Văn nghệ thế giới
Văn hào Anh Arthur Conan Doyle: Nhiều bí mật tiếp tục được giải mã
08:43 | 24/10/2011
Ngày 26/9 vừa qua, sau 128 năm lẩn khuất trong thiên hạ, bản thảo tiểu thuyết đầu tay của văn hào Anh Arthur Conan Doyle (có tên gọi "Chuyện kể của John Smith") đã chính thức ra mắt bạn đọc...
Văn hào Anh Arthur Conan Doyle: Nhiều bí mật tiếp tục được giải mã













"Chuyện kể của John Smith" - cuốn tiểu thuyết đầu tay bị thất lạc nhiều năm của Conan Doyle đã được xuất bản lần đầu tiên vào ngày 26/9 vừa qua.

Mặc dù sinh thời, Conan Doyle từng thổ lộ ông sẽ "rất hãi hùng" nếu cuốn sách được in ra, và theo nhận xét của các nhà chuyên môn thì đây chưa phải là tác phẩm thành công, song ít nhiều cuốn sách cũng cung cấp cho bạn đọc thấy các trạng thái tâm lý của Conan Doyle khi còn trẻ. Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu số phận trôi dạt của cuốn sách nói trên cũng như cùng ôn lại một số kỷ niệm liên quan tới cuộc đời của cha đẻ nhân vật thám tử Sherlock Holmes uy danh lừng lẫy...

Một kết thúc "có hậu" cho cuốn tiểu thuyết đầu tay

"Chuyện kể của John Smith" được Conan Doyle viết trong khoảng thời gian từ 1883 tới 1884, khi ông mới ngoài hai mươi tuổi. Bản thảo là bốn cuốn sổ giấy đen, dày cả thảy 130 trang.

Sách kể về một người đàn ông 50 tuổi phải giam mình trên giường bệnh suốt cả tuần vì bệnh gout. Từ đó, ông ta nảy ý định viết một cuốn sách nhưng không biết nên tập trung vào chủ đề nào: y học, văn học hay tôn giáo? Đây cũng chính là nỗi băn khoăn của Conan Doyle thời kỳ đầu cầm bút. Hồi ấy, với tư cách một bác sĩ, Conan Doyle mở phòng khám tư ở Portsmouth, Anh. Vì bố ông là một kẻ nát rượu, không những không giúp mà còn là gánh nặng cho gia đình nên chàng trai Conan Doyle bấy giờ mới 23 tuổi phải lao vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn, vừa để nuôi mẹ vừa lo việc học hành cho cậu em trai mới lên 10 tuổi. Phòng khám của Doyle luôn trong tình trạng vắng khách. Tranh thủ những lúc chờ bệnh nhân, Doyle bắt đầu viết truyện ngắn gửi đăng trên các báo lấy tiền trang trải cuộc sống. Sự lúng túng trong tìm kiếm đề tài phần nào đã thể hiện qua tâm lý của nhân vật người đàn ông bị bệnh gout trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông.

Lý do dẫn tới việc Conan Doyle sáng tác nên tiểu thuyết "Chuyện kể của John Smith" nghe khá… lạ tai: Nhận thấy độc giả khi đọc truyện ngắn thường ít chú ý tới tên tác giả, Doyle cảm thấy thất vọng. Đặc biệt, một lần, do sự cẩu thả của biên tập viên, một truyện ngắn của Doyle được đăng trên tờ The Cornhill đã bị in nhầm tên tác giả ra thành Robert Louis Stevenson (tác giả "Đảo giấu vàng"). Quá phẫn nộ về việc này, nhà văn trẻ quyết tâm phải viết tiểu thuyết, ít nhất cũng là để tên mình được in ngay trên trang bìa 1.

Bản thảo "Chuyện kể của John Smith" được hoàn thành. Qua bưu điện, Doyle sốt sắng gửi nó tới một nhà xuất bản. Nhưng rồi, một sự cố khiến niềm đam mê của ông như bị giội gáo nước lạnh: Bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay đã bị thất lạc một cách bí ẩn. Không còn cách nào khác, Doyle đành phải viết lại tác phẩm theo trí nhớ. Đây là một công việc quá ư nhàm chán, nhất là khi những cảm hứng nhất thời đã qua. Sau khi đặt dòng chữ cuối cùng cho cuốn tiểu thuyết, tác giả bất ngờ quyết định không gửi in sách ở bất cứ đâu.

Cuốn tiểu thuyết vừa được xuất bản hôm 26/9 vừa qua là dựa theo bản thảo bị thất lạc của Conan Doyle (được Thư viện Anh mua lại từ một cuộc đấu giá năm 2004 với giá gần 1 triệu bảng), chứ không phải từ bản thảo ông viết lại sau đó.

Văn hào Arthur Conan Doyle.


Mặc dù cuốn tiểu thuyết bị cho là "khá lỏng lẻo về cốt truyện và nhân vật", song, theo nhận định của biên tập viên Rachel Foss thì việc cho xuất bản cuốn sách rất có ý nghĩa trong việc cung cấp một cái nhìn có tính hệ thống về cách suy nghĩ một thời của người tạo ra hình tượng Sherlock Holmes. "Cuốn sách giúp ta có cái nhìn đầy đủ hơn về quá trình phát triển nhận thức của Conan Doyle. Nó cho thấy nhà văn trẻ đã nỗ lực như thế nào từ một cây viết truyện ngắn sang một nhà tiểu thuyết" - Rachel Foss cho biết. 

Conan Doyle từng rất "mệt mỏi" với Sherlock Holmes

Theo thống kê thì thám tử Sherlock Holmes đã xuất hiện cả thảy trong 4 tiểu thuyết và 56 truyện ngắn của Conan Doyle. Nhờ những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn của nhân vật thám tử tài trí mà nhà văn đã có được một nguồn thu nhập dồi dào giúp ông nuôi sống được gia đình và hơn thế, còn trở nên một nhà văn giàu có. Tuy nhiên, bởi mất quá nhiều thời gian và công sức với loại truyện trinh thám này, mệt mỏi căng thẳng vì phải theo đuổi những pha truy bắt đầy kịch tính của nhân vật, đã có lúc Conan Doyle nghĩ đến việc "thủ tiêu" nhân vật, để Sherlock Holmes chết và kết thúc câu chuyện phải ngày đêm nặn bóp theo yêu cầu của báo chí. Ý đồ của ông đã bị mẹ ông phản đối: "Con có thể làm điều con cho là đúng, nhưng độc giả không dễ dàng đồng ý đâu".

Trong truyện ngắn "Vấn đề cuối cùng", Conan Doyle đã để Holmes bất cẩn tiến đến mép một tảng đá (cùng với anh ta còn có Moriarty) rơi xuống thác nước Reeichenbach. Ngay lập tức công chúng Anh quốc đã gửi thư bày tỏ sự phẫn nộ với tác giả. Áp lực của dư luận đối với nhà văn là hết sức nặng nề.

Đến năm 1902, gần 10 năm sau kể từ ngày Sherlock Holmes bị "chết mất xác", đột nhiên Conan Doyle cho xuất hiện trở lại nhân vật thám tử này. Chỉ có điều câu chuyện tác giả để xảy ra vào thời gian trước khi Sherlock Holmes chết. Công chúng lấy làm tiếc và tới tấp gửi thư đề nghị tác giả hãy làm cách nào cho Sherlock Holmes "sống lại". Chủ một tờ báo cũng đề nghị trả nhà văn 5 nghìn đôla với yêu cầu ông nghĩ ra cách để Sherlock Holmes "sống lại". Thể theo nguyện vọng của đông đảo bạn đọc, Connan Doyle đã đặt bút viết tiếp truyện "Ngày trở về của Sherlock Holmes" và một loạt truyện nữa. Ông đã mở đầu câu chuyện: "Mọi chuyện đã xảy ra đúng như chúng ta nghĩ. Sherlock Holmes đâu có chết khi rơi xuống vực. Thật ra anh ta không rơi xuống vực, mà đã tìm cách bò dọc theo tảng đá để thoát khỏi tay kẻ thù". Ông còn giải thích với độc giả rằng, chỉ có Moriarty rơi xuống thác, còn Holmes "vì có nhiều kẻ thù nên chưa thể chết ngay được".

Cuộc tình tay ba và sự trả giá

Từ năm 2004 trở về trước, các tư liệu liên quan tới đời tư của Conan Doyle ít nhiều còn được giữ kín bởi những người thân của ông đang "bận" tranh chấp quyền thừa kế. Nhưng sau khi chúng bị "phơi mở" tại nhà đấu giá Christie thì nhiều tình tiết bí mật về Conan Doyle cũng theo đà đó được "giải mã" với công chúng…

Hóa ra, Conan Doyle không hẳn là người hiền lành, mực thước như người ta tưởng. Thậm chí, có lúc ông khá hung bạo. Như trên đã nói, bố ông là một người nát rượu. Nát rượu chứ không hẳn mất trí. Vậy mà ông từng cùng với mẹ mình tìm cách đưa được ông này vào viện tâm thần. Nếu như thuở nhỏ, Doyle là đứa trẻ thường xuyên bắt nạt bạn bè thì sau này, khi ở vị thế làm cha, ông đã khiến con cái phải khiếp đảm. Mary - con gái chung của ông với người vợ đầu từng có lúc phải thổ lộ với cậu em trai: "Chị không hề nhận được một lời yêu thương, một cử chỉ ân cần, âu yếm nào của bố suốt hai năm kể từ ngày mẹ mất".

Báo chí từng tốn nhiều giấy mực để ca ngợi tình cảm dành cho vợ của Conan Doyle, nhất là đối với Louisa Hawkins - người vợ đầu mà ông kết hôn năm 1885. Bà nhiều năm liền bị hành hạ bởi bệnh lao và đã mất năm 1906. Sự thực, Doyle rất chịu khó đưa vợ đi chạy chữa, song không vì thế mà ông không duy trì cho mình một "bóng hồng" bên ngoài người vợ bệnh tật này. Sau khi phát hiện Louisa mắc phải căn bệnh thuộc loại "tứ chứng nan y" thời bấy giờ, Doyle đã gặp gỡ và phải lòng Jean Leckie, một phụ nữ tài năng, biết đàn hát và một số môn thể thao. Hai người duy trì mối quan hệ nửa công khai nửa bí mật (công khai với mọi người nhưng bí mật với Louisa). Bản thân Louisa cũng không ít lần trò chuyện với Jean ngay tại nhà mình, song cho đến khi bước sang thế giới bên kia, bà cũng chưa một lần biết rằng chồng bà đã từng sẻ chia tình cảm với người phụ nữ đó. Quan điểm của Doyle là không được để người vợ bệnh tật bị thương tổn về tình cảm.

Hai tháng sau khi Louisa Hawkins qua đời, Conan Doyle đã làm lễ cưới Jean Leckie. Doyle có cả thảy 5 người con, hai người với bà vợ đầu và ba người với bà vợ sau. Vì những năm tháng còn lại Doyle dường như dồn hết tình cảm cho người vợ hai nên cả Mary và Kingsley - con của ông với bà vợ đầu đã căm phẫn gạt bỏ ông ra ngoài cuộc sống của họ. Nếu như trước khi trút hơi thở giã biệt thế giới (ngày 7/7/1930), câu nói cuối cùng của Conan Doyle là dành cho vợ: "Em thật tuyệt vời!" thì thay vì tình thương yêu ấy, tất cả những bức thư tình hai người gửi cho nhau đã bị con trai họ nhẫn tâm đốt hết sau khi Jean Leckie qua đời vào năm 1940.

                                                                      Theo Hoàng Ngọc Thọ - CAND.com.vn




















Các bài mới
Các bài đã đăng