Văn nghệ thế giới
Một Oscar hoài niệm và thức tỉnh
13:54 | 24/02/2012

Sắc màu hoài niệm phủ tràn lên mùa giải Oscar 2012, trong bối cảnh Hollywood vừa trải qua một năm mà nhu cầu tái tạo những giá trị trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết

Một Oscar hoài niệm và thức tỉnh
Cảnh trong phim Hugo. Ảnh:

Lượng vé bán ra của các phim do Hollywood sản xuất đạt mức thấp nhất trong 16 năm trở lại đây tại khu vực Bắc Mỹ. Chỉ vài bộ phim như Bridesmaids, The Help nhận được cả sự tán dương của giới phê bình lẫn khán giả. Nhiều “mỏ vàng” như Harry Potter, Twilight, Batman… đã và đang đi đến điểm kết thúc, trong lúc triển vọng của những cái tên thay thế như Hunger Games, John Carter, The Hobbits còn rất mờ mịt. Trong bối cảnh như vậy, để dọn ra “mâm cỗ” Oscar, viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ với gần 6.000 thành viên đã quyết định bỏ phiếu cho những bộ phim nhuốm đầy màu sắc hoài niệm và thức tỉnh. Không khó để nhận ra điều này, khi nhìn vào hai ứng viên sáng giá nhất cho giải Oscar phim xuất sắc nhất, đó là phim câm đen trắng của điện ảnh Pháp The Artist (Nghệ sĩ) và phim 3D Hugo. Cả hai đều là nỗi hoài nhớ thuở ban đầu của điện ảnh và Hollywood.
 

Với 11 đề cử, nhiều nhất trong số các phim tranh giải, Hugo là bản tụng ca tinh tế và thơ mộng mà đạo diễn gạo cội Martin Scorsese dành cho nhà làm phim tiên phong kiêm ảo thuật gia Georges Méliès, người đã nhìn thấy tiềm năng dùng phim ảnh như một công cụ kể chuyện. Những nhà làm phim đương đại hẳn phải giật mình thức tỉnh với thông điệp mà bộ phim gửi gắm: hơn bất cứ nghệ thuật nào, điện ảnh có sức mạnh chộp bắt được cả giấc mơ lẫn hiện thực cuộc sống bằng hình ảnh. Những bộ phim đầu tiên của Georges Méliès chính là những gì ông hằng mơ thấy, từ chuyện bắn hoả tiễn lên sao Hoả, phiêu lưu trong thế giới của những con quái vật… mà phim ảnh ngày nay chưa bao giờ ngừng khai thác. Martin Scorsese quả thật ý nhị khi chọn cách kể lại câu chuyện quá khứ kỳ diệu này bằng công nghệ 3D hiện đại.
 

Màu sắc hoài niệm còn được nhìn thấy ở Midnight in Paris của đạo diễn nổi tiếng Woody Allen, được đề cử Oscar Phim xuất sắc nhất. Dài chưa tới 90 phút, bộ phim do ông viết kịch bản đủ sức đưa người xem trở thành những hành khách vinh dự trong chuyến du hành ngược thời gian, lần về diễn trình văn hoá – nghệ thuật hàng trăm năm của Paris. Riêng bậc thầy Steven Spielberg trở lại với hạng mục giải cao nhất này bằng bộ phim đưa người xem trở về với thời gian thế chiến thứ nhất, có tựa War horse (Chiến mã), câu chuyện về hành trình vượt qua chiến tranh bằng sức mạnh tình bạn đầy cảm động giữa chàng thanh niên và một con ngựa. Cách làm phim theo lối sử thi, cổ điển của ông vẫn đủ sức cuốn hút người xem giữa thời các đạo diễn mải mê với thể loại “bom tấn” tràn ngập kỹ xảo.
 

                                                                                                   Theo Kiến Minh - SGTT

 

Các bài mới
Các bài đã đăng