[if gte mso 9]> Brazil có Paolo Coelho, Colombia được biết đến nhờ Gabriel Garcia Marquez và Nhật Bản mang đến cho thế giới Haruki Murakami. Họ đều là những tác giả tài năng đã tiêu thụ được hàng chục triệu bản sách, đã không chỉ khẳng định tên tuổi cá nhân mà còn khiến đất nước mình nổi tiếng. Bây giờ, đây là lần đầu tiên, Hàn Quốc có hy vọng tạo nên được một tác giả như vậy. Cơ sở niềm hy vọng của họ là cuốn tiểu thuyết Please Look After Mom của Shin Kyung Sook. Tác phẩm được dịch ra tiếng Anh lần đầu tiên hồi tháng 4. Đây là cuốn sách đầu tiên của Shin được dịch ra tiếng Anh, cũng là tác phẩm văn học đầu tiên của Hàn Quốc lọt vào danh sách best-seller của New York Times. Ngoài tiếng Anh, Please Look After Mom còn được xuất bản tại 27 quốc gia trên thế giới bằng 18 thứ tiếng, tiêu thụ được hàng trăm nghìn bản. Các tổ chức văn học nước này kỳ vọng, sức hút của Please Look After Mom sẽ mở lối cho văn học Hàn Quốc đến với văn đàn thế giới. Viện Văn học dịch Hàn Quốc cho biết, kể từ năm 2001, Viện đã hỗ trợ chuyển ngữ hơn 460 đầu sách Hàn Quốc ra 28 ngôn ngữ khác. Park Jee Won, người phát ngôn của Viện, bày tỏ mong muốn được chứng kiến quá trình hội nhập nhanh chóng của nền văn học nước này với thế giới. “Văn học Hàn Quốc mới chỉ được giới thiệu đến bạn đọc quốc tế thời gian gần đây. Trước năm 2000, Hàn Quốc đang rối bời trong hàng loạt sự kiện chính trị và lịch sử nên không có sự đầu tư đúng mức về vật chất và thời gian đối với việc quảng bá văn học”, Park Jee Won nói. Brother Anthony - một dịch giả tiếng Hàn nổi tiếng, đã sống ở Seoul từ năm 1980 - lại có những nhận định khá sâu sắc về nền văn học này. “Không ít tác phẩm văn học Hàn Quốc đã được dịch ra tiếng Anh. Nhưng Please Look After Mom là cuốn sách đầu tiên được những nhà xuất bản lớn ở nước ngoài để mắt đến”. “Đó chính xác là vấn đề mà tôi muốn nói đến. Các nhà xuất bản lớn sẽ xuất bản bất cứ cái gì, của bất cứ quốc gia nào, dù nền văn học đó có nổi tiếng hay không. Miễn là họ thấy bản thân tác phẩm ấy đọc được, bán được”, Anthony nói. Ông cho rằng, vấn đề là Hàn Quốc sai hướng trong việc hỗ trợ quảng bá văn học. Thay vì đầu tư cho các nhà xuất bản, điều quan trọng hơn là đầu tư cho nhà văn và các dịch giả. Một số nhà văn đang nổi tại Hàn Quốc cũng chia sẻ nhận định này. “Thực ra, các nhà văn Hàn như Shin và tôi vẫn còn cả chặng đường dài để bước tới”, tiểu thuyết gia Kim Young Ha - người nổi tiếng với tác phẩm ăn khách I Have the Right to Destroy Myself - tâm sự. Tiểu thuyết gia đoạt giải Nobel Jean-Marie Gustave Le Clezio tin rằng, văn học Hàn Quốc có tiềm lực rất lớn. Ông hy vọng sẽ có cơ hội nhìn thấy một tác giả Hàn đoạt giải Nobel trong tương lai. “Tôi từng viết một lá thư cho Ủy ban Nobel, đề cử một nhà văn Hàn Quốc”, Le Clezio nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn Korea Herald gần đây. The Korea Times, tờ báo tài trợ cho giải thưởng văn học dịch hàng năm của Hàn Quốc, từng nhận định: “Rất nhiều tiểu thuyết, tuyển tập thơ ca của các tác giả Hàn Quốc không lọt được vào mắt xanh của ủy ban Nobel do sự thiếu hụt những bản dịch xứng đáng”. Tờ báo tiếng Anh này chỉ trích sự thiếu hụt đầu tư cho dịch giả hiện nay tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, Park Jee Won - đại diện Viện Văn học dịch Hàn Quốc - cho biết, việc đầu tư cho các dịch giả tăng đều hàng năm suốt 10 năm nay. Bà còn khẳng định, Viện này đã thành lập hẳn một trung tâm dịch để “đào tạo các thế hệ dịch giả chuyên về dịch văn học Hàn Quốc”. Park cho hay, từ sau Please Look After Mom, những nhà xuất bản nhanh nhạy với việc tiếp thị bản quyền tác phẩm của mình ra nước ngoài đã tự tin hơn trên thị trường sách quốc tế. Cũng nhờ Please Look After Mom, chính phủ Hàn đã có nhiều hoạt động hỗ trợ Viện hơn trong việc đầu tư dịch thuật và quảng bá văn học Hàn Quốc ra thế giới. Theo Hà Linh - Evan
|