Có bố mẹ nguồn gốc Do Thái Đức và Armenia nhưng thân thể và gương mặt người đàn bà đẹp kỳ lạ này lại là biểu tượng của văn hoá Mexico hiện đại, một nền văn hoá pha trộn mọi màu da trắng-đen-vàng-đỏ, được đan bện từ mọi chùm gốc rễ văn hoá sâu xa, bao trùm tây và đông, nam và bắc, da đỏ và da trắng… Nhưng quan trọng hơn là gương mặt và số phận ấy (của Frida Kahlo) được sinh thành, nuôi dưỡng và huỷ hoại, được nhào nặn và đẽo gọt…bởi những vật vã lịch sử đặc biệt đau thương và hoan lạc của cả lục địa Nam Mỹ.
Cô nữ sinh xinh đẹp Frida ham mê đấm bốc và thể thao bị một tai nạn thảm khốc năm 18 tuổi. Sau 35 cuộc phẫu thuật, cô gắn chặt với cái xe lăn và những cơn đau, dù đôi khi với sự nỗ lực cô cũng có thể tự đi lại đôi chút. Cô vẽ tranh rồi trở thành vợ danh hoạ Rivera. Cuộc sống vợ chồng của cô không êm ả, có thai ba lần với Rivera nhưng không sinh được con. Frida có khuynh hướng thiên tả (nhà cách mạng Trosky từng tá túc ở nhà cô). Frida Kahlo là hoạ sĩ Nam Mỹ đầu tiên được bảo tàng Louvre mua tranh. Trong số 143 tranh của Frida có tới 55 bức tự hoạ. Cô giải thích: “Vì tôi thường cô đơn và con người tôi chính là cái đối tượng mà tôi thấu hiểu nhất”.
Hội hoạ của Frida Kahlo được dán mác: dân gian, thơ ngây và siêu thực… Cô tự thú và tự tin rằng: “Tôi bẩm sinh là một “đồ khốn”. Tôi bẩm sinh là một hoạ sĩ”.
Trong bức Tự hoạ đôi (ảnh), ta thấy hai Frida tự tiếp máu cho nhau. Hai trái tim rỉ máu của đất nước Mêxicô kiều diễm và khô cằn. Trong một bức tự hoạ khác là một thân thể nữ đẹp gợi cảm nâng đỡ một gương mặt tự tin, tự chủ. Những khung đỡ bên trong cơ thể hoang tàn, trống rỗng và dây buộc chằng chịt bên ngoài da thịt non tươi là khúc sử ca bi tráng hơn là một tự hoạ thông thường. Ở tự hoạ, Frida là một Van Gogh của nữ giới.
Với phụ nữ và cả tôi nữa, Frida là ngọn lửa và ngọn cờ. Không hiểu sao tôi thấy tranh Frida mãi trẻ trung gần gũi nên chỉ có thể gọi Frida là “cô” chứ không muốn gọi là “bà”.
Theo SGTT
|