Nhiều ví dụ về đồng tính trong nghệ thuật thị giác phương Tây, trải dài suốt lịch sử và thuộc mọi phong cách: từ hội họa Ai Cập cổ đại tới nghệ thuật trên độc bình Hy Lạp và La Mã cổ đại, cho tới nhiều nghệ sĩ thời Phục hưng được coi là đồng tính, như Leonardo Da Vinci, Michelangelo, Il Sodoma…
Và hình tượng tính dục này thể hiện rõ nét hơn trong những phong cách vào thế kỷ 16 và 17, đặc biệt với những nghệ sĩ như Bronzino, Saraceni, Caravaggio…, tác phẩm của họ có khi bị Giáo hội Công giáo chỉ trích nghiêm khắc. Cuối thế kỷ 19, có những tác phẩm đặc biệt của các họa sĩ như Aubrey Bearsley, Thomas Eakins… Và cuối cùng, thời hiện đại và đương đại với những họa sĩ như Paul Cadmus, Marcel Duchamp, Dali, Lucian Freud, Francis Bacon, Andy Warhol, David Hockney…
Kín đáo và mãnh liệt như Michelangelo
Hình mẫu về con người Phục hưng, điển hình là Michelangelo (1475-1564), tác phẩm của ông gây cho người đương thời - hoặc cả ngày nay - chiêm ngắm với cảm quan về vẻ hùng vĩ đáng kinh sợ. Tuy thế, trước tác phẩm đề cao vẻ đẹp nam tính hùng tráng của ông, người ta không thể không thấy những biểu hiện về ái tình được đặc trưng bằng thuyết tân Plato và đồng tính luyến ái một cách công khai, ông tin tưởng hết mình vào tính ưu việt của nam tính. Trong một bài sonnet, ông tuyên bố rằng loại tình yêu cao nhất không thể dành cho một người đàn bà, bởi đàn bà “không xứng với quả tim khôn ngoan và hùng dũng”. Đương thời, ông nổi tiếng về đồng tính, ông yêu say đắm nhiều thanh thiếu niên và hầu hết nhân vật trong tác phẩm của ông là nam giới, họ là những trai trẻ. Thậm chí ông thường dùng người mẫu nam để thay thế cho hình tượng nữ, gồm cả pho tượng nổi tiếng Đêm trên lăng mộ Medici. Những nỗi dày vò hoặc quy thuận trước tình yêu của ông có thể thấy trong bức tượng Chiến thắng đầy vẻ hoa tình, là một tiết lộ về lòng khát khao chịu khuất phục hoàn toàn của người nghệ sĩ: nhân vật đang đứng được tạo mẫu từ người tình của ông là chàng trai trẻ Cavalieri, còn hình tượng đang quỳ chính là Michelangelo già cả. Người ta cũng cho rằng gương mặt của Chúa Ki-tô, đấng phán xét trên vòm điện Sistine chính là Cavalieri, còn cánh tay đưa lên của ngài biểu hiện sự khước từ “người cầu hôn” ở phía dưới là Michelangelo. Vốn là người cực kỳ kín đáo, ông đã đốt mọi bản vẽ và giấy tờ trước khi chết.
Salvador Dali - đồng tính “siêu thực”
Cuộc đời của những nghệ sĩ đồng tính cũng được quan tâm đưa vào điện ảnh, ví dụ mới đây, đạo diễn Paul Morrison dựa trên nhiều nguồn tư liệu và tiểu sử đã cho ra cuốn phim gây tranh cãi Little Ashes (Những đống tro nhỏ - 2008), miêu tả quan hệ giữa họa sĩ Tây Ban Nha là Salvador Dali với nhà thơ Garcia Lorca. Khởi đầu với tình bạn rồi dần trở nên tình yêu đồng tính trong thời là sinh viên nội trú ở Madrid vào đầu những năm 1920, rồi dần dẫn tới quan hệ thể xác, nhưng Dali thấy khó có thể “chiều” theo Lorca đang yêu ông say đắm, vì “chuyện ấy” không hợp với ông, do vậy quan hệ của họ không thể trọn vẹn. Thay vào đó, Lorca ngủ với một người bạn nữ mà Dali gọi là sự hy sinh cuối cùng, còn Dali có mặt để nhìn ngó và việc này đã khởi đầu cho tính thị dâm của ông. Đây có thể là một bi kịch cho Dali, ông bị Lorca ám ảnh suốt phần đời còn lại và không ngừng nhắc tới Lorca - nhắc còn nhiều hơn cả tới người vợ ông là Gala. Và hình tượng của nhà thơ Lorca có mặt và ẩn hiện trong nhiều bức tranh của ông.
“Hiện sinh ” đồng tính
Họa sĩ Anh nổi tiếng của chủ nghĩa hiện sinh là Francis Bacon (1909-1992) với hình tượng táo bạo, khắc khổ, sinh động, sống sượng và đầy cảm xúc. Tác phẩm của ông vào những năm 1940 và 1950 được xem như một người chép biên niên sử ảm đạm về thân phận con người. Từ giữa thập niên 1960, Bacon vẽ hàng loạt chân dung bạn bè, trong đó, người tình đồng tính của ông là George Dyer hiện diện chủ yếu hơn bất cứ chân dung bạn bè nào trong thời kỳ này, và không thể tách khỏi những hình tượng trong tranh ông, nhiều bức là kiệt tác. Sau vụ tự sát của Dyer, nghệ thuật của Bacon trở nên riêng tư hơn, hướng nội, ưu tư về chủ đề cái chết. Bất chấp Thủ tướng Margaret Thatcher đã từng gọi Bacon là “kẻ vẽ những bức tranh tồi tệ”, khi còn sống, ông đã có hai cuộc triển lãm quan trọng tại Bảo tàng Tate. Năm 2008, bức Bộ ba (1976) bán đấu giá tại Sotheby’s với giá kỷ lục hơn 86 triệu USD và là giá cao nhất cho một tác phẩm thời hậu chiến.
Thậm chí những bức hình (19 x 19cm) chụp cảnh thân mật giữa Francis Bacon và George Dyer trên chuyến tàu tốc hành Đông phương đi Athens (Orient Express, 1965) của John Deakin (1912-1972) cũng đã được nhà đấu giá Christie’s bán với giá khởi điểm từ 10.000 đến 13.000USD.
Pop-art càng không xa lạ
Nhân vật chính của trào lưu pop-art là nghệ sĩ Hoa Kỳ Andy Warhol (1928-1987), một “gay icon” (biểu tượng đồng tính). Trong suốt sự nghiệp, Warhol đã sáng tác nhiều về nhiếp ảnh và vẽ khỏa thân nam. Nhiều tác phẩm và phim ảnh nổi tiếng của ông rút ra từ văn hóa ngầm của giới đồng tính và công khai thăm dò tính phức tạp của tính dục. Nhiều phim của Warhol trình chiếu đầu tiên nơi các rạp phim khiêu dâm dành cho giới đồng tính…
Con đường nghệ thuật của ông, tuy vậy, rất khó khăn để được chấp nhận, ngay cả với những nghệ sĩ đồng tính nổi tiếng như Jasper Johns và Robert Rauschenberg, họ cũng khó chịu vì thấy Warhol quá “bảnh bao”. Những tác phẩm đầu tiên của ông gửi cho gallery là những bức vẽ đồng tính khỏa thân nam đã bị từ chối vì quá công khai. Trở ngại ban đầu trên bước đường sự nghiệp nằm ngay trong tính dục của Warhol, nhưng lại cũng dẫn tới sự tiến hóa về phong cách pop của ông. Điều này có thể truy nguyên từ lý do những năm Warhol bị những nhóm nghệ thuật Vĩ thanh …
Những quan hệ đồng tính đã được ca ngợi cũng như bị kết án trong suốt lịch sử phương Tây đều phụ thuộc vào hình thái của chúng và tùy theo nền văn hóa nào. Quan điểm phân tâm học của Freud về đồng tính, gắn liền với những nghiên cứu về tính luyến ngã và phức cảm Oedipe, ông phát biểu: “Thay vì là vấn đề chỉ dành cho một thiểu số nam giới được coi là đồng tính, tình trạng đồng tính luyến ái là một phần hình thành thực sự trong tất cả mọi người nam với tư cách là những chủ thể và những diễn viên xã hội’”. Freud đã dành cả một tác phẩm để phân tích trường hợp của họa sĩ đồng tính Leonardo Da Vinci. Tương quan giữa đồng tính và nghệ thuật thị giác, ít ra kể từ thời đại của Leonardo và Michelangelo, đã góp phần đặc sắc tạo hình nền văn hóa phương Tây trong nghệ thuật. Và nghệ thuật của “giới tính thứ ba” này được thoát thai từ niềm đam mê đồng luyến ái và hướng tới cái đẹp làm cứu cánh.
Theo Triệu Nhan – TT&VH
|