Trước đây, những phim giành giải Oscar thường mang tính nghệ thuật, học thuật cao, do đó khi được chiếu rộng rãi ngoài rạp, số đông công chúng thấy khó gần gũi, và vì thế số tiền thu được từ bán vé không cao, nếu không nói là chẳng đáng bao nhiêu so với dòng phim thương mại. Chỉ 1 - 2 năm trở lại đây, ngoại lệ mới xảy ra với các phim thành công ở đấu trường Oscar như The King’s speech (Diễn văn của Đức vua), Black swan (Thiên nga đen) hay The Fighter (Đấu sỹ) mới bắt đầu được khán giả chú ý nhờ cách kể chuyện, câu chuyện gần gũi với đời sống hơn, và doanh thu phòng vé của những phim này cũng tăng cao.
Là giải thưởng song song với Oscar, Quả cầu Vàng của Hiệp hội Báo chí nước ngoài của Hollywood luôn cố gắng để có sự thay đổi, sao cho gần gũi với công chúng hơn, và để tỏ ra riêng biệt đối với Oscar, tránh né tất cả so sánh về sự tương đồng với giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm. Phần lớn các phim hưởng lợi nhờ cú hích Quả cầu Vàng lại có doanh thu cao từ thị trường riêng biệt, đặc biệt là dòng phim hài hay phim ca nhạc, vốn không mấy khi có cửa ở những giải thưởng điện ảnh hàn lâm khác. Năm ngoái, bộ phim Barney’s Version (Phiên bản của Barney) của hãng Sony Pictures Classic, vốn giành giải diễn xuất cho nam diễn viên chính Paul Giamatti, đã gặt hái đáng kể tại các rạp chiếu chỉ vài tuần ngay sau khi lễ trao giải Quả cầu Vàng. Phim vượt mức 7,5 triệu USD ở khu vực Bắc Mỹ và sau đó chiếu rộng ra khoảng vài trăm rạp cho tới tận khoảng thời gian diễn ra Oscar. Thành công ngoài phòng vé của phim tiếp tục kéo dài bất chấp việc bộ phim chỉ được 1 đề cử Oscar cho hóa trang xuất sắc.
Bộ phim Crazy Heart (Trái tim điên rồ) của hãng Fox Searchlight hồi năm 2009 cũng có cú đột phá ngoài rạp sau khi giành 2 giải Quả cầu Vàng, một cho Jeff Bridges với giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, và một cho bài hát trong phim hay nhất. Có tới 46 địa phương đăng ký nhận bản phim về chiếu tại rạp, và ngay trong kỳ nghỉ cuối tuần đầu tiên sau lễ trao giải, số vé bán ra tăng tới 109%, và phim thu về hơn 1 triệu USD ngay trong 3 ngày nghỉ cuối tuần. Hết kỳ công chiếu, phim thu về hơn 39 triệu USD ở khu vực Bắc Mỹ, và đây cũng là thành công tiền đề để Crazy Heart giành tiếp 2 tượng vàng Oscar, vẫn cho Jeff Bridges và bài hát trong phim.
Cũng trong năm 2009, bộ phim Precious đã có cú hích đáng kể sau khi Mo’Nique giành giải Quả cầu Vàng Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Phim công chiếu ngoài rạp khoảng hơn 1 tháng trước lễ trao giải Quả cầu Vàng, doanh thu gần 40 triệu USD. Sau đó hãng Lionsgate quyết định tiếp tục khai thác thành công của Mo’Nique khi kéo dài thời gian chiếu và mở rộng số rạp chiếu. Bộ phim thu về tổng cộng khoảng 47,6 triệu USD.
Và cái hay là thành công ngoài rạp không phân biệt các nhà làm phim độc lập hay các hãng lớn. Paramount đánh dấu 2010 là năm thành công của họ với The Fighter khi phim được đông đảo công chúng quan tâm, sau khi trở thành một trong những ứng viên sáng giá của Quả cầu Vàng. Bộ phim được chiếu rộng rãi tại hơn 2.000 rạp, từ ngày 17.12, chỉ 3 ngày trước khi phim nhận được 6 đề cử, trong đó có đề cử cho Phim chính kịch hay nhất. Kết quả là, The Fighter bán được tới hơn 12 triệu USD tiền vé ngay trong kỳ nghỉ cuối tuần đó, mặc dù thời gian này phim phải cạnh tranh với hai đối thủ khá nặng ký ngoài rạp là Tron: Legacy và Yogi Bear.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Quả cầu Vàng cũng là lá bùa hữu hiệu cho kinh doanh phòng vé, nhất là trong trường hợp bộ phim đã phát hành các bản video hay DVD gia đình. The Social Network (Mạng xã hội) của hãng Sony và The Kids Are All Right (Trẻ em luôn đúng) của Focus Feature là thí dụ điển hình. Ngay trong tuần trước khi đề cử giải Quả cầu vàng được công bố, cả hai phim này đều tung bản DVD và bán hết nhẵn. The Social Network bán được tới hơn 97 triệu USD, nhưng bị giảm đáng kể số suất chiếu ở các rạp sau đó. Còn The Kids Are All Right do đã công chiếu từ hồi tháng 7 và đóng rạp vào giữa tháng 10, cho nên không còn cơ hội làm bùng nổ rạp chiếu một lần nữa. Tiền bán DVD của phim này khoảng 20 triệu USD. Đáng nói thêm là cả hai phim đều rất thành công tại giải Quả cầu Vàng: The Social Network được 6 đề cử, giành 4 giải, còn The Kids Are All Right được 4 đề cử, giành 2 giải.
Các hãng phim lớn cũng như các nhà sản xuất phim độc lập đang hồi hộp chờ danh sách đề cử Quả cầu Vàng 2012, công bố ngày 15.12, để xem tiền có chảy vào túi như năm trước không.
Theo Đông Quỳnh - NDBND
|