Văn nghệ thế giới
‘Cô gái quàng khăn đỏ’ và câu chuyện đằng sau cổ tích
14:21 | 08/03/2011
‘Cô gái quàng khăn đỏ’ là cuốn sách được viết dựa theo phim cùng tên của Hollywood, một phiên bản ‘Cô bé quàng khăn đỏ’ đậm chất nhục cảm, nhưng lại gần với bản gốc của câu chuyện hơn bao giờ hết.
‘Cô gái quàng khăn đỏ’ và câu chuyện đằng sau cổ tích
Amanda Seyfried vào vai chính Valerie trong "Cô gái quàng khăn đỏ". Ảnh: Warner Bros.
Theo Herald Sun, nếu một số người vẫn còn nghĩ “Cô bé quàng khăn đỏ” (Little Red Riding Hood) là một câu chuyện đơn giản và trong sáng kể về một cô bé không nghe lời mẹ và gặp phải con sói đói khát trong khu rừng vắng, bộ phim và cuốn sách “Cô gái quàng khăn đỏ” (Red Riding Hood) sắp ra mắt sẽ thay đổi suy nghĩ đó.

Cả phim và sách “Cô gái quàng khăn đỏ” sẽ kể lại câu chuyện cổ nổi tiếng của anh em Grimm theo phong cách đầy nhục cảm. Theo nhà sản xuất phim, tài tử Leonardo Dicaprio, phim đổi tên từ “Cô bé” thành “Cô gái” cũng vì lý do đó. Nhưng thực chất, câu chuyện gốc với danh từ “Cô bé” cũng không hẳn là một câu chuyện chỉ dành cho trẻ con.

Lâu nay, nhiều người đã biết rằng ý nghĩa của “Cô bé quàng khăn đỏ” phiên bản cổ tích nói về tình dục và sự tái sinh. “Thay vì có tính giáo dục đơn thuần, dạy trẻ em về cách cư xử đúng mực, nhiều câu chuyện cổ tích thực sự hướng đến khám phá những câu hỏi cơ bản về tình dục và cách trẻ em ra đời”, bà Barbara Creed, giáo sư Đại học Melbourne (Australia), người sắp có cuộc nói chuyện ở Melbourne về truyện cổ tích, cho biết.

“Mọi nền văn hóa đều có những câu chuyện về các vị nam và nữ anh hùng đi vào bụng con quái vật. Phải đi tới những nơi tối tăm, xa lạ đó, họ chứng kiến những sự thay đổi hình dạng kinh hoàng nhưng cũng đồng thời làm phong phú thêm kiến thức của mình”.

Bìa cuốn "Cô gái quàng khăn đỏ" bản tiếng Anh của Sarah Blakley-Cartwright. Ảnh: allthingsgirl


Nhà tâm lý học Erich Fromm, một chuyên gia đầu ngành về truyện cổ tích tại Australia, say mê thuyết phân tâm học của Freud và nhìn nhận “Cô bé quàng khăn đỏ” như một câu chuyện về nỗi sợ hãi tình dục với việc nhân vật nữ bị “ăn thịt”. “Từ thần thoại và cổ tích đến tiểu thuyết, phim hay cả trò chơi điện tử, luôn có những tình tiết ngụ ý về bản năng động vật”.

Câu chuyện cổ tích của anh em nhà Grimm cũng chỉ là một trong hai phiên bản của “Cô bé quàng khăn đỏ”, theo giáo sư Creed. Phiên bản gốc đầy tính nhục cảm ra đời vào thế kỷ 17, do Charles Perrault sáng tác. Còn tác phẩm của anh em Grimm được sáng tác vào khoảng năm 1812, đã giảm nhẹ đi rất nhiều. Bộ phim Hollywood của Leonardo DiCaprio được sản xuất với mục đích tái hiện nhiều giá trị và thông điệp của tác phẩm gốc.

Nhà văn 22 tuổi Sarah Blakley-Cartwright. Ảnh: allthingsgirl


Sarah Blakley-Cartwright, sinh năm 1988, một tác giả chưa có tên tuổi, được lựa chọn để viết lại “Cô gái quàng khăn đỏ” dựa theo nội dung bộ phim cùng tên. Được chọn nhờ khả năng viết đầy sáng tạo, cô đã đến trường quay theo dõi quá trình quay, phỏng vấn các diễn viên, từ đó hình thành tính cách các nhân vật và câu chuyện đằng sau họ. Chương cuối cùng của cuốn sách sẽ được tiết lộ đúng dịp bộ phim ra mắt, theo dự định là ngày 11/3.

Một nhà văn khác là Jeff Lindsay cũng muốn thông qua truyện cổ tích khám phá khía cạnh đen tối và nguy hiểm của con người. Nhà văn Mỹ đã sáng tạo nên nhân vật nam chính đầy khó hiểu Dexter trong hàng loạt tiểu thuyết của mình. Dexter là một chuyên gia pháp lý của Sở Cảnh sát Miami, nhưng mỗi khi xuất hiện dưới ánh trăng là biến thành kẻ giết người hàng loạt.

Jeff Lindsay cho biết truyện cổ tích tạo nên ấn tượng sâu sắc trong ông khi còn nhỏ và ông say mê tìm kiếm những phiên bản gốc để nghiên cứu thêm. “Chúng ta đã quên mất những câu chuyện cổ tích có nguồn gốc như thế nào. Có rất nhiều máu và bạo lực trong đó, vì vậy hãy quên những phiên bản của Disney”, ông nói.

Theo Pham Mi Ly - evan




Các bài mới
Các bài đã đăng