Đó là cô Jhamak Kumari Ghimire, 30 tuổi, người vừa giành giải thưởng Madan Puraskar cho quyển tự truyện Is life a thorn or a flower? (Cuộc đời là một bụi gai hay một bông hoa?). Quyển sách đang được xuất bản lần 3 bằng tiếng Nepal và sắp tới sẽ có phiên bản tiếng Anh.
Trong quyển sách này, Jhamak thuật lại quá trình đấu tranh để thể hiện mình, từ khi sinh ra trong một gia đình bình thường ở một ngôi làng nhỏ trên đồi phía đông Nepal nhưng không thể nói được và cũng không thể sử dụng đôi tay. Cô không được đi học và đã tự học bằng cách lắng nghe chị gái học bài.
Jhamak đã miêu tả rất xúc động trong quyển sách của mình về lần đầu tiên cô viết được một chữ tròn trĩnh. Đó là chữ “ka” (क), chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái của Nepal.
“Khi đó tôi không thể chia sẻ niềm vui này với ai. Chữ viết đầu tiên của tôi được viết trên mặt đất và tôi có thể phát âm nó từ tim mình. Tôi sung sướng đến nỗi viết đi viết lại chữ “ka” nhiều lần” - Jhamak viết trong quyển sách.
Mặc dù đã cố gắng tập viết đến nỗi có lần bàn chân bị chảy máu, nhưng những nỗ lực của Jhamak không được chú ý. Chữ “ka” đầu tiên đã bị người khác đi tới, giẫm lên và xóa mất. Ngay cả ba mẹ Ghimire ban đầu cũng không công nhận ý chí học hỏi của cô. Thậm chí họ đánh cô vì cho rằng viết chữ lên mặt đất sẽ mang tới xui xẻo.
Chua chát hơn, ông Krishna Prasad Ghimire - cha của Ghimire - còn kể lại rằng một người hàng xóm đã gợi ý ông nên giết đứa con tật nguyền của mình (khi Jhamak mới 7 tuổi) bằng cách ném xuống sông. “Lúc đó tôi rất buồn nhưng bây giờ tôi rất hạnh phúc. Con gái là niềm tự hào của cả gia đình tôi” - ông cho biết.
Nhờ sự phấn đấu không mệt mỏi, đến nay Jhamak đã xuất bản bốn tập thơ, hai truyện ngắn và nhiều bài in báo. Chia sẻ cảm xúc sau khi nhận giải, Jhamak dùng chân viết lên giấy: “Tôi rất hạnh phúc nhưng tôi cũng nhận thức được trách nhiệm sắp tới của mình”.
Manjushree Thapa, tiểu thuyết gia kiêm dịch giả nổi tiếng người Nepal, nhận xét: “Cách diễn đạt của Jhamak Kumari Ghimire dường như đạt được độ tinh tế nhờ những trở ngại về bản thân mà cô đã vượt qua”.
Bà Thapa cũng dẫn chứng một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Ghimire - A street child’s question to his father (Câu hỏi của đứa trẻ lang thang trên đường phố dành cho cha) để chỉ ra thủ pháp ẩn dụ hình ảnh đứa trẻ lang thang và cha nó để nói về đất nước Nepal là cha của tất cả cư dân nghèo khó trong đất nước này.
Bà Thapa cho biết: “Cô ấy đã nói thay cho cả một thế hệ khi viết: Cha! Tại sao cha lại sinh ra/ Những đứa con phản bội như con?”.
Theo Thiên Hương - TTO
|