải chăng trên thế giới, người Trung Hoa, người Brazil hay người dân Dubai của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất là những người hoài niệm? Và ông đã nhanh chóng trả lời “Không”. Bởi đơn giản các quốc gia đó muốn tiến lên phía trước.

Sự co rúm lại của thời đại ngày nay đã được diễn dịch vào nền văn hóa. Trong nghệ thuật, kể từ 30 - 40 năm nay, sự suy yếu của xu hướng tiên phong đã dẫn đến việc tái khám phá quá khứ, tìm lại dĩ vãng, trong khi chủ nghĩa hiện đại phủ định quá trình này. Trong lĩnh vực thời trang và thiết kế, cũng là tìm về những đường nét xưa đã vốn có từ lâu. Đó còn là việc vinh danh quá đáng, người ta thậm chí “tưởng nhớ” đến những nhân vật vẫn còn song hành với chúng ta trong hiện tại. Người ta dường như muốn “bảo tàng hoá” thời đại ngày nay, tuy rằng như nhà văn Ý của thế kỷ 19 Marinetti đã từng nói rằng “bảo tàng là một bình đựng tro hài cốt”.

Dân mê xi-nê Pháp đang cân đong đo đếm lại quá khứ để tìm ra cho được những vị anh hùng mới


Sử gia Jean - Christian Petitfils cho rằng tâm lý hoài niệm từ bao đời nay đã là một trong những biểu hiện tinh thần trong bản chất của con người. Dù rằng trong lãnh vực nghệ thuật hay văn học, các nghệ nhân hay văn sĩ luôn bộc lộ những “tâm trạng luyến tiếc mang tính thẩm mỹ” ở một hình thức nào đó qua việc lý tưởng quá đáng những gì đã qua và đã mất đi. Họ luôn tha thiết với những gì được gọi là thời kỳ vàng son trong lịch sử. Lấy ví dụ, vào thời Phục hưng, con người thích thú khám phá lại nền văn minh Hy - La, rồi vào thế kỷ 19, người ta tôn vinh văn hóa thời Trung Cổ, và tán dương tính lãng mạn của thời kỳ đó.

Trên thực tế, những biến động lớn về chính trị, kinh tế và xã hội đều có tác động hiển nhiên thúc đẩy người ta tìm về quá khứ, nhất là khi nhịp độ thay đổi tăng lên nhanh chóng và thách thức khả năng thích nghi của trí tuệ nhân loại. Con người cảm thấy quá nhiễu động và muốn chạy trốn thực tế. Cách mạng Pháp và cuộc cách mạng công nghiệp thời hiện đại là hai ví dụ điển hình. Chính từ nhận xét và quan sát từ quá khứ mà chúng ta có thể lý giải phần nào tư tưởng hoài niệm hiện nay tại Pháp, đó chính là do tiến bộ khoa học kỹ thuật quá nhanh chóng, và kể cả vị trí yếu kém của nước Pháp trên bàn cờ thế giới, khiến người dân như mất đi bản sắc và những tiêu chí sống của mình. Song song đó, lịch sử thì lại có khả năng trấn an tư tưởng con người, nhưng ở một chừng mực nào đó, đó là một tính năng sai.

Thú vị hơn, họa sĩ vẽ truyện tranh Joann Sfar nhận định rằng hiện tượng hoài niệm văn hóa này là rất thực tế và ông đã từng suy ngẫm về nó một cách rất nghiêm túc. Thì ra, nước Pháp và văn hóa Pháp đã từng có một ánh hào quang, nhưng nay đã mất, hoặc giả, không còn lung linh như trước kia nữa. Ông thấy rằng, nhiều người dân Pháp đã nói kể từ sau Alain Delon và Jean- Paul Belmondo, sau Jean- Paul Sartre và Albert Camus, hay Jean- Luc Godard và François Truffaut, nước Pháp không thể có được những gương mặt anh hùng mới xuất hiện. Và ông không cho rằng tâm lý hoài niệm là một phương cách để con người phản ứng lại với hiện nay, như thể họ đang cân đong đo đếm lại quá khứ để tìm ra cho được những vị anh hùng mới. Đối với Joann Sfar, hoài niệm chính là một dạng rà soát lại giữa một bên là những quyển sách lịch sử và bên kia là những câu hỏi cùng những nghi vấn thường ngày. Và ông rất hy vọng khi thấy tâm lý hoài niệm như là một công cụ để giúp người dân Pháp rèn đúc nên những huyền thoại mới của thế kỷ 21.

Đối với Jean - Marie Rouart, viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp, người Pháp luôn hoài niệm nhiều hơn các dân tộc khác, bởi người Pháp mang sẵn trong mình những khao khát lớn lao hơn những dân tộc khác. Nước Pháp còn tự xem mình như một quốc gia “phổ độ chúng sinh”, luôn muốn góp phần mình vào việc xây dựng một nền văn minh cho thế giới. Và chính từ trong sâu thẳm đáy lòng mình, người Pháp luôn nghĩ rằng họ có một sứ mạng cao cả phải hoàn thành, là đi đầu của việc nói lên sự thật.

Ngày nay, nước Pháp đã mất đi quyền lực tối thượng của mình trên bình diện văn hóa. Ngôn ngữ Pháp bị tiếng Anh đánh bật. Tướng De Gaulle đã là người cuối cùng tuyên bố với dân chúng Pháp rằng: “Chúng ta không có dầu mỏ, nhưng chúng ta có tư tưởng”. Đối với tổng thống De Gaulle, bản thân nước Pháp đã là hiện thân của một tư tưởng rồi. Và ngày nay, người Pháp nhớ về thời kỳ vàng son đó, khi mà nước Pháp còn có khả năng gây ảnh hưởng bằng những phương tiện hiện hữu của mình. Ngày nay, quan hệ khó khăn giữa Pháp với châu Âu và quá trình toàn cầu hóa đã là những triệu chứng báo hiệu điều không may cho nước Pháp. Nước Pháp sợ bị các nước khác “tầm thường hóa”, sợ mình bị “đánh đồng hóa”. Và thay vì nuớc Pháp mạnh dạn nói tuyên bố rằng “chúng tôi đã trở thành một đất nước bậc trung”, thì những nhà lãnh đạo của nước Pháp lại có khuynh hướng “nâng” quốc gia mình lên một tầm cao “ảo” mà nước Pháp hiện nay không có được. Người ta nói rằng nước Pháp đang rơi vào biểu hiện “rối loạn tâm thần mang tính chu kỳ” (cyclothymia), từ đó, người Pháp đang bị dao động không ngừng giữa ảo ảnh và sự vỡ mộng. Vì thế cho nên, người Pháp cần phải được giúp đỡ để xác định lại những mục tiêu cao hơn, nhằm giúp họ vượt lên chính bản thân mình, hơn là hoài niệm vào lịch sử và văn hóa, vào nền văn minh Pháp của một thời đã xa.

                                                                                    Theo TT&VH Cuối tuần













Các bài mới
Các bài đã đăng