Điều này hẳn là có nguyên do lịch sử, nhưng có thể nói rằng ngoài một số hiện tượng đột xuất như Trên đường (Jack Kerouac), Giết con chim nhại (Harper Lee) hay Bắt trẻ đồng xanh (Salinger) từng có bản dịch từ cách đây nhiều chục năm, cả miền Bắc và miền Nam đều không dịch nhiều văn chương Mỹ, mặc dù ở miền Bắc đã sớm có Chữ A màu đỏ (Hawthorne) và miền Nam đã dịch rất công phu Moby Dick (Melville) từ những ngày đầu của Việt Nam cộng hoà. Với sự xuất hiện của các nhà văn như Saul Bellow, Don DeLillo, Raymond Carver và Philip Roth, dòng chủ lưu của văn chương Mỹ (tạm gọi là “cao cấp”) mới bắt đầu được đưa dần vào Việt Nam.
Việc có tương đối đầy đủ những gương mặt lớn của văn chương Mỹ là điều rất cần thiết, bởi cách hoạt động của giới nhà văn nơi đây có những điểm đặc thù, trong đó nổi bật là tính chất “kế thừa”: Don DeLillo và Thomas Pynchon “thoát thai” từ ghế sinh viên ngồi nghe Vladimir Nabokov giảng bài; khi nhắc tới Philip Roth hay John Updike người ta thường nhắc luôn bậc trưởng thượng của họ là Saul Bellow; và đọc nhà văn đang gây nhiều tranh cãi hiện nay, Jonathan Franzen (sinh năm 1959), nhất là trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông xuất bản hồi năm ngoái, Freedom, người ta dễ dàng nhận ra dấu ấn của Philip Roth; rồi rất nhiều nhà văn trẻ thán phục và đi theo con đường của Raymond Carver…
Thử khảo sát một nhà văn Mỹ nổi tiếng như Russell Banks (sinh năm 1940), tính chất cá nhân chủ nghĩa của nhà sáng tạo không hoàn toàn tách rời khỏi tính chất “hội đoàn nghề nghiệp”. Không giống các nhà văn châu Âu thường ngại nói tới những người ảnh hưởng tới mình và hay sử dụng các bài trả lời phỏng vấn báo chí để công kích người khác, trong những bài phỏng vấn, Russell Banks vui vẻ nhìn nhận Jack Kerouac (mà ông từng gặp hồi còn trẻ) như là nguồn cảm hứng quan trọng; ông cũng coi Doctorow là một hình mẫu lớn của mình và không che giấu tình bạn với Joyce Carol Oates và Toni Morrison.
Russell Banks cũng giống không ít nhà văn Mỹ nổi tiếng khác (chẳng hạn Scott Fitzgerald hay Bret Easton Ellis), không hề xa lạ với điện ảnh. Trong khi nhà văn châu Âu hay chơi nhạc hoặc làm chính trị, một số người còn không cho phép chuyển thể tiểu thuyết của mình thành phim, thì Russell Banks từng không ít lần chuyển thể tác phẩm của mình thành kịch bản phim cho Hollywood. Đọc văn chương Mỹ, ta thường ngờ ngợ đoạn này đích thị được viết để dễ dàng chuyển hoá thành một “xen” trong phim.
Tính chất điện ảnh xuất hiện rất rõ trong cuốn tiểu thuyết The Reserve (Khu bảo tồn) in năm 2008 của Russell Banks (cho đến nay ông đã là tác giả của khoảng 20 tác phẩm, đa phần là tiểu thuyết). The Reserve không hẳn là tiểu thuyết thành công nhất của Russell Banks, nhưng nó cho thấy nhiều nét đặc thù trong cách viết của nhà văn Mỹ nói chung.
Mặc dù có rất nhiều đoạn “mê lô”, The Reserve (chuyện về mối quan hệ giữa một hoạ sĩ nổi danh thế giới - Jordan Groves - và một cô gái rất giàu có - Vanessa Cole - bắt đầu từ năm 1936 tại khu bảo tồn Adirondack) là một câu chuyện rất thú vị và thể hiện tham vọng rất lớn của Russell Banks: phạm vi quan sát của ông không chỉ là chuyện tình ái mà còn là cuộc đối đầu giai cấp, bệnh tâm thần trong đầu óc phức tạp của Vanessa Cole, và cả một giai đoạn lịch sử với sự xuất hiện tại nước Mỹ của khinh khí cầu Hindenburg mang trên mình biểu tượng thập ngoặt phátxít. Rồi nhân vật của ông sẽ tham gia cuộc chiến tại châu Âu, và Russell Banks cũng dùng ngòi bút của mình để miêu tả cặn kẽ đời sống của giới thượng lưu hồi ấy, thậm chí không bỏ qua ngành phân tâm học đang hồi phát triển mạnh…
Không ồn ào như các nhà văn châu Âu, nhất là Pháp, nhưng văn chương Mỹ luôn luôn dồi dào tác giả xuất sắc và đặc biệt tham vọng trong cách nhìn thế giới. Ta sẽ không ngạc nhiên khi cách đây 70 năm, chính triết gia và tiểu thuyết gia Jean-Paul Sartre của Pháp từng nồng nhiệt ca ngợi tiểu thuyết gia Mỹ, nhất là John Dos Passos, và coi đó là một hình mẫu lớn, kể cả đối với các nhà văn của cựu lục địa.
Theo Cao Việt Dũng - SGTT.VN
|