Trong Du hành cùng Herodotus, Kapuciski cũng từng khẳng định rằng với ông, cả tin là một phẩm chất trong khi đa nghi lại là một khiếm khuyết của tính cách. Chính thái độ này, chứ không phải chất lượng viết (bất kỳ ai từng đọc Kapuciski cũng ngưỡng mộ và choáng ngợp trước tài năng văn chương của ông) khiến cho cuốn sách về châu Phi của ông (Heban trong tiếng Ba Lan, nghĩa là Gỗ mun, 1998; bản dịch tiếng Anh mang tên The Shadow of the sun – Bóng của mặt trời) nhận được những lời bình luận hết sức trái ngược. Trong khi tờ Guardian cho rằng “ông mang tới sự miêu tả cuộc sống trên hành tinh chân thực nhất, ít thiên vị nhất, toàn diện nhất và sống động nhất”, thì tờ The Economist sử dụng giọng văn chế giễu, ví ông như là một kỵ binh Ba Lan vung gươm tiến vào châu Phi, nhận định các tường thuật chính trị của ông là sai lầm, không những thế ông lại còn chọn những con đường dài hơn các thông tín viên khác, có khi đi theo hai cạnh của một tam giác chứ không theo cạnh huyền. Lời chê trách phổ biến nhất đối với Gỗ mun là ông đã tạo dựng một châu Phi của riêng ông, miêu tả những gì ông cảm thấy chứ không phải những gì thực sự diễn ra ở đó. Điều này, tuy nhiên, lại cũng chính là điều Kapuciski nói ngay từ đầu tác phẩm: với ông, châu Phi là một thực thể quá phức tạp và đa dạng, rằng không tồn tại một “châu Phi” như một danh xưng thuần nhất, và không thể võ đoán áp đặt hiểu biết của mình vào nơi đây, như cách các nước châu Âu từng làm trong cuộc chia chác thuộc địa hồi cuối thế kỷ 19, khiến bản đồ châu Phi trở nên khác biệt, gồm toàn những đường biên giới thẳng tắp và vuông góc với nhau.
Bằng cái nhìn của một nhà văn, Kapuciski cố gắng hiểu những gì diễn ra trước mắt ông, nhất là những cuộc nồi da nấu thịt tại Zanzibar, Rwanda hay Nigeria. TrPhillip Noyce: Từ Đường Làng tới đại lộ Hollywood (*)ong những câu chuyện kể của ông, châu Phi thường trực một không khí “Macbeth” của máu và tội lỗi, của những kẻ giết vài trăm ngàn người nhưng không biết chỉ huy một đội quân nhỏ xíu. Cách Kapuciski miêu tả vũ khí quân trang ngồn ngộn (và vô ích) ở Ethiopia cho ta thấy sự phi lý đến tận cùng ở chốn sa mạc, nơi sự độc lập bày ra nhiều vấn đề hơn cả dưới thời thuộc địa. Và cái nhìn của Kapuciski không dừng ở chính trị, nó chú mục vào một cái hố giữa đường cái quan hay bầy gián khổng lồ, tập tính của những con muỗi và ý nghĩa thực thụ trong những câu nói của người châu Phi. Châu Phi trong con mắt của ông giống như một con voi (hình ảnh xuất hiện hai lần, ở đầu và cuối tập sách), một linh hồn khó hiểu: trong rất nhiều năm, “nghĩa địa voi” là một bí mật của người châu Phi. Điều quan trọng là phải dấn thân tìm hiểu bí ẩn đó. Sự ngây thơ của Kapuciski, rất có thể, lại chính là cái khiến ông nhìn được tận sâu vào thế giới châu lục này, hơn bất kỳ bộ óc giỏi phân tích tinh vi nào khác. Theo Cao Việt Dũng - SGTT |