[if gte mso 9]> - Chị có thể giới thiệu một chút về cuốn tiểu thuyết "Please Look After Mom" (Hãy chăm sóc mẹ) cho những người chưa từng biết đến cuốn sách? - Đó là tác phẩm về mẹ (Mom). Cuốn sách kể về chuyện một người mẹ mất tích và những đứa con đã tìm kiếm bà ra sao. Đó là cách đơn giản nhất để giới thiệu về cuốn tiểu thuyết. Mẹ là người luôn có mặt mỗi khi chúng ta cần. Và cuốn sách khai thác các trạng thái cảm xúc của các thành viên gia đình khi mẹ đột nhiên biến mất. - Cuốn sách đã xuất bản tại Mỹ. Sự tiếp nhận của độc giả Mỹ có gì khác so với độc giả Hàn Quốc? - Đây là một câu hỏi quen thuộc. Điều bất ngờ là phản ứng của độc giả ở Mỹ và Hàn Quốc khá giống nhau. Mọi người ở đây thường nói: “Tôi đã gọi điện cho mẹ sau khi đọc xong cuốn sách”, hoặc “Tôi cứ nghĩ về những điều không hay tôi đã làm với mẹ”… Một độc giả khác cho biết, chị ấy vốn có bất hòa với mẹ suốt một thời gian dài. Nhưng sau khi đọc xong cuốn sách, chị muốn làm lành với mẹ. Đó cũng là những gì người Hàn Quốc chia sẻ sau khi đọc xong cuốn sách. - Chị có thể kể tên một vài nhà văn chị thích đọc hoặc ngưỡng mộ? - Nhà văn nước ngoài à? - Nhà văn nước ngoài hoặc Hàn Quốc tùy chị? - Thực ra, tôi là fan của từng tác phẩm riêng lẻ hơn là của những tác giả nhất định (cười). Nhưng với các thế hệ nhà văn trưởng thành ở Hàn Quốc, tôi thích Oh Jung Hee và Park Wan Seo. Tôi bị ảnh hưởng bởi văn chương của họ và rất thích các tác phẩm của họ khi tôi còn trẻ. Trong số những tác phẩm, tác giả nước ngoài đã được dịch ra tiếng Hàn, tôi thích Duras. Tôi cũng thích Proust, bởi văn ông rất khó đọc. Tôi cũng rất mê văn học Nga. Còn với văn học Mỹ, tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm của Paul Auster và Raymond Carver. Tôi cũng đã đọc và rất thích sáng tác của Toni Morrison. - Một số nhà văn không thích đọc tác phẩm của các nhà văn khác trong khi họ đang viết. Nhưng một số khác lại cho biết, mỗi khi bí, họ lại đọc Proust để khai thông nguồn mạch cho mình. Chị thì sao? - Khi đang viết, tôi không đọc tác phẩm của ai cả. Tôi thích nghe nhạc. Tôi nghe nhạc không lời, bởi ca từ có thể khiến tôi bị sao nhãng. Những khi không viết, tôi đọc rất nhiều. Mỗi khi "tắc tị", tôi thường gọi điện cho mẹ. Bà có cả một kho truyện mà tôi chưa từng nghe được từ bất cứ ai khác. Bởi tôi đang sống ở thành phố còn mẹ sống ở quê, nên mẹ biết nhiều thứ mà tôi không hề biết, những thứ ở nông thôn: cây sinh trưởng thế nào trên cánh đồng; đất quê vào mùa gặt ra sao. Đó là những gì tôi đã chứng kiến từ thuở nhỏ, nên khi nghe mẹ nói, tôi tưởng tượng ra được mọi thứ. Những chi tiết ấy đưa tôi trở lại trang viết của mình. Chúng khác hẳn với cuộc sống thành phố. - Các nhà văn Mỹ thường bắt đầu sự nghiệp bằng truyện ngắn rồi chuyển sang tiểu thuyết. Nhưng một số người thì không, hoặc không thể có bước chuyển này. Bởi một tác giả truyện ngắn tài năng có thể không thành công với vai trò tiểu thuyết gia. Còn chị dường như cảm thấy dễ dàng ở cả hai thể loại. Chị phân biệt hai thể loại này như thế nào? - Ngay từ khi bắt đầu viết văn, tôi đã không hề để ý đến sự khác nhau của chúng. Nhưng tôi thường chỉ tập trung vào một thứ ở một thời điểm nhất định. Điểm khác nhau rõ ràng nhất là viết tiểu thuyết thì mất nhiều thời gian hơn. Tính cách nhân vật đòi hỏi nhất quán, rõ nét, sống động và vì vậy, quá trình thu thập tư liệu diễn ra lâu hơn. Viết tiểu thuyết, bạn phải khiến cho độc giả cảm thấy các nhân vật như đang ở quanh mình. Tôi không thích cái ý thức mình đang đọc tiểu thuyết khi thưởng thức một tác phẩm nào đó. Tôi muốn độc giả cảm thấy họ đang chứng kiến câu chuyện có thật, khơi gợi ở họ niềm vui, nỗi buồn và sự cảm thông. Còn truyện ngắn chỉ là một khoảnh khắc. Nó phải lóe sáng lên để người ta chụp được. Với tiểu thuyết, điều cốt yếu là phải đem đến cho người đọc cảm giác thực. Còn truyện ngắn thì có thể như những bài thơ. Thanh Huyền trích dịch từ SOV |