SỐ ĐẶC BIỆT
Qua đò Thừa Phủ ngày xưa
16:00 | 12/04/2012

BÙI KIM CHI

Xôn xao, rạo rực, nước mắt hoen mi. Đó là tâm trạng của nàng trong lần đầu tiên trở về thăm Huế trên chiếc xích lô chở nàng từ Ga về Thành Nội. Không hiểu ma lực nào mà Huế dễ dàng thu hút khách ly hương trở về và nàng là một trong những vị khách đó.

Qua đò Thừa Phủ ngày xưa

Một người rất sợ, không dám nhìn và sống lại với quá khứ. Nhưng nàng đã thua. Không hiểu nổi. Nôn nao. Say đắm nhìn. Say đắm ngắm. Nhạc lòng, nhạc gió hát khúc yêu thương. Một cảm xúc rất thật, sống động đang ve vuốt nàng. Nàng bồi hồi, e dè, ngại ngùng, đôi mắt ngơ ngác rất đỗi dễ thương như sự biểu lộ tình cảm đằm thắm của một người tình được gặp lại một người tình. Nói có quá đáng không nhưng thật tình tâm hồn, cảm xúc của nàng lúc này là như thế …

Con đường dài hun hút có hàng cây xanh thật gần với cành lá đan xen màu ngọc bích, một thời làm nền cho đàn hạc trắng tung bay trong giờ tan học đang âm thầm theo bước chân nàng đến điểm hẹn. Ngôi trường màu hồng duyên dáng bên bờ sông Hương hiện ra. Một cõi thơ của thời cắp sách. Nàng mơ màng nhìn trường xưa lòng rộn rã. Rồi như có tiếng của ai đó đang gọi nàng. Vội vàng nàng men theo con đường đất nhỏ sát bờ sông rảo bước đến bến đò Thừa Phủ. Ngậm ngùi. Ôi, bến cũ, đò xưa còn người xưa nơi đâu, nơi đâu?

Thừa Phủ, cái tên nghe là lạ, lấy từ tên của dinh Thừa Thiên Phủ Doãn ghép lại, một cơ quan đầu tỉnh Thừa Thiên nằm trước bến đò ở bờ nam sông Hương. Đây là bến đò nên thơ và lãng mạn của Huế, theo nàng. Có cây đa cổ thụ, có bến đợi và nhất là có hình ảnh chiếc nón lá, chiếc áo dài trắng, tóc xỏa ngang vai của nữ sinh Đồng Khánh cùng vóc dáng thanh cao, thư sinh của các anh Quốc Học. Học trò Đồng Khánh, Quốc Học không thể nào quên bến đò Thừa Phủ với những sáng, những trưa, những chiều theo đò sang sông mà lòng rộn rã. Nàng nhớ, đến năm 1973 thì bến đò không còn tấp nập khách học trò như trước đây nữa vì Huế đã có cầu Mới. Ôi, tiếc thay! Một thuở học trò trên bến đò Thừa Phủ. Nàng say sưa nhìn dòng Hương lặng lẽ trôi. Êm đềm. Quyến rũ. Gió chuyển mình mang hương thơm nhè nhẹ của cây lá xôn xao chuẩn bị vào mùa. Trời như thấp xuống. Nắng nhạt dần, nhạt dần … Lặng người giữa trời, mây, nước bao la lòng nàng bồi hồi nhớ về ngày ấy thấp thoáng những chuyến đò chiều chở các nàng Đồng Khánh qua sông …

Tan trường.

… Một chuyến đò rời bến đưa các nàng áo trắng sang sông. Trời chiều man mác. Hoàng hôn sắp đổ xuống với sắc vàng, hồng pha tím rải khắp trời. Con đò lướt nước dịu dàng, êm ả. Sóng lăn tăn đẩy nhẹ những nhánh rong non dập dìu trên sóng nước không biết trôi về đâu, về đâu … Trên đò, dáng các nàng Đồng Khánh ngồi thật đẹp. Áo dài vén khéo, một tay cầm nón giữ chặt cùng chiếc cặp xinh xinh, một tay giữ lấy thành đò. Tóc mây vương gió chiều mềm mại tung bay che nửa khuôn mặt dễ thương, khả ái. Có chỉ thế thôi nhưng trông các nàng Đồng Khánh sao mà nền nã, đằm thắm và đáng yêu quá. “Chị Gái ơi, cho em chèo một chút”. Giọng nói hiền lành, nhỏ nhẹ nghe như tiếng chim hót cô nàng được chị lái đò cho cầm mái chèo phụ. Gió hiu hiu thổi, nón đổ sau đầu theo chiều gió, hai tay chèo khoan thai, nhịp nhàng cùng tà áo trắng nhẹ bay dập dìu như hai cánh bướm. Ơi, cô lái đò Đồng Khánh, trông cô cũng điệu nghệ vô cùng. Mọi cặp mắt đều hướng vế phía nàng. Nàng cảm thấy vui vui và “oai oai” vì được chị Gái cho cầm mái chèo. “Không phải ai cũng được chị Gái cho cầm mái chèo mô nghe”. Cô lái đò học trò mỉm cười, nụ cười rất duyên.

… Một chuyến đò nữa vừa cập bến. Khách trên đò chưa kịp xuống thì ôi thôi! các nàng Đồng Khánh, các chàng Quốc Học tranh nhau lên đò. Chuyến đò này có cả các anh Quốc Học (Trường Quốc Học bãi học sau Đồng Khánh mười lăm phút). Thế là áo dài, quần tây ; xanh xanh, trắng trắng lẫn lộn giành nhau lên đò. Không ai “dị”, không ai “trẻn” chi cả. Xô qua, đẩy lại. Mạnh ai nấy lên. Bác lái đò hiền lành: “Ui cha, từ từ thôi rồi ai cũng được lên đò. Răng mà giành nhau dữ rứa! Từ từ thôi cả chao đò”. Bác nói thì cứ nói, học trò thì vẫn cứ tranh nhau lên đò. Lời nhắc nhở dễ thương của bác lái đò theo gió chiều man mác thổi về nơi ấy … một nơi nào đó vô định… Bác lái đò buồn bã lắc đầu. Rồi đò rời bến. Ai nấy hoàn hồn. Bây giờ con trai, con gái bắt đầu “trẻn”, bắt đầu “dị”. Đồng Khánh kéo nón che mặt, Quốc Học quay lưng làm lơ. “Xem như tụi mình không quen biết nhau”.

… Lại một chuyến đò nữa. Khách học trò đã đầy nhưng đò vẫn neo bến đậu không chịu rời. Trên đò, Đồng Khánh, Quốc Học kẻ ngồi, người đứng ; tất cả im lặng. “Đò đầy quá không chèo được. Lên bớt đi chuyến sau”. Đồng Khánh làm thinh, Quốc Học e dè đưa mắt thăm dò nhưng rồi cũng ngồi yên. Giọng nói sang sảng của chị lái đò réo gọi hai ba lần. Mọi người trên đò đều nghe, nghe thật rõ nhưng … không ai nghe. “Lì dễ sợ”. Tiếng chị lái đò chì chiết. Thế là đò bị giam. Không gian trầm lắng. Quốc Học nhìn qua. Đồng Khánh ngó lại. Tất cả ngồi im re. Chị Gái buông mái chèo ngồi xuống mạn đò lấy nón quạt. Trời chiều mát mẻ, gió sông Hương lành lạnh nhưng chị lái đò vẫn ngồi quạt. Chị quạt càng lúc càng mạnh. “Chị lái đò thi gan cùng tuế nguyệt là đám học trò”. Nàng thầm thì. Cười trong gió. Nắng chiều đã tắt. Màu khói hương trùm xuống mặt sông. Bến đò chiều man mác buồn. Chuyến đò áo trắng vẫn còn neo bến. Gương mặt thản nhiên kèm một chút làm đày, chị lái đò không chịu thua đám học trò. Thời gian chậm trôi, không gian lắng đọng … Một anh Quốc Học, một anh Quốc Học nữa rồi một anh nữa rời đò … Các anh rời đò vì tranh không lại các nàng Đồng Khánh hay là ý tứ nhường chỗ cho các nàng vì trời sắp tối. “Sợ em đi học về trễ mạ em la”. Chỉ có các anh ấy biết. Đồng Khánh trong lòng cám ơn rối rít. Chuyến đó thứ ba đưa các nàng Đồng Khánh sang sông. Còn một chuyến nữa! Nàng reo lên. Mắt rưng rưng.

Chuyến đò cuối.

Với nàng, đó là hình ảnh không phai với một cặp tình nhân học trò trong sáng, dễ thương trên chuyến đò cuối cùng trong ngày ở bến đò Thừa Phủ, cách đây 45 năm. Cô gái có đôi mắt đen rất đẹp, long lanh dưới hàng mi cong vừa mang nét buồn vừa có nét vui, vừa tinh nghịch lại vừa đằm thắm. Một cặp mắt thật lạ đã thu hút mọi người trên đò, trong số đó có nàng. Anh con trai cao ráo, khôi ngô, có dáng vẻ đàn ông. Hai người là một cặp đôi đẹp dưới mắt nàng - một cô học trò mười sáu tuổi. Ngày ấy, nàng có cảm tình với cô gái để rồi vài lần nàng đã cố tình chần chờ về chuyến đò cuối cùng “hai người ấy”. Trên đò chỉ còn vài khách và năm ba học trò về muộn. Nàng vẫn thường kín đáo len lén nhìn cô gái có đôi mắt đẹp với một chút ngưỡng mộ. Bên cạnh cô gái là anh Quốc Học từ tốn, hiền lành nhưng có vẻ “che chở” được cho cô bạn gái. Lên đò bao giờ cũng thế, cả hai cùng ngồi xuống, tay vắt ngang thành đò đưa xuống khoác dòng nước mát lạnh. Tay anh, tay em đan nhau đùa nghịch trong nước nhẹ nhàng, kín đáo. Hoàng hôn. Sông mặc áo màu lam huyền trầm mặc. Trên sông, vài chiếc đò dọc trở về sau một ngày dài rong ruỗi. Mái chèo khua sóng nước vội vàng, xôn xao. Chuyến đò học trò cuối cùng cập bến. Hai người trao cho nhau cuốn sổ nhỏ. Thế là lên bờ. Chia tay. Anh vào Cửa Ngăn, chị về Thượng Tứ… Chỉ thế thôi. Dễ thương - âm thầm - lặng lẽ. Hai bóng người thấp thoáng dưới ánh đèn đường. Sau lưng họ là nàng, đang trầm ngâm dõi mắt nhìn theo.

… Chiếc áo màu lam huyền ngày xưa đang trùm lên người nàng. Nàng chới với giữa dòng Hương mát lạnh cố ngoi đầu lên đưa bàn tay nhỏ bé mong chạm cho được những bậc cấp của bến đò Thừa Phủ. Nàng khóc. Sợ “quá khứ” nhưng vẫn cứ phải “nhìn lại” và “sống cùng”. Sợ “nơi về” nhưng vẫn cứ phải “trở về”. Bởi “quá khứ” vẫn đẹp và “nơi về” thì quá ấm áp, thân thương. Nhưng có một điều chắc chắn rằng khi nghĩ về và sống lại thì nàng không khỏi chạnh lòng thương cảm và điều đó đã làm nàng “sợ”…

Màn đêm buông xuống. Hương Giang mặc áo nhung đen yên ả, trầm lắng từ từ buông suối tóc dài óng mượt, duyên dáng, gợi cảm cuộn hồn người. Ngậm ngùi nàng nhìn nàng trên sông từ chuyến đò áo trắng năm xưa rồi bỗng giật mình: con bé tranh đò năm xưa nay đã trên lục tuần.

B.K.C
(SDB4-12)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng