Văn nghệ thế giới
Triển lãm của “cha đẻ hội họa Trung Hoa hiện đại” ở bảo tàng quá tải!
19:32 | 19/03/2011
Sau khi áp dụng chính sách mở cửa miễn phí vào hôm 5/3, bảo tàng Nghệ thuật Thượng Hải đã tổ chức triển lãm đầu tiên mang tên Road of Masters. Qua triển lãm này, bảo tàng hy vọng nhận được nhiều lời ca ngợi và góp phần mở mang được kiến thức hội họa cho công chúng cũng như cách hành xử phù hợp ở phòng trưng bày nghệ thuật.
Triển lãm của “cha đẻ hội họa Trung Hoa hiện đại” ở bảo tàng quá tải!
Bức The Beauty của Lâm Phong Miên vẽ năm 1965
1. Triển lãm Road of Masters trưng bày các họa phẩm của 2 họa sĩ Trung Quốc nổi tiếng nhất thế kỷ 20, gồm Lâm Phong Miên, được xem là “cha đẻ của hội họa Trung Hoa hiện đại” và học trò của ông – Ngô Quan Trung. Cả 2 đều nổi tiếng với các tác phẩm hòa trộn phong cách vẽ Trung Hoa và phương Tây.

Khoảng một nửa số tranh trưng bày trong triển lãm do Ngô Quan Trung hiến tặng, trong khi một nửa còn lại của Lâm Phong Miên tặng Viện Hàn lâm Hội họa Trung Quốc Thượng Hải. Nhiều họa phẩm của Lâm Phong Miên mô tả các chân dung phụ nữ, tĩnh vật và cảnh đẹp thiên nhiên và được ca ngợi là thể hiện sức hấp dẫn Trung Hoa truyền thống qua phong cách vẽ phương Tây. Còn tranh của Ngô Quan Trung lại mô tả kiến trúc truyền thống và cảnh đẹp Trung Hoa với phong cách tương đương với trường phái ấn tượng phương Tây.

Thầy trò Lâm Phong Miên (trái) và Ngô Quan Trung


2. Việc mở cửa miễn phí vào bảo tàng đã khiến khách tham quan tăng một cách đột biến. Vào một buổi chiều cuối tuần trước, ở trong và ngoài bảo tàng Nghệ thuật Thượng Hải đều đông kín người. Các bức tranh bị vây kín bởi khách tham quan với camera trong tay.

Theo bà Xue, bảo tàng Nghệ thuật Thượng Hải chỉ đón được tối đa 5.000 khách tham quan/ngày, nhưng hôm 5/3, lượng khách tới đây lên tới 12.000 người. Để bảo vệ các kiệt tác trong bảo tàng, ngoài một hàng rào chắn giữa du khách và tác phẩm nghệ thuật, các bức tranh còn được ngăn cách bằng một tấm kính tổng hợp. Bên cạnh các họa phẩm, bảo tàng còn có những mô tả chi tiết. “Khách tham quan đến bảo tàng chắc chắn có những người có ít hoặc không có kiến thức về hội họa, vậy nên qua triển lãm chúng tôi muốn giáo dục và giúp thêm nhiều người hiểu và đánh giá được các kiệt tác quý hiếm”, bà Xue Ye - người tổ chức triển lãm - nói.

Một khách tham quan tên là Pan Yanqing (36 tuổi) bày tỏ: “Tôi không hiểu lắm về hội họa, nhưng tôi thích được chiêm ngắm nhiều họa phẩm. Qua triển lãm này tôi mới biết nhiều bức tranh của Lâm Phong Miên đã có trong các cuốn sách giáo khoa tiểu học”.

Còn một du khách họ Liu đến từ tỉnh An Huy nói, anh cảm thấy thực sự phấn khích khi được xem nhiều kiệt tác tại một triển lãm miễn phí. “Tôi đã xem nhiều họa phẩm của Ngô Quan Trung ở Bắc Kinh, nhưng lần này thấy thực sự ấn tượng khi dân thường có thể được ngắm nhiều kiệt tác như vậy”.

3. Do lượng khách tham quan đông nên nhiều người phàn nàn về sự ồn ào trong triển lãm, trong khi ánh đèn flash của các máy ảnh liên tục lóe sáng. Hiện tượng này khiến một số người cho rằng triển lãm miễn phí không phải là nơi phù hợp để trưng bày các kiệt tác như vậy.

Nhưng Li Lei, giám đốc điều hành của bảo tàng Nghệ thuật Thượng Hải, cho rằng việc giáo dục công chúng có cách cư xử thích hợp tại một phòng trưng bày nghệ thuật là cả một quá trình dài. Còn theo bà Xue, bảo tàng nên có trách nhiệm trong việc giáo dục các du khách và kích thích sự quan tâm của họ tới nghệ thuật.

Vài nét giới thiệu về 2 họa sĩ

* Lâm Phong Miên (1900–1991) sinh ra ở tỉnh Quảng Đông. 19 tuổi, ông tới Pháp học hội họa. Sau khi trở về Trung Quốc vào năm 1925, ông tận tâm cho việc giáo dục mỹ thuật. Năm 1928, ông góp phần sáng lập Viện Hàn lâm Nghệ thuật Trung Quốc và trở thành hiệu trưởng đầu tiên.

* Ngô Quan Trung (1919–2010) sinh ra ở tỉnh Giang Tô. Ông học hội họa Trung Hoa và phương Tây ở Hàng Châu và dưới sự hướng dẫn của thầy Lâm Phong Miên. Năm 1947, ông tới Paris học mỹ thuật theo học bổng của Chính phủ. Sau khi trở về Trung Quốc vào năm 1950, ông dạy mỹ thuật tại nhiều trường ở Bắc Kinh, trong đó có trường ĐHTH Thanh Hoa và Viện Hàn lâm Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc. Tác phẩm của ông đã được trưng bày tại nhiều bảo tàng nổi tiếng ở Mỹ, Anh, Pháp và Singapore.


                                                                           Theo Việt Lâm -TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng
Cơn sốt Frida (18/03/2011)