Văn nghệ thế giới
Italo Calvino, lịch sử và sự chơi
10:33 | 29/09/2011
Càng nhiều tác phẩm của Italo Calvino được dịch sang tiếng Việt, ta càng có cơ hội chiêm ngưỡng tài năng độc đáo của một dạng nhà văn dường như chỉ nước Ý mới biết cách sinh ra, những người như Luigi Pirandello, Leonardo Sciascia hay Umberto Eco. Ở những nhà văn này, kiến thức đồ sộ không hiểu bằng cách nào lại có thể đi đôi được với giọng văn nhẹ nhõm trong một kết hợp hết sức nhuần nhuyễn.
Italo Calvino, lịch sử và sự chơi

Chạm đến đề tài lịch sử, hoặc người ta ưa coi đó là cái đinh để móc câu chuyện, thả sức sáng tác về tâm lý người có thực, đưa thêm vào nhân vật hư cấu, hoặc người ta sẽ trung thành hết mức với các sự kiện và bảng phả hệ, thuần tuý thực hiện một công việc sắp xếp nhiều khi vô cùng khéo léo và tinh tế. Calvino lại không đi theo hai con đường ấy mà chọn một cách khác hoàn toàn, một dòng chảy nhỏ hiếm có, đặc biệt là trong bộ ba tiểu thuyết Tổ tiên của chúng ta, hiện đã có hai cuốn: Nam tước trên câyTử tước chẻ đôi, đều do Vũ Ngọc Thăng dịch (Nhã Nam và NXB Văn Học).

Lựa chọn của Calvino ngay từ đầu đã báo hiệu sự đặc biệt, và chìa khoá để hiểu điều này là khía cạnh “trò chơi”: độc giả chúng ta bị lôi vào, một cách đầy tự nhiên, trong một cuộc chơi điển hình của những “bó buộc” (khái niệm then chốt của nhóm Oulipo, mà Calvino là thành viên quan trọng nhất bên cạnh Raymond Queneau và Georges Perec). Mỗi lần Calvino lại tự bó buộc mình khác đi, trong Nam tước trên cây là tình thế chàng nam tước cả đời không chạm chân xuống đất, trong Tử tước chẻ đôi là vị tử tước chỉ có nửa thân người, còn ở tập cuối cùng trong bộ ba tiểu thuyết này, Hiệp sĩ không hiện hữu, hiệp sĩ Agilulfe thuộc đạo quân của hoàng đế Charlemagne hoá ra không hề tồn tại; bộ giáp trụ của chàng bên trong trống trơn. Thế nhưng điều đó không hề ngăn cản chàng chiến đấu và ra lệnh cho anh lính hầu Gourdoulou.

Sau lựa chọn ban đầu ấy, lịch sử liền không còn giống như nó vẫn hiển hiện nữa, mà được khuôn dạng khác hẳn đi, theo cách nhìn và cách suy nghĩ giả định của các nhân vật được tạo ra đặc biệt như vậy, cũng như theo cách tổ chức cuộc sống đặc thù của những con người giả định kia. Quan trọng hơn hết, xuất phát từ những bó buộc, nhưng dường như những nhà văn kiệt xuất của “trường phái trò chơi” như Calvino lại đi đến được với tự do vô chừng. Lịch sử dưới cái nhìn của ông vừa quen thuộc vừa khác biệt, và lịch sử ấy không được đan dệt bằng các sự kiện nữa, mà trở thành một văn bản rộng mênh mông.

Tử tước Medardo xứ Rạng Đông cùng viên lính hầu Curzio tham gia cuộc chiến chống quân Thổ Nhĩ Kỳ, gia nhập hàng ngũ quân Kitô giáo. Toàn bộ sự uy nghiêm của đội quân lừng danh trong lịch sử, luôn luôn được giới sử gia nhấn mạnh ở sự sở hữu chính nghĩa chống lại man rợ, toàn bộ sự uy nghiêm ấy bị Italo Calvino xô đổ bằng vài miêu tả vô cùng đơn giản. Hoàng đế và các vị nguyên soái bên Kitô giáo bàn chiến lược trước những tấm bản đồ, “ngậm đanh ghim trên môi, thế là họ chỉ có thể nói ậm ậm ừ ừ” (trang 13). Và khi tử tước lâm trận, anh lính hầu ngăn chàng nhìn lại phía sau, vì không muốn chàng “nhụt nhuệ khí” nếu trông thấy sự thảm hại của đạo quân (chi tiết ở trang 17).

Cách nhìn này thuộc về một phạm trù hài hước mà người ta gọi là “burlesque”, nhưng câu chuyện theo chiều hướng này cũng rất dễ rơi vào lố bịch, “bốc phét quá đà”, và nhà văn phải áp đặt được thẩm quyền của mình một cách mạnh mẽ thì mới hy vọng đạt tới thành công. Nói một cách khác, nhà văn phải tạo ra được luật chơi chặt chẽ, thông minh, lường được trước mọi tình huống. Một khi luật chơi đã được chấp nhận, kết cấu của nó sẽ vững chắc vô cùng, và người đọc cảm thấy mình thực sự bị ràng buộc. Câu chuyện của Tử tước chẻ đôi, còn hơn một trò chơi thành công, như thể đã thăng hoa mà đạt tới những bờ cõi siêu hình sâu sắc, mà nhà văn chỉ cần dùng những chất liệu rất đơn giản. Ở xứ Rạng Đông, dần dà người ta không thể biết trước sẽ gặp nửa nào của chàng tử tước, và tình trạng cứ kéo dài thật lâu, thiện với ác càng có xu hướng lẫn lộn không tách biệt được. Calvino miêu tả trận quyết đấu giữa hai nửa của chàng tử tước như là sự ngập ngừng của cả thiện lẫn ác: bên nào cũng cố “khăng khăng xỉa chém vào nơi bên trong chẳng có gì, nghĩa là cái phần lẽ ra phải là chính mình” (trang 164). Và kết luận cuối cùng thật bất ngờ: “một tử tước đầy đủ cũng không đủ để toàn thể nhân gian trở nên đầy đủ” (trang 168).

Giải quyết xong vấn đề chia đôi một con người, vấn đề thiện – ác bỗng trở nên buồn chán. Kết quả thấy rõ nhất có lẽ chỉ là sẽ không còn những trái lê bị bổ dọc, một nửa vẫn đu đưa trên cuống, nửa con ếch nhảy trên tảng đá, nửa quả dưa, nửa cây nấm ở khắp dọc con đường chàng tử tước – một nửa kia đi qua.

Nhưng còn một điều nữa mà tôi mơ hồ nhận ra khi đọc những gì Calvino hướng về quá khứ mà viết, bằng tài năng lớn lao của ông: cho dù nhân vật có là tử tước, nam tước hay hiệp sĩ, thì nhân vật ấy vẫn tột cùng cô đơn. Họ chỉ khác biệt ở chỗ thản nhiên sống được trong nỗi cô đơn đó. Trong một bài viết, dịch giả Mỹ William Weaver, người dịch một số tác phẩm quan trọng của Calvino sang tiếng Anh, kể rằng sau đám tang nhiều người dự của Calvino, ông gặp bà quả phụ Calvino và bà đã nói: “Italo không có bạn thân nào cả đâu. Ông ấy hoàn toàn sống bên trong đầu óc của mình”.

 

 

                                                      Theo Cao Việt Dũng - SGTT















































 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng