Văn nghệ thế giới
Đức trả tượng nhân sư cho người Thổ
13:00 | 13/03/2011
Đức sẽ trao trả bức tượng nhân sư 3.500 năm tuổi về cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm bớt căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ cấm các nhà khảo cổ Đức tới đất nước này nếu như họ không được nhận lại cổ vật.
Đức trả tượng nhân sư cho người Thổ
Bức tượng nhân sư Hattusa sẽ được Đức trao trả về Thổ Nhĩ Kỳ
1. Bức tượng nhân sư bằng đá được tạo tác vào cuối thời kỳ đồ đồng đã được các nhà khảo cổ Đức tìm thấy vào năm 1907 ở Hattusa - kinh đô của đế chế Hittite - nay là Bogazkale ở Thổ Nhĩ Kỳ (Hattusa đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 1986). Bức tượng từng được gắn vào một cổng thành lớn, góp phần tạo nên một cổng chào đầy ấn tượng cho kinh đô Hattusa ở miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 1915, hai bức tượng nhân sư ở Hattusa đã được đưa tới Đức để phục chế và thẩm định. Sau đó, một bức tượng đã trao trả về Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1924, bức còn lại thì vẫn ở lại nước Đức và được trưng bày trong bảo tàng Pergamon ở Berlin từ năm 1934 đến nay. Kể từ đó bức tượng này luôn là đối tượng tranh chấp giữa hai nước. Sau một thời gian dài tranh cãi, giờ đây Đức đã đồng ý trao trả bức tượng.

Song ông Hermann Parzinger - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Phổ - nhấn mạnh và khẳng định: “Việc trao trả bức tượng nhân sư hoàn toàn là một ngoại lệ. Nhưng việc này không có nghĩa là Ai Cập sẽ hy vọng được trả lại bức tượng bán thân của Nữ hoàng Nefertiti - hiện đang được trưng bày ở Berlin”.

Sở dĩ ông Parzinger khẳng định như vậy vì trong suốt thời gian qua, Ai Cập đã yêu cầu Đức trao trả bức tượng bán thân bằng đá vôi Nữ hoàng Nefertiti thông qua một bức thư gửi tới Tổ chức Di sản Văn hóa Phổ. Ai Cập cho rằng nó được đưa tới Đức hồi năm 1913 bằng cách không chính đáng. Song ông Parzinger đã chính thức từ chối yêu cầu này.

2. Tổ chức Di sản Văn hóa Phổ là nơi quản lý hầu hết các bảo tàng và di sản văn hóa nổi tiếng nhất ở Berlin, trong đó có bức tượng nhân sư nêu trên. “Tôi nghĩ đến việc trao trả bức tượng vì đây là một trường hợp riêng lẻ, không thể so sánh với những trường hợp khác. Vì vậy, nó không thể được xem là một tiền lệ cho bất cứ yêu cầu nào khác trong việc trao trả cổ vật” - ông Bernd Neumann, Bộ trưởng Văn hóa Đức - cũng tuyên bố.

Sở dĩ bức tượng nhân sư này gây tranh cãi suốt thời gian dài vừa qua là bởi hiện không có một tài liệu nào chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp của nó. Theo suy đoán của ông Parzinger, có thể Berlin giữ bức tượng nhân sư để coi đây là công lao của họ trong việc phục chế nhiều cổ vật khác của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, trường hợp bức tượng bán thân của Nữ hoàng Nefertiti lại khác hẳn khi có nhiều tư liệu nói rõ quyền sở hữu hợp pháp bức tượng này thuộc về nước Đức.

3. Trong tuần này, Ertugrul Gunay, Bộ trưởng Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ, đã tới Berlin để bàn bạc về vấn đề nêu trên sau khi ông Neumann - Bộ trưởng Văn hóa Đức - khẳng định sẵn sàng trao trả bức tượng vào hôm 8/3. Ngoài ra, 2 Bộ trưởng còn nói đến việc thúc đẩy hợp tác trong các nghiên cứu khảo cổ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu hành động này, ông Parzinger nói: “Đây nên được xem là một việc làm mang tính tình nguyện nhân danh nước Đức nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa 2 nước”.

Theo Tuấn Vĩ - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng