Bức tranh này được Viện Sterling & Francine Clark - có trụ sở ở Williamstown, bang Massachusetts (Mỹ) - đấu giá tại Hội chợ Mỹ thuật châu Âu. Sự kiện này gợi lại một cách đầy cay đắng về cuộc đời của một trong những người mẫu quan trọng nhất của trường phái ấn tượng Pháp và cả câu chuyện ghen tuông mù quáng. 1. Trong bức tranh Femme cueillant des Fleurs (Người phụ nữ hái hoa), họa sĩ Pierre Auguste Renoir, người cùng với Monet sáng lập trường phái ấn tượng, đã mô tả bà Camille Doncieux đứng hái hoa ở bãi cỏ tại St Cloud, gần Paris (Pháp). Bà là người mẫu, người tình và cuối cùng là vợ của Monet. Monet gặt hái được thành công đầu tiên nhờ những bức tranh vẽ bà. Nhưng Doncieux đã qua đời khi còn rất trẻ sau khi sinh đứa con thứ 2. Và người phụ nữ thay thế vị trí của bà trong cuộc đời Monet là Alice đã cố ý xóa sạch tất cả những ký ức về bà. Và Femme cueillant des Fleurs được xem là bức chân dung hiếm hoi về người phụ nữ bạc mệnh nói trên. Quá ghen tuông với “tình địch” đã khuất, bà Alice đã đốt và tiêu hủy toàn bộ tư liệu ảnh của bà Doncieux. Chỉ một bức ảnh duy nhất vẫn còn tồn tại là bức được chụp ở Hà Lan năm 1871. Bức ảnh này được lưu giữ trong một bộ sưu tập tư nhân và bà Alice không hề biết. Will Bennett - người phát ngôn của Hội chợ Mỹ thuật châu Âu - cho biết: “Đây là một trường hợp hiếm hoi về một bức tranh thuộc giai đoạn đầu của chủ nghĩa ấn tượng mà từ nhiều năm qua đã bặt tăm trên thị trường. Tuy nhiên, điều hấp dẫn hơn cả là câu chuyện đằng sau bức chân dung của bà Doncieux”.
2. Năm 18 tuổi, bà Doncieux gặp Monet - người hơn bà 7 tuổi - lần đầu tiên qua sự “môi giới” của Frédéric Bazille, người cùng chung studio với họa sĩ. Monet bị đôi mắt của bà Doncieux “hớp hồn” và đã đề nghị bà làm người mẫu cho bức tranh The Picnic đầy tính biểu trưng của mình. Renoir và Monet là những người bạn lâu năm và họ thường đặt khung vẽ cạnh nhau, thế nên chẳng có gì ngạc nhiên khi Renoir cũng vẽ cô người mẫu xinh đẹp của Monet. Do quá thất vọng khi không kịp hoàn thiện bức tranh The Picnic để đem trưng bày tại The Salon, Monet đã gửi bức chân dung bà Doncieux to như thật tới, nhưng thật không ngờ nó đã nhận được nhiều lời ca ngợi và được so sánh với tác phẩm của Edouard Manet. Bức tranh này đã được bán với giá 800 franc vào năm 1865 và đây là một khoản tiền lớn đối với Monet, lúc đó còn là một nghệ sĩ trẻ, vô danh. 1 năm sau đó, bà Doncieux sinh cậu con trai Jean. Nhưng đến tháng 6/ 1870 họ mới kết hôn trong một buổi lễ không theo nghi thức tôn giáo ở Paris. Song gia đình đầy “scandal” của Monet đã tẩy chay đám cưới của họ. Sau khi kết hôn, Monet càng gặp nhiều khó khăn về tài chính. Năm 1876 ông gặp nhà sưu tầm tháo vát Ernest Hoschedé và vợ ông ta là Alice. Mối quan hệ của Monet với bà Alice bắt đầu hình thành từ đó. Họa sĩ vẽ tranh tại lâu đài Rottembourg của họ ở Montgeron, Đông Nam Paris. Song một thời gian sau, Hoschedé đã mất tất cả và tới Bỉ để trốn nợ. Năm 1878, Monet mời Hoschedés nghèo khổ tới sống cùng gia đình mình ở Vétheuil. Hoschedé bắt đầu làm việc cho tờ báo Le Voltaire. Ông dành phần lớn thời gian ở Paris, bỏ mặc Alice và gia đình ở Vétheuil. Trong khi đó, sức khỏe của bà Doncieux ngày càng suy giảm (nguyên nhân chưa bao giờ được giải thích đầy đủ mặc dù có nhiều giả thuyết, trong đó có giả thuyết nói bà bị hậu sản). Tháng 8/1879, khi Doncieux hấp hối, một thầy tu đã được mời tới để thực hiện những nghi thức cuối cùng và công nhận cuộc hôn nhân của bà với Monet. 5 ngày sau đó, bà qua đời ở tuổi 32. Kìm nén đau khổ, Monet đã vẽ vợ mình hấp hối trên giường. “Tôi nén lòng mình để quan sát chiếc trán của cô ấy, sự thay đổi màu sắc trên gương mặt của Doncieux khi thần chết đã bắt đầu xuất hiện. Xanh, vàng, xám...”. Monet viết thư cho một người bạn kể về cái chết của vợ. Sau khi Doncieux qua đời, có nhiều tin đồn dấy lên về mối quan hệ của Monet với Alice. Ernest Hoschedé vẫn không về với gia đình thậm chí cả vào dịp Giáng sinh và tháng 1/1880, Hoschedé đã đăng một bài viết chế nhạo trên tờ Le Gaulois, trong đó nói Claude Monet đau khổ đang sống ở Vétheuil với “người vợ vô cùng hấp dẫn” của mình - Alice Hoschedé. Theo Việt Lâm - TT&VH |