Cùng với Hemingway, Fitzgerald được xem là nhà văn tiêu biểu nhất của nước Mỹ nửa đầu thế kỷ XX. Sau ngày Fitzgerald qua đời, một bài viết đăng tải trên tờ Thời báo New York đã đưa ra nhận xét: "Tài năng của Fitzgerald lớn hơn ông tưởng. Trên thực tế và về mặt văn học, ông đã sáng tạo ra một thế hệ...". Nhân vật trứ danh Gatsby (trong tiểu thuyết "Gatsby vĩ đại") của Fitzgerald đã ám ảnh nhiều thế hệ bạn đọc. Không phải ngẫu nhiên mà một nhân vật trong tiểu thuyết "Bắt trẻ đồng xanh" của nhà văn Mỹ Salinger và một nhân vật trong tiểu thuyết "Rừng Nauy" của nhà văn Nhật Murakami đã phải nhắc tới Gatsby với một sự ngưỡng mộ đặc biệt. Năm 2007, trong cuộc bầu chọn do tạp chí Time tổ chức, tiểu thuyết "Gatsby vĩ đại" của Fitzgerald đã lọt vào danh sách 10 tác phẩm vĩ đại nhất mọi thời đại...
Francis Scott Fitzgerald sinh năm 1896 tại Saint Paul, thủ phủ bang Minnesota ở miền Trung - Bắc Mỹ. Bố ông là một thương nhân; mẹ là con gái một gia đình buôn bán giàu có.
Fitzgerald bắt đầu cầm bút từ ngày còn theo học tại trường St. Paul Academy. Năm 15 tuổi, ông đã có tác phẩm được giới thiệu trên tờ tạp chí của nhà trường. Năm 1913, Fitzgerald trở thành sinh viên Trường Đại học Princeton. Tại đây, phần vì vỡ mộng trở thành một người hùng trên sân bóng, phần vì kết quả học tập quá kém, năm 1917, khi sắp tốt nghiệp, nhà văn tương lai đã bỏ học để xung lính. Bởi đinh ninh rằng, số phận mình là sẽ hy sinh trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất nên vừa chân ướt chân ráo nhập ngũ, Fitzgerald đã hối hả viết một cuốn tiểu thuyết mang đậm yếu tố tự truyện, đặt tên là "Người vị kỷ lãng mạn". Bản thảo được gửi cho nhà xuất bản Charles Scribner's Sons. Tuy không được in nhưng lãnh đạo nhà xuất bản cũng khích lệ tác giả trẻ nên tiếp tục hiệu chỉnh bản thảo.
Một thời gian sau đó, anh lính Fitzgerald được thuyên chuyển đến đóng tại Trại Sheridan, gần Montgomery, Alabama. Và rồi, vào mùa hè 1918, trong một lần tham gia buổi khiêu vũ tại Câu lạc bộ Montgomery Country, Fitzgerald đã gặp và đem lòng yêu cô nàng xinh đẹp Zelda Sayre, bấy giờ mới 18 tuổi. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Fitzgerald chính thức ngỏ lời cầu hôn và được Zelda ưng thuận. Fitzgerald yên lòng xuống tàu sang châu Âu tham chiến. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau thì quân đội Đức đầu hàng và cuộc đại chiến kết thúc trong khi anh lính trẻ Fitzgerald chưa phải xung trận một lần nào. Về mặt này, Fitzgerald quả là "may mắn" hơn nhiều so với một nhà văn Mỹ cùng trang lứa là Hemingway.
Giải ngũ năm 1919, Fitzgerald một mặt xin vào làm tại một hãng quảng cáo ở New York để đảm bảo việc mưu sinh, mặt khác, ông tranh thủ sửa chữa lại cuốn tiểu thuyết đã viết trước đó. Cha của Zelda vốn là một thẩm phán có danh tiếng ở Alabama. Ông rất muốn chàng rể tương lai trở thành một nhà văn tên tuổi với mức thu nhập ổn định trước khi kết hôn với con gái mình. Fitzgerald rất bị áp lực về việc này. Ông tiếp tục gửi cuốn tiểu thuyết của mình tới nhà xuất bản cũ và một lần nữa, bản thảo bị từ chối.
Zelda dường như đã trở nên hết kiên nhẫn. Đặc biệt, sự xa cách về không gian sống giữa hai người khiến cho cuộc tình của họ ngày một thêm lỏng lẻo. Căng thẳng lên tới đỉnh điểm khi Zelda đòi hủy bỏ hôn ước. Sự thể buộc Fitzgerald phải bỏ về sống với bố mẹ đẻ tại St Paul. Ở đây, ông tự giam mình suốt 3 tháng liền trong phòng, tất cả chỉ để viết và… viết. Ít ngày trước sinh nhật lần thứ 23 của mình, Fitzgerald đã gửi cuốn tiểu thuyết (bấy giờ được đổi tên thành "Bên này thiên đường") đến nhà xuất bản Charles Scribner's Sons. Lần gửi thứ ba này, bản thảo đã được chấp nhận.
Tháng 3/1920, tiểu thuyết "Bên này thiên đường" được chính thức phát hành. Chỉ trong 24 giờ, sách bán hết veo. Đây là một thành công vượt trên sự mong đợi của cả nhà xuất bản và của chính tác giả. Fitzgerald đã tổ chức ăn mừng sự kiện này bằng những bữa tiệc tưng bừng mà ở đó, người ta thấy Zelda thường xuyên biểu hiện niềm vui thái quá của mình bằng những điệu khiêu vũ trên bàn ăn của các thực khách.
Cũng trong tháng 3 năm đó, nghĩa là chỉ sau khi cuốn tiểu thuyết "Bên này thiên đường" của Fitzgerald được phát hành một tuần, hôn lễ giữa cặp trai tài gái sắc Fitzgerald - Zelda đã được tổ chức trọng thể trong nhà thờ tại thánh đường St Patrick ở New York. Từ đây, Fitzgerald tiếp tục viết một số truyện ngắn và tiểu thuyết nổi tiếng. Các tạp chí văn học cũng thi nhau trải thảm đỏ đón rước những tác phẩm mới của ông.
Mặc dù tiền vào như nước, song với cách tiêu pha "vung tay quá trán"; tiệc tùng suốt ngày, hội hè liên miên của đôi vợ chồng trẻ, chẳng mấy chốc Fitzgerald rơi vào cảnh nợ nần. Năm 1921, Zelda sinh con đầu lòng. Một năm sau, Fitzgerald cho xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai "Những kẻ tài sắc bị đọa đày". Nội dung cuốn sách kể về Anthony Patch, một chàng trai thông minh, nhạy cảm nhưng yếu đuối và có lối sống sa đà. Anh ta đã đánh đắm tất cả gia tài của tổ tiên vào rượu, trở thành một con ma men đáng sợ. Ở phần kết của sách, Patch đã bị người vợ xinh đẹp rẫy bỏ. Cuốn tiểu thuyết được xem là có nhiều yếu tố tự truyện. Năm 2008, bộ phim dựa trên nội dung cuốn tiểu thuyết đã được đạo diễn Nicker Cassavetes dàn dựng, trong đó, nữ diễn viên nổi tiếng Keira Knightley đã được mời vào vai nàng Zelda Sayre, vợ của Fitzgerald
Có thể nói, cuộc sống vợ chồng giữa Fitzgerald và Zelda không thực sự hạnh phúc. Bản thân Fitzgerald từng phải tiết lộ với con gái rằng, ông đã sai lầm mặc dù khi cưới Zelda, ông đã biết trước đó cô là một người phụ nữ hư hỏng, từ năm 17 tuổi đã nổi tiếng khắp vùng Montgomery vì tật nghiện ngập. Ông biết bên ông, Zelda sẽ chẳng giúp ích gì nhiều ngoài việc đem lại những gánh nặng cho cuộc đời ông.
Thực tế đã diễn ra đúng như điều Fitzgerald tiên liệu. Để chi trả cho những khoản tiêu pha hoang toàng của Zelda, Fitzgerald đã phải "bóc ngắn cắn dài", thường xuyên gác lại kế hoạch viết những tác phẩm dài hơi để dành thời gian cho những truyện ngắn đem bán nhanh cho các tòa báo lấy tiền sinh sống. Cực chẳng đã, không hiếm lần nhà văn trẻ phải hét giá cao đối với các tòa báo khi in truyện của mình. Mối quan hệ căng thẳng, nặng nề giữa Fitzgerald và Zelda sau này đã được thể hiện rõ trong cuốn "Sụp đổ" (gồm những bài viết lẻ và hồi ức, thư từ của Fitzgerald được xuất bản sau khi ông mất).
Sau mấy năm xuất hiện chủ yếu bằng các truyện ngắn nhỏ lẻ, ngày 1/4/1925, Fitzgerald gửi đến nhà xuất bản Charles Scribner's Sons bản thảo cuốn "Gatsby vĩ đại", tác phẩm quan trọng nhất của đời ông hay - nói như nhận xét của nhà văn Nga Yuri Trifonov "Đó là một trong những cuốn tiểu thuyết lớn nhất của thế kỷ XX".
Mặc dù rất kỳ vọng vào cuốn sách, cho rằng sau khi "Gatsby vĩ đại" được ấn hành, giới văn học trong và ngoài nước Mỹ sẽ phải thừa nhận mình là một nhà văn lớn, và thành công của cuốn sách sẽ là tiền đề để mình có được những gặt hái lớn hơn về tài chính, rốt cuộc, Fitzregald đã rất thất vọng khi nhận thấy, mặc dù cuốn sách vẫn nhận được lời ngợi khen này khác trên báo chí, song đa phần vẫn chỉ là những bài điểm sách vặt của các phóng viên (thay vì các nhà phê bình sành sỏi) và về cơ bản, các ý kiến đưa ra là khá hời hợt.
Sau khi cho xuất bản "Gatsby vĩ đại", Fitzregald chủ yếu viết truyện ngắn với mục đích sinh nhai. Ông từng viết thư tâm sự với giám đốc một nhà xuất bản: "Tôi sẽ tập trung viết một số truyện ngắn rẻ tiền cho đến khi tích lũy đủ cho cuốn tiểu thuyết sắp tới của tôi. Và nếu cuốn tiểu thuyết này nuôi nổi tôi để khỏi phải viết những cái nhảm nhí thì tôi sẽ lại quay sang viết tiểu thuyết…".
Mọi việc diễn ra không được như điều Fitzgerald mong ước. Cuốn tiểu thuyết tiếp theo của ông (Ban đêm êm đềm) cũng không khấy động được sự chú ý đáng kể của dư luận. Tiền nhuận bút của ông bị rớt giá tới hàng trăm lần so với thời điểm ông cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay.
Những năm cuối đời, Fitzgerald có ý định sống bằng nghề viết kịch bản phim, nhưng rồi, trong khi đang viết dở cuốn tiểu thuyết "Nhà đại tư bản cuối cùng" (nói về một nhà đại tư bản phất lên trong lĩnh vực điện ảnh), vào ngày 20-10-1940, một cơn đau tim đột ngột đã vĩnh viễn cướp đi sinh mạng của một trong những tài năng văn chương kiệt xuất nhất mà nước Mỹ có được trong nửa đầu thế kỷ XX. Khi ấy, Fitzgerald còn rất trẻ, mới 44 tuổi.
Sau cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II, Fitzgerald là một trong những nhà văn được độc giả Mỹ tìm đọc nhiều nhất. Nếu như trong lần xuất bản đầu tiên, tiểu thuyết "Gatsby vĩ đại" bị rơi vào sự hờ hững thì tới năm 1945, tác phẩm này được in lại và chỉ một thời gian sau đã được ấn hành với số lượng ấn bản rất lớn. Thật đúng như G.Stein tiên đoán: "Fitzgerald sẽ vẫn còn nhiều người đọc, khi mà nhiều người trong số các nhà văn nổi tiếng cùng thời với ông đã bị rơi vào quên lãng".
Từ nhiều năm nay, "Gatsby vĩ đại" đã được đưa vào giảng dạy tại nhiều trường Đại học ở Mỹ và được nhiều bậc thức giả nhận xét là một trong những tiểu thuyết hay nhất của nước Mỹ từ trước tới nay.
Theo Trần Đắc Danh - CAND.com.vn
|