SỐ ĐẶC BIỆT
Ca Huế trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam
15:53 | 07/04/2012

TÔ NGỌC THANH
Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam

(Tham luận tham gia Hội thảo "Vai trò của văn học nghệ thuật Huế trong dòng chảy văn hóa Huế - nhìn lại và phát triển")

Ca Huế trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam

Đã có nhiều tác giả viết hay phát biểu về Ca Huế. Ý kiến của các vị này khá đa dạng, ít nhất cũng cho chúng ta những phác thảo về nguồn gốc, về đặc trưng thể loại, về đặc điểm của lời ca và âm nhạc. Ngoài ra, các tác giả còn dự cảm về một mối giao lưu văn hóa Việt-Chăm nằm ở đâu đó trong âm hưởng của Ca Huế. Chưa thật thỏa mãn với những lý giải đó, chúng ta vẫn còn chờ đợi những nghiên cứu sâu hơn về Ca Huế. Chẳng hạn như Ca Huế có bao nhiêu bài bản “đích thực” là Ca Huế? Những bài Hò như Mái Nhì, Mái Đẩy đậm chất tâm hồn Huế có chính thức là bài ruột của Ca Huế không?... Đây là những câu hỏi còn bỏ ngỏ, mong các nhà nghiên cứu, chủ yếu là các nhà nghiên cứu xứ Huế, trả lời giúp. Ở đây tôi xin phép đặt ra một vấn đề khác, liên quan đến vị trí của Ca Huế trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, cả trong quá khứ lẫn trong đương đại.

Nước ta có 54 tộc người. Trước CM ThángTám/1945, trong nền văn hóa của 54 tộc người đó, âm nhạc chuyên nghiệp chỉ có ở tộc người Việt. Tộc người Chăm có âm nhạc tôn giáo cho rất nhiều lễ và hội hằng năm. Người Khơ Me Nam Bộ có dàn nhạc ngũ âm đặc sắc. Tuy nhiên, những nhân tố “chuyên nghiệp” của các dân tộc này chưa giúp hình thành nên “thành phần chuyên nghiệp”trong nền âm nhạc tộc người vốn chủ yếu bao gồm dầy đặc những thể loại âm nhạc dân gian. Trong bất cứ nền âm nhạc tộc người hay dân tộc nào, sự xuất hiện thành phần âm nhạc chuyên nghiệp có ý nghĩa quyết định đến trình độ phát triển nhiều mặt của nền âm nhạc đó. Thông thường, trong mỗi nền âm nhạc đều có mối quan hệ “nhân quả” giữa hai thành phần âm nhạc dân gian và âm nhạc chuyên nghiệp, theo đó, âm nhạc dân gian là nền tảng trên cơ sở đó phát sinh và phát triển âm nhạc chuyên nghiệp. Đến lượt mình, âm nhạc chuyên nghiệp lại đóng góp vào việc trau chuốt, nâng cao giá trị mọi mặt của âm nhạc dân gian, đưa nền âm nhạc tộc người hoặc dân tộc từng bước phát triển cao hơn.

Trong khuôn khổ âm nhạc tộc người Việt, thành phần âm nhạc chuyên nghiệp phát triển khá đồng bộ. Chúng ta có âm nhạc cung đình mà Nhã Nhạc là một biểu hiện còn lưu truyền đến ngày nay. Chúng ta có các loại hình âm nhạc thính phòng như Ca Trù (chủ yếu ở miền Bắc), Ca Huế (Ở Huế và Bình Trị Thiên) và Đờn ca tài tử Nam Bộ. Tuy nhiên, cần nói ngay, rằng gọi là âm nhạc chuyên nghiệp là căn cứ vào trình độ phát triển của âm nhạc và lời ca, vào những đòi hỏi trong quy phạm đào tạo, chức năng và đối tượng phục vụ vv.., nhưng những thể loại này lại được sáng tạo, biểu diễn và truyền dạy theo cơ chế âm nhạc dân gian như không có tác giả, như đào tạo thông qua truyền miệng, truyền nghề trong khuôn khổ phường hội hoặc cha truyền con nối. Hãn hữu, có thể có bài bản nào đó người ta còn nhớ tên tác giả, nhưng sáng tác của họ cũng được/bị nhân dân chiếm hữu, tự do bồi đắp bằng những sáng tạo của các cá thể trong cộng đồng theo cơ chế của “lòng bản và bài bản” như trường hợp bài “Dạ cổ hoài lang” của cụ Cao Văn Lầu, hay các bài Quan Họ của cụ Sôi, cụ Tâm, bài “Inh lả ơi” của cụ Điêu Chính Ngâu (người Thái Tây Bắc). Tạm thời, có thể gọi những bài hay thể loại này bằng một cái tên “trung tính” và hơi dài là “âm nhạc chuyên nghiệp tồn tại trong cơ chế âm nhạc dân gian”. Với tên gọi này “may ra” chúng ta mới không lúng túng về việc xác định thành phần cho những giá trị âm nhạc cổ truyền. Với tên gọi này, chúng ta có thể xếp các loại âm nhạc cung đình, âm nhạc thính phòng, âm nhạc tế lễ hội hè, âm nhạc của các tôn giáo, thậm chí cả loại âm nhạc giao duyên như Quan Họ, từ đó nhận diện chính xác hơn về khuôn mặt của âm nhạc dân tộc cổ truyền.

Cũng trong khuôn khổ âm nhạc tộc người Việt, cần nói đến vai trò của âm nhạc cổ truyền Huế (và trong một chừng mực nào đó cả âm nhạc Bình Trị Thiên), đặc biệt là của thành phần âm nhạc chuyên nghiệp Nhã Nhạc và Ca Huế.

Trước hết, như mọi người đều biết, khởi đầu Ca Huế là âm nhạc thính phòng của các vị hoàng thân quốc thích hòa tấu nhạc cụ chủ yếu là các bài trong Tiểu nhạc của Nhã Nhạc. Về sau cũng những bài đó lại được đặt lời để hát (1) (Trong cuốn sách dẫn ra ở đây có giới thiệu 10 bản ngự và các bài Nam Ai, Nam Bình, Tứ đại cảnh, Phú lục, Cổ bản). Như vậy, Ca Huế có nguồn gốc là một bộ phận của âm nhạc cung đình. Các tác giả đã viết về Ca Huế đều nhấn mạnh đến “bản sắc Huế”, từ đặc điểm ngôn ngữ đến dòng giai điệu man mác, từ hệ âm “chênh chênh” đến nhịp đặc trưng qua nhát bổ của song lang vv. Có lẽ có thể nói rằng Ca Huế là thể loại âm nhạc chứa chất và thể hiện được nhiều nhất “điệu tâm hồn” con người đất cố đô.

Từ Nhã Nhạc và cả Ca Huế nữa, theo chân các vị quan nhạc, vốn âm nhạc chuyên nghiệp Huế đã thâm nhập cộng đồng cư dân Việt ở Nam bộ để tỏa sáng, để phát triển thành cả một dòng nhạc thính phòng mới giàu có về bài bản, đa dạng về sắc thái, tươi tắn về cảm xúc là Đờn ca tài tử Nam bộ. Theo tôi được biết, có thể nhạc thính phòng Huế còn là một trong những nguồn để hình thành nhạc Bát âm miền Bắc mà người đại diện cuối cùng là Nhạc sư Vũ Tuấn Đức(2).

Như vậy, nếu không kể đến Ca Trù, một loại nhạc thính phòng miền Bắc thì âm nhạc cung đình nói chung và Ca Huế nói riêng đã là nguồn cội của âm nhạc thính phòng Nam bộ – Đờn ca tài tử – và cả miền Bắc – Dàn nhạc Bát âm. Với vai trò như thế, Ca Huế có một vị trí quan trọng trong quá trình phát triển của nền âm nhạc cổ truyền của người Việt.

Trong những năm qua, âm nhạc thính phòng miền Bắc là Ca Trù đã được đệ trình và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Âm nhạc thính phòng miền Nam là Đờn ca tài tử cũng đã hoàn tất hồ sơ và đang nằm trong danh mục xem xét của UNESCO trong năm 2013. Vậy, liệu chúng ta có cần phải nghĩ đến số phận của Ca Huế – một thể loại âm nhạc thính phòng của cố đô và Bình Trị Thiên không? Đây không phải là hội chứng của phong trào tìm “thương hiệu” cho tỉnh thành mình. Theo tôi, việc đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa Ca Huế vào danh mục các di sản đệ trình UNESCO là hoàn toàn xứng đáng với những gì nhân dân Huế và Ca Huế đã đóng góp cho sự phát triển của nền âm nhạc cổ truyền người Việt.

Cố nhiên, về phần mình, chúng ta cũng cần có những nghiên cứu về sự biến đổi của Ca Huế ít nhất là trong một thế kỷ qua. Chẳng hạn có, hay không sự tích hợp các bài bản dân ca rất đặc trưng Huế như Hò Mái Nhì, Hò Mái Đẩy, các loại Lý, thậm chí cả bài ca lao động như Hò Gĩa gạo hay bài Hầu Bóng mà ta thường thấy trong chương trình được gọi là Ca Huế trên các thuyền du lịch?

Tôi chưa có được một hiểu biết sâu về văn hóa Huế nói chung và Ca Huế nói riêng nên có thể có những ý tưởng chưa được chín chắn. Kính mong được quý vị lượng thứ.

Hà Nội, Tháng Hai, 2012
T.N.T
(SDB4-12)


.......................................
1 - Trần Hữu Pháp: “Nhạc cổ truyền Huế”. Nxb Thuận Hóa. Huế.1996
2 - Năm 1960, tôi còn được theo học nhạc sư đàn thập lục. Thầy dạy tôi những bài bản của Tiểu nhạc, đánh theo phong cách Huế và bảo, nhạc Bát âm là từ “trong ấy” truyền ra.









 

Các bài mới
Các bài đã đăng