Quyển sách được thiết kế thon dài với hai màu đen trắng, khá giống một quyển kinh thánh hay sách cầu nguyện. Nhà xuất bản cho biết họ muốn quyển sách này mang một thứ gì đó liên quan đến tôn giáo. Để ra mắt tác phẩm lần này, các nhà biên tập đã kiểm tra, chọn lọc hơn 2.000 câu nói của Nelson Mandela xung quanh vấn đề chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.
Biên tập quyển sách là Sello Hatang và Sahm Venter, người đang làm việc cho một tổ chức đại diện của Nelson Mandela. Hatang và Venter, cho biết tổ chức Nelson Mandela đã nhận được hàng ngàn yêu cầu từ các nhà nghiên cứu cũng như nhiều người yêu mến ông về việc xác nhận những câu nói của Mandela.
Trong buổi phỏng vấn hôm 27-6, Venter cho biết cô và cộng sự luôn hi vọng có thể thể hiện đầy đủ con người của Mandela - nhà văn đoạt giải Nobel hoà bình, đồng thời là vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi.
“Các bạn sẽ tìm thấy những câu nói mẫu mực gắn liền với ông. Chúng tôi muốn vinh danh Nelson Mandela bằng những câu nói của ông một cách đúng đắn và chính xác” - Venter và Hatang cho biết.
Có vẻ nhỏ gọn, dễ dàng cho vào túi áo nhưng quyển Nelson Mandela by himself lại chứa đựng những nội dung “khó nuốt”. Quyển sách bao gồm 317 chủ đề chính, trong đó có phần Ngục tù được chia làm 26 đề mục.
“Chúng ta đang phấn đấu để tiến hành theo một phương thức và hướng tới một kết quả để đảm bảo tất cả mọi người chúng ta, cả da đen và da trắng, đều có thể đứng dậy như những người chiến thắng” - đây là một trong tám câu nói đáng nhớ của Nelson Mandela trích từ bài phát biểu 1990 trước nghị viện châu Âu.
Cuốn sách vừa được phát hành ngày 27-6-2011. Trước đó, “đệ nhất phu nhân” nước Mỹ Michelle Obama đã nhận được một bản sao cuốn sách có chữ ký tặng của Mandela trong chuyến viếng thăm của bà đến Nam Phi.
Nelson Rolihlahla Mandela là tổng thống Nam Phi từ năm 1994-1999, và là tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu. Trước khi trở thành tổng thống, Mandela là nhà hoạt động chống chủ nghĩa apartheid (chủ nghĩa phân biệt chủng tộc). Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình từ năm 1994-1999, Mandela thường ưu tiên cho vấn đề hòa giải dân tộc. Mandela đã nhận hơn 250 giải thưởng trong hơn bốn thập niên, trong đó có Giải Nobel hòa bình năm 1993.
Theo Thiên Hương & Bảo Nguyên - TTO
|