Các sự kiện văn học quốc tế là cơ hội gặp gỡ lớn, không chỉ giúp nhà văn mở rộng đối tượng độc giả mà còn khuyến khích họ trao đổi ý tưởng sáng tạo với đồng nghiệp ở các quốc gia, các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau.
Diễn đàn Văn học Quốc tế Seoul (Hàn Quốc), với sự tham gia của các cây bút hàng đầu như Nobel Văn học Jean-Marie Gustave Le Clezio, nhà văn Cao Hành Kiện, là một sự kiện như vậy. Chương trình diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ 24/5.
Theo Koreaherald, diễn đàn, do Daesan Foundation tổ chức, đã diễn ra được 2 kỳ, vào năm 2000 và 2005. Tại lần thứ ba này, với chủ đề “Thế giới toàn cầu hóa và Cộng đồng nhân loại”, các nhà văn sẽ thảo luận về những vấn đề lớn như vai trò, trách nhiệm của văn học trong một thế giới toàn cầu hóa.
“Diễn đàn sẽ tạo cơ hội cho các nhà văn chia sẻ cảm nhận về các vấn đề của cuộc sống trong thời đại mà quá trình toàn cầu hóa diễn ra chóng mặt”, Kim Seong Kon, phó Ban tổ chức cho biết.
“Nó cũng là dịp để các nhà văn Hàn Quốc được gặp gỡ và giao lưu với những cây bút hàng đầu thế giới”.
Rất nhiều nhà văn Hàn Quốc như Ko Un, Shin Kyung Sook đã tạo được danh tiếng trên toàn thế giới. Ko Un là nhà thơ từng nhiều lần được coi là ứng viên giải Nobel. Còn Shin Kyung Sook mới nổi lên ở Mỹ với bản dịch cuốn tiểu thuyết cảm động “Please Look after Mom (Hãy chăm sóc mẹ tôi).
Tuy nhiên, Kim cho rằng, vẫn còn một khoảng cách lớn giữa nhu cầu thưởng thức của độc giả thế giới và những gì được thể hiện trong tác phẩm của các nhà văn Hàn Quốc.
“Nhà văn của chúng tôi cần rất nhiều cơ hội tiếp xúc với các đồng nghiệp nước ngoài. Diễn đàn văn học Seoul được mở ra cũng nhằm đáp ứng nhu cầu đó”, Kim nói.
Năm nay, diễn đàn sẽ tổ chức 30 cuộc hội thảo lớn nhỏ với sự góp mặt của 14 nhà văn nước ngoài và 32 cây bút trong nước.
Chủ đề chính được chia thành 5 vấn đề thảo luận: “Tôi và người ta trong thời đại đa văn hóa”, “Viết trong thời đại toàn cầu hóa”, “Văn học trong thời kỳ Hậu ý thức hệ”, Viết cho thị trường thế giới và không gian đa phương tiện” và “Văn học và Phê bình sinh thái”.
Nobel Văn học 2008 Jean-Marie Gustave Le Clezio và nhà văn gốc Trung Quốc Cao Hành Kiện sẽ có các bài phát biểu dài vào các ngày 24 và 25/5. Đây được đánh giá là những sự kiện đáng mong đợi nhất tại diễn đàn.
Diễn đàn còn đón tiếp những gương mặt như nhà thơ Anh Andrew Motion, nhà văn Đức Ingo Schulze, học giả Pháp Antoine Compagnon và nhà văn Nhật Yoko Tawada.
“Tôi tin rằng, diễn đàn sẽ xây một nhịp cầu giữa văn học Hàn Quốc và văn đàn thế giới”, Kim khẳng định.