[if gte mso 9]> Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 9/9/2010 khi có đôi vợ chồng già từ miền Nam đáp tàu hỏa lên Paris để đến Picasso Administration (PP), một tổ chức do Claude Picasso, con trai của cố danh họa Pablo Picasso, điều hành, xin chứng nhận những bức tranh họ có đúng là của Picasso vẽ. Sau khi kiểm tra một vài chi tiết trên bản gốc và đọc qua các con số tổ chức này công nhận những bức tranh này đều là bản gốc. Tuy nhiên, nghi ngờ đặt ra khi người ta không hiểu vì sao một đôi vợ chồng già, rất bình dân mà lại có cả kho tàng vô giá như vậy. Cảnh sát đã được mời để điều tra. Người đàn ông đang sở hữu những bức tranh ấy, vốn là thợ điện của gia đình Picasso 40 năm trước, tên là Pierre Le Guennec. Ông đã khẳng định chính Picasso đã “tặng” ông 271 bức họa và ông đã giữ chúng suốt 40 năm trong garage xe cũ kỹ của mình. Tuy nhiên, cuối năm 2010, cảnh sát vào cuộc với nghi vấn là vợ chồng ông đang “chứa chấp của gian”. Chuyện vẫn đang đi vào bế tắc thì mới đây, cảnh sát lại phát hiện ra một manh mối nữa từ người tài xế của Picasso, ông Maurice Bresnu, người cũng đang sở hữu một số bức tranh của Picasso. Có mối liên hệ gì chăng? Câu trả lời khá bất ngờ: Vợ của người thợ điện Pierre Le Guennec chính là chị họ của tài xế Maurice Bresnu. Bộ sưu tập đáng ngờ Người tài xế của Picasso, được họa sĩ đặt cho biệt danh là “Nounours” (đã qua đời vào năm 1991), sở hữu gần 200 tác phẩm của danh họa và đã trở thành triệu phú từ bộ sưu tập này. Vấn đề ở đây là, đa số các tác phẩm đó đều không có chữ ký tặng của Picasso. Thậm chí, có một số bức sau khi được đưa đi thẩm định, giới chuyên môn đã phát hiện ra rằng, chữ ký của danh họa là giả và đã được vẽ thêm vào sau đó. Mà theo lời giải thích của ông Gérard Sassier, con trai của bà quản gia trong gia đình Picasso, “khi ông chủ Picasso tặng ai một tác phẩm của mình, ông đều ký tên vào đó. Và khi một tác phẩm thiếu chữ ký của danh họa, thì điều đó cho thấy một cách chắc chắn rằng đây là một tác phẩm bị ăn cắp”. Và hiện nay, cảnh sát chống buôn lậu các vật phẩm văn hóa của Pháp (OCBC) đang mở cuộc điều tra xem các bức tranh đó “được tặng” hay “bị lấy cắp”.
“Noun ours” - cái bóng của Picasso Maurice Bresnu là tài xế của Pablo Picasso từ năm 1967 đến 1973. Danh họa đã gọi người tài xế của mình một cách thân mật là “Nounours”, và rất tin tưởng người này. Nhà nhiếp ảnh Lucien Clergue đã nhớ lại và cho báo Le Figaro biết rằng, “ông ấy (Maurice Bresnu) là một người rất kín đáo, phần lớn thời gian làm việc chỉ lặng lẽ theo sau Pablo, như hình với bóng vậy”. “Nounours” đã lập gia đình với Jacqueline, em họ của của vợ ông Pierre Le Guennec, người thợ điện của Picasso. Thế là, chung quanh gia đình Picasso vào những ngày cuối đời chỉ là một “thế giới nhỏ bé và hoàn hảo”, gia đình người thợ điện và người tài xế mẫn cán, cho đến khi Maurice Bresnu nghỉ hưu vào năm 1976 và về sống tại Serignac, một ngôi làng nhỏ tại vùng Lot, miền Nam nước Pháp. Và sau đó, tại chính ngôi làng đơn sơ này, hai vợ chồng Maurice Bresnu đã tạo dựng riêng cho mình một cuộc sống có thể nói là vương giả: xe hơi đắt tiền, nhà cao cửa rộng… Ông Jacques, một dân làng tại Serignac, kể lại: “Ông ấy luôn nói với chúng tôi rằng: tôi có nhiều tiền đến nỗi sống cả đời cũng không sao phung phí hết được”. Maurice Bresnu và vợ ông không hề che giấu việc hai vợ chồng đang sở hữu trong tay các tác phẩm nghệ thuật của danh họa Picasso. Thậm chí, họ còn treo một vài bức lên tường nhà để trang trí. Domingo, người làm công cho gia đình Maurice Bresnu, sau này đã khẳng định trên tờ Le Parisien: “Gần như tất cả những gì mà gia đình Bresnu có được từ danh họa Picasso là do ông ấy lấy cắp khi còn làm việc cho danh họa. Những lúc riêng tư, ông bà Maurice Bresnu không bao giờ che giấu việc đó là những vật bị đánh cắp, họ nói chuyện này rất công khai thoải mái”. Vì thế, chỉ đến thời điểm năm 1986, sau khi bà Jacqueline Roque, vợ góa của Picasso, qua đời, hai vợ chồng Maurice Bresnu mới tìm người mua để bán lại các tác phẩm hội họa đó. Đã có khoảng 40 bức trong số đó, đa số là tranh nhục thể, đã được đem ra trưng bày vào năm 1989 tại một phòng tranh nổi tiếng tại Thụy Sĩ để chào bán. Ngoài ra, còn có một số bức họa đã được bí mật tuồn sang Ý để tìm kiếm người mua. Chính vì thế mà Maurice Bresnu đã thu được khối tiền: năm 1991, ông trở thành triệu phú. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, ông qua đời. Hai vợ chồng không có con, vì thế vợ ông được thừa hưởng tất cả gia sản đó. Thế là bà vợ góa Jacqueline của Maurice tiếp tục công việc rao bán các tác phẩm nghệ thuật của Picasso mà chồng bà để lại. Đặc biệt, bà bán được ba bộ tranh của Picasso cho một thương gia tên là Beniamino Levi. Sau khi bà qua đời vào năm 2008, có 6 đối tượng thừa kế đã được xác định, nhưng hai vợ chồng Maurice Bresnu không để lại bản di chúc nào cả. Tháng 12/2011 năm nay, đáng lý sẽ có một cuộc bán đấu giá các tác phẩm còn đang trong quyền sở hữu của bà Jacqueline diễn ra tại khách sạn Drouot, song cuộc bán đấu giá này đã bị hoãn lại. Hoãn vô thời hạn Cuộc đấu giá đã bị hoãn vô thời hạn bởi đơn giản rằng, việc tìm ra manh mối từ mớ bòng bong liên quan đến các gia đình có mối liên hệ mật thiết với Picasso, và nhất là việc xác định nguồn gốc xuất xứ của khối tài sản vô giá này phải cần rất nhiều thời gian. Và phải nhắc lại rằng, nếu như một số bức tranh mà người tài xế “Nounours” đã có sẵn chữ ký tặng của chính tay Picasso thì số còn lại hoàn toàn không có bút tích gì của tác giả Picasso cả. Tại vùng Lot, nơi gia đình Maurice Bresnu sinh sống sau khi “nghỉ hưu”, những người thân cận của họ đã phần nào thuật lại “lộ trình” mà hai vợ chồng này đã có được một “bảo tàng tư nhân đáng nể” như vậy. Họ cho đây là một bộ sưu tập quá to lớn đến nỗi không ai tin được đó là những “vật phẩm có được một cách đàng hoàng”. Khi lần giở lại quá khứ của những nhân vật thân cận bên cạnh gia đình Picasso khi xưa, nhiều người dám cá cược rằng lúc này đây cảnh sát vẫn chưa tìm thấy hết đầu dây mối nhợ của vấn đề. Những bí mật được tiếp tục đào xới ở diện rộng hơn và cảnh sát đang phải đối diện với một mớ bòng bong tư liệu mà không biết nên bắt đầu từ đâu. Đến giờ người ta cũng chưa thống kê hết được những tác phẩm “bị ăn cắp” của Picasso đã đi đâu về đâu và người ta cũng chưa dám khẳng định những nhân vật làm việc tại gia đình Picasso khi xưa là những kẻ cắp chuyên nghiệp hay thật sự là những người tốt nhận được những món quà từ ông chủ Picasso của mình. Đề cập vấn đề này, báo Le Monde tạm đưa ra an ủi: “Hãy cho cảnh sát thời gian”. Theo Tường Nguyễn - TT&VH |