Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa nhà văn và Eileen Battersby - phóng viên tờ Irishtimes. Ông đứng cạnh quầy lễ tân khách sạn, nhìn ngó xung quanh, chăm chú đến mọi thứ, đến từng người đi qua. Trang phục của ông là bộ sưu tập rất phong phú các sắc độ của màu xanh - áo sơ mi xanh rêu, áo jacket vải tuýt xanh cũ, quần nhung kẻ xanh đậm và chiếc mũ cùng màu. Trevor đến Dublin để thăm các cháu. Ông là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất thế giới nhưng thường xuyên xuất hiện không ồn ào, ầm ĩ. Không ai màng đến ông, cũng không có những tay săn ảnh. Khi vừa nhìn thấy tôi, ông cười và nói: “Thật vui được gặp cô”. Trevor rất lịch lãm, thân thiện và thực tế. Ông có việc gì đó phải làm ngay, nên ông nói với tôi, ông lên tầng rồi sẽ quay xuống ngay. “Chúng ta sẽ chào nhau lần nữa rồi sẽ bắt đầu cuộc phỏng vấn nhé”. Và ông xuất hiện trở lại ngay sau khi tôi vừa ngồi xuống ghế. Nhà văn bắt tay tôi. Bàn tay phải gầy guộc và đã cứng ngắc, đủ để tôi thấy, đánh máy bây giờ đã trở nên khó khăn với ông đến thế nào. Trevor đang viết một tuyển tập truyện ngắn. “Nó sẽ là cuốn sách cuối cùng của đời tôi”, ông nói với một nụ cười tiếc nuối. Nhà văn chia sẻ, đầu óc ông lúc nào cũng bận bịu, vướng víu với đầy rẫy nhân vật và những cốt truyện. “Tôi sống với những con người không tồn tại. Tôi phải viết về họ và tôi chẳng còn đủ thời gian nữa. Quỹ thời gian của tôi ngày càng co lại”. Cứ như thế, câu chuyện của nhà văn dần dà xoay quanh chuyện viết lách. Trevor nói, ông không thích những cuốn sách diễn giải nhiều quá. “Nhà văn không có nghĩa vụ phải giải thích gì cả. Mọi thứ nên mặc kệ độc giả. Tôi nghĩ mối liên hệ giữa nhà văn và độc giả rất quan trọng. Nhà văn viết nên tác phẩm. Đó là toàn bộ những gì anh ta phải làm. Sau đó đến lượt độc giả. Công việc của độc giả là đánh giá những gì nhà văn đã làm”. Có một điều nghịch lý là rất nhiều nhà văn khi trả lời phỏng vấn đều khẳng định William Trevor là cây bút có ảnh hưởng lớn nhất đến văn nghiệp của mình, nhưng khi Trevor đi bộ trên đường phố Dublin, hầu như không ai nhận ra ông. Trevor rất khoan khoái với điều này. Ông luôn cố tránh khỏi mọi thứ ồn ào. Rời khỏi Ireland năm 1953 để sống định cư ở Anh, nhà văn 83 tuổi này hiểu rõ, ông bị nhiều người coi là không còn mấy liên hệ với quê mẹ. Nhiều nhà phê bình Anh cũng nghiễm nhiên coi Trevor là tác giả người Anh. Nhưng bản thân Trevor hiểu rất rõ về đất nước Ireland nhỏ bé. “Tôi rất tường tận Ireland. Vì công việc của cha tôi mà gia đình tôi thường xuyên dịch chuyển. Chúng tôi ít khi sống lâu ở một chỗ. Tôi từng trải qua rất nhiều trường học. Anh em tôi như chiếc lá, bay khắp mọi nẻo đường Ireland”, nhà văn chia sẻ. Những nhà văn Ireland ảnh hưởng lớn đến Trevor nhất là Elizabeth Bowen và James Joyce. “Tôi cũng rất yêu mến các ông già Flann O’Brien, O’Connor và O’Faolain. Nhưng khi tôi đọc Dubliners, tôi phát hiện ra những điều rất đặc biệt. Những truyện ngắn trong tập này theo tôi là những tác phẩm xuất sắc của Joyce”. Ngoài ra, ông cũng thừa nhận ảnh hưởng của nhà văn Anh Elizabeth Taylor tác giả của At Mrs Lippincote’s (1945) và A Wreath of Roses (1950). William Trevor tỏ rõ thái độ không tán đồng với lời khuyên phổ biến nhất mà người ta thường dành cho các nhà văn trẻ, đó là hãy viết về những gì mình biết rõ. Ông tin rằng, viết văn là công việc đến từ trí tưởng tượng. “Cần có một khởi điểm. Mỗi câu chuyện cần có một khởi điểm. Còn lại, bạn không cần phải biết hết mọi thứ cho đến khi viết ra dòng cuối cùng”, ông nói. Hỏi ông về cuốn sách của mình mà ông tự hào nhất, Trevor cho biết: “Không, tôi coi tác phẩm như những đứa con tôi. Không có đứa nào là tự hào nhất cả. Nhưng tôi thường nhớ tới những cuốn không được hay như các cuốn còn lại. Tôi đã từ chối in lại cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Nên bây giờ, hãy coi như tôi chưa bao giờ viết nó. Hãy xem cuốn thứ hai The Old Boys là cuốn đầu tay của tôi”. Theo Thanh Huyền - evan |