Hai bộ phim hay của điện ảnh Việt Nam "Đừng đốt" và "Chơi vơi" được chọn trình chiếu tại liên hoan phim. Đặc biệt, bộ phim "Đừng đốt" của Đạo diễn Đặng Nhật Minh được xây dựng dựa trên câu chuyện như cổ tích về sự trở về với người thân của cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" đã gây xúc cảm mạnh với rất nhiều người Pháp và sinh viên quốc tế có mặt tại buổi trình chiếu. Người xem càng hiểu sâu hơn về những tình tiết bên lề xung quanh cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" qua lời kể của ông Lê Hồng Chương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, người cũng đã có những kỷ niệm liên quan đến cuốn nhật ký này khi ông còn làm Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương. Trao đổi nhanh với phóng viên TTXVN ngay sau buổi chiếu phim "Đừng đốt," bà Raymonde Huguet, một người dân Pháp, nói rất thích những hình ảnh và âm thanh của bộ phim này và bày tỏ sự xúc động đặc biệt khi xem những thước phim chân thực về những nỗi đau người dân Việt Nam phải chịu đựng trong chiến tranh. Còn với Tiến sỹ Nguyễn Đắc Như Mai, một Việt kiều sống lâu năm ở Pháp, bà cho biết sự cảm phục đối với nhân cách và sự can đảm của bác sỹ Đặng Thùy Trâm trong chiến tranh. Từng nhiều lần về thăm Việt Nam, tới những vùng còn khó khăn của đất nước và đã đọc cuốn sách "Nhật ký Đặng Thùy Trâm," sau khi xem phim "Đừng đốt," bà Như Mai liên tưởng đến hậu quả còn rất nặng nề trong chiến tranh là chất độc da cam/dioxin còn ở lại trên nhiều vùng đất Việt Nam, với những ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài tới các nạn nhân chất độc da cam/điôxin và gia đình họ. Bà Như Mai mong muốn các bên liên quan phải có trách nhiệm cụ thể với những hậu quả này và bày tỏ hy vọng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sẽ sớm đòi lại được công lý cho chính họ. Liên hoan phim "Du lịch qua những bộ phim" được tổ chức theo sáng kiến của Nhóm các nước thuộc cộng đồng Pháp ngữ bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). 31 bộ phim đặc sắc của 21 nước được chọn trình chiếu tại liên hoan phim giúp người dân Pháp và sinh viên quốc tế đang học tập, nghiên cứu tại Paris và vùng phụ cận hiểu hơn về bản sắc văn hóa thông qua góc nhìn điện ảnh của nhiều nước trong cộng đồng Pháp ngữ./. Theo Trung Dũng (Vietnam+) |