[if gte mso 9]> Jorge Semprun vừa qua đời cách đây không lâu, trong cương vị một “ông hàn” của viện hàn lâm Goncourt, sự ra đi của một trong những nhà văn lớn viết bằng tiếng Pháp nhưng lại không phải người Pháp. Người ta thường miêu tả ông như “một người châu Âu” toàn vẹn và điển hình. Semprun là người Tây Ban Nha, cháu ngoại một chính trị gia từng đứng đầu một chính phủ Tây Ban Nha thiên về tự do hồi cuối thế kỷ 19, có thời gian (sau thời Franco) làm đến bộ trưởng văn hoá Tây Ban Nha nhưng tác phẩm của Semprun đều viết bằng tiếng Pháp (gia đình sang Pháp tránh các sự kiện chính trị ở Tây Ban Nha khi Semprun còn nhỏ, và Semprun đã học qua trường Henri 4, rồi Sorbonne). Ngoài tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp, Semprun còn rất thạo tiếng Đức; tác phẩm cuối đời của ông là một tập hợp bài diễn văn mang tên Une tombe au creux des nuages. Essais sur l’Europe d’hier et d’aujourd’hui (Một huyệt mộ giữa lõm mây. Các tiểu luận về châu Âu hôm qua và hôm nay) mà Semprun trình bày bằng tiếng Đức. Trong bài phỏng vấn dài thực hiện không lâu trước khi ông qua đời cho trang web nonfiction.fr, Semprun nhắc lại những năm tháng hoạt động bí mật, luôn mang tên giả đến mức không còn phản ứng khi nghe người khác gọi tên thật, và kết quả là ông tự rèn luyện được một trí nhớ vượt trội, nó vừa đắc lực trong sự sống còn của cuộc đời vừa rất có ích cho công việc sáng tác. Semprun là huyền thoại về thuộc lòng nhiều bài thơ. Với ông, trí nhớ là “một dấu hiệu căn cước rất mạnh”. Cái đáng nhớ nhất từ trải nghiệm trại tập trung với Semprun không phải cái đói, bạo lực, mà là sự chung đụng, không có lấy một mảnh đời riêng tư nào, mọi thứ đều diễn ra dưới cái nhìn của người khác. Ông cho rằng trong bối cảnh ấy, để sống được thì khả năng ensimismarse (từ Tây Ban Nha chỉ sự khép mình bằng cách tự nhẩm trong đầu một bài thơ) là tuyệt đối cần thiết, và với bản thân ông, những bài thơ thuộc lòng vang vọng trong óc giống như một sự cứu rỗi. Thế nhưng ở trại Buchenwald, Semprun còn có cơ hội gần gũi, trò chuyện với một số trí thức nổi tiếng của châu Âu như Maurice Halbwachs, nhân vật trọng yếu của trường phái xã hội học Durkheim, từng nghiên cứu về nguyên nhân của tự tử và nổi tiếng với đề tài “ký ức tập thể”; người kia là Henri Maspero, một chuyên gia rất lớn về Trung Quốc và Việt Nam. Cả Halbwachs và Maspero đều chết trong trại Buchenwald. L’Écriture ou la vie cũng nhắc tới sự hiện diện của nhà văn, chính trị gia nổi tiếng người Pháp Léon Blum ở trại Buchenwald, kèm với sự miêu tả về mùi lò thiêu xác, một cái mùi kỳ cục, rùng rợn và ám ảnh, và Semprun nói rằng lúc nào nó cũng hiện ra “trong thực tại của ký ức”. Trong cuốn tiểu thuyết này, Semprun còn viết về một nhà văn lớn thoát khỏi trại tập trung nữa: Primo Levi, tác giả Có được là người, mặc dù quãng thời gian sau này ông hết sức cố gắng tránh đọc các tác phẩm văn chương lấy đề tài trại tập trung: “Điều này thuộc vào một chiến lược cho sự sống sót”. Và, nhất là, con người ưa tranh đấu ở trong ông (Semprun từng tham gia kháng chiến chống Đức tại Pháp và chống chế độ Franco ở Tây Ban Nha) nhận ra rất rõ ràng rằng mọi điều thật vô lý khi mà Weimar, quê hương của Goethe vĩ đại, hiện thân của tinh thần Đức, biểu tượng cho ánh sáng trí tuệ, nghệ thuật và khoa học không chỉ của nước Đức, lại cận kề với trại tập trung Buchenwald, nơi thường xuyên bốc lên mùi thiêu xác ám ảnh. Theo Cao Việt Dũng - SGTT |