“Thuyền đủng đỉnh" phải là con đò Huế, “yểu điệu chèo“ phải là cô gái sông Hương. Nhưng Nam Trân Nguyễn học Sỹ, 1907-1967 là “học trò trong Quảng ra thi ; thấy cô gái Huế chân đi không đành“, chứ không phải là người Huế. Giới thiệu Nam Trân, Hoài Thanh đã nhận xét: “tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân“ nhưng tác giả Thi Nhân Việt Nam (1942) lại có nhận xét: “Huế đẹp, Huế nên thơ. Ai chẳng nói thế? Ai chẳng thấy thế? Nhưng sao hình ảnh Huế trong thi ca lại tầm thường thế? có lẽ cảnh Huế quá huyền diệu, quá mơ màng không biết tả thế nào cho thoát sáo “. Nói thế là khe khắt vì thơ về Huế đã và đang có nhiều bài hay, nổi tiếng như bài Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử (1912-1940) người Quảng Bình: Sao anh không về chơi thôn Vỹ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên Vườn ai mướt quá xanh như ngọc Lá trúc che ngang mặt chữ điền Cảnh Huế đã gây rung động nhiều lòng người phương xa ghé lại, làm quan, đi học hay du lịch. Nguyễn Du đã làm quan kinh sư, có người cho rằng không gian Phú Xuân đã góp âm hưởng vào truyện Kiều. Điều này không chắc, nhưng Nguyễn Du đã làm nhiều thơ về Huế, như bài Thu Chí (1805): Hương Giang nhất phiến nguyệt Kim cổ chứa đa sầu dịch : Sông Hương trăng một vầng Kim cổ sầu mang mang Thơ Huế của Nguyễn Du chủ yếu nói lên tâm sự bất đắc chí và hoài cổ, chứ không chủ tâm tả cảnh núi Ngự sông Hương. Thơ Cao Bá Quát cũng vậy. Nổi tiểng nhất là câu thơ tả sông Hương (1809): Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền Trường giang như kiếm lập thanh thiên dịch : Ruộng biếc núi vòng như chạy quanh Sông dài như kiếm dựng trời xanh Toàn bài tám câu mang tâm trạng nhớ nhà. Bài tứ tuyệt Hương Giang tạp vịnh tả cảnh thành phố, nhưng chủ yếu là để nói lên chí khí ; và hay nhất ở hai câu sau: Nhất đái duyên giang giáp đệ hùng Ngũ quân khai phủ chiếu tây đông Vinh khô tứ thập dư niên sự Chỉ hữu hà hoa tự cựu hồng. dịch : - Gác tía lầu son lóa mé sông Này dinh này phủ ngất tây đông Bốn mươi năm ấy nào vinh nhục Mà đoá sen xưa vẫn đỏ hồng - Dọc sông dãy dãy lâu đài, Này đồn, này phủ, đông tây đối đầu. Bốn mươi năm, những bể dâu Màu sen năm cũ vẫn màu hồng xưa Hơn trăm năm sau, nhà nho Phan Bội Châu có bài phú vịnh phong cảnh Huế (1926) với câu thơ nổi tiếng về con sông Hương “Hương ơi, e phải mày không – Sông ấy hoá ra mình có “. Nội dung bài phú dài diễn tả niềm đau đớn của người dân mất nước chứ không phải để tả phong cảnh cố đô, nơi Phan Bội Châu, ông già Bến Ngự, bị giam lỏng.
Thời kỳ Phan Bội Châu bị quản thúc ở Huế cũng là thịnh thời của thơ mới. Hai nhà thơ mới chịu nhiều ảnh hưởng Huế vì ăn học tại cố đô là Xuân Diệu và Huy Cận. Xuân Diệu (1917-1985) chỉ học ở Huế một năm, năm cuối bậc trung học (1936-1937) nhưng đúng vào thời anh hoa phát tiết, năm 1936 bắt đầu có thơ đăng báo và trái tim non trẻ đã rung động sâu xa trong tiềm năng sáng tạo, qua tập Thơ Thơ (1938). Huy Cận, 1919-2005, bạn thân của Xuân Diệu, thời đó ăn học ở Huế, đã kể lại: “Xuân Diệu gặp Huế là gặp người và cảnh đồng điệu. Anh rất mê ca nhạc Huế và anh biết hát, hát khá hay, hầu hết các bài ca Huế, từ Nam ai, Nam bằng, tứ đại cảnh đến phú lục, lưu thủy, kim tiền, bình bán, phẩm tiết... đến các điệu hò mái nhì, mái đẩy (...). Việc anh thuộc ca nhạc Huế có ảnh hưởng tốt cho sự phát triển của thơ anh, chính anh cũng nhận rõ thế “. (Bài thơ Thôn Vĩ, Huế,1987, tr. 53), Tại hội nghị Văn Nghệ bộ đội, ngày 13/4/1949, Xuân Diệu trổ tài: “Xuân Diệu hò Huế, Xuân Diệu vuốt một câu ca dao như ta nâng một dải lụa... Những tiếng reo hò ở dưới: nữa, hò nữa! xen vào những tràng pháo tay... “ (Nguyễn Huy Tưởng kể lại, báo Văn Nghệ, Việt Bắc, số 11-12 tháng 4/5/1949). Bài Nguyệt Cầm của Xuân Diệu là hồi âm những giai điệu hồi quang của ánh sáng Huế lung linh trong thơ: Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần! Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh Linh lung bóng sáng bỗng rung mình Vì nghe nương tử trong câu hát Đã chết đêm rằm theo nước xanh. Người ta thường ngân nga thơ Xuân Diệu mà quên rằng văn xuôi Xuân Diệu cũng xuất sắc như tập Phấn thông Vàng với một số bài viết tại Huế, như đoạn tả cảnh Nam Giao: “Chiều lên dần. Tôi càng đi, trời càng tối. Con đường Nam Giao thẳng mà không bằng, tôi khởi đi trong ánh sáng và tôi tới dần trong bóng tối, tựa hồ bên thành phố Huế là ngày, bên đàn Nam Giao là đêm... Vâng, chiều lên dần; chiều không xuống...“ (Thương vay, tặng Huy Cận, Phấn Thông Vàng, 1939). Xuân Diệu quê nội Nghệ An, quê ngoại Bình Định, “cha đàng ngoài mẹ ở đàng trong / hai mái đèo ngang một mối tơ hồng“ (1960), còn Huy Cận quê Hà Tĩnh; và Xuân Diệu đã viết: “Huy Cận còn có một quê hương thứ hai, là Huế “, vì Huy Cận đã sống và ăn học tại Huế mười hai năm (1927-1939) học từ lớp ba đến tú tài, đến khi nguồn thi hứng đã định hình. Rất nhiều bài trong tập Lửa Thiêng (1940) đã được khai từ hay khai trí tại Huế, như bài Chiều Xưa đăng trên báo Ngày Nay, số Tết 1938, cùng một khung với Cảm Xúc của Xuân Diệu Chiều gieo theo gió ven hồ, Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa. Đồn xa quằn quại bóng cờ, Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về Ngàn năm sực tỉnh, lê thê Trên thành son nhạt, - chiều tê cúi đầu…: Dấu phẩy thuộc cú pháp, syntaxe, gạch ngang thuộc thi pháp, poetique. Bút pháp này Huy Cận lĩnh hội từ Rimbaud. Giữa những cặp lục bát, có khoảng trắng. Mỗi cặp lục bát là một khổ thơ, strophe. Cho mãi đến cuối đời, 70 năm, sau Huy Cận vẫn chung thủy với nguồn thơ thưở nhỏ. Thơ Huế của Huy Cận về sau rõ nét, hiện thực và nhân đạo, như bài Phố Đông Ba làm 1972: Phố Đông Ba của tôi ngày bé Có ông cả Soạn đánh cờ cao Lắm khi một buổi đi vài nước Để bạn bè vây nghĩ nát đầu Ông lại đàn hay. Nguyệt tiếng tơ Hồn ve dắn dỏi dưới trăng mờ Mòn tay tài tử dăm cung nhấn Nghe cả trời thu nức nở mưa Bài thơ mô tả chính xác đường Đông Ba một khu phố nghèo ở Huế những năm 1930 với sinh hoạt thời đó, nhất là về mặt văn nghệ dân gian. Huế giàu chất thơ không phải chỉ nhờ những nét đẹp đài các bên ngoài: Hai hàng, tôn nữ cười trong nón. Thơ mở lòng ra đón bóng yêu (thơ Quỳnh Dao) hoặc: áo tím qua cầu thơ cũng hết mùa thu (thơ Trang Châu) Huế còn giàu chất thơ trong nội dung đời sống, trong tâm thức âm trầm về thân phận con người và số phận dân tộc, những ám ảnh mà Huy Cận đã ghi lại được trong bài Phố Đông Ba Cuối phố gốc cây chiều chủ nhật Là ông xẩm chợ với hai con “Kinh đô thất thủ“ vè quen thuộc Lớn nhỏ ngồi nghe nặng trĩu hồn “Thất thủ Kinh Đô“ là một bài vè, dài khoảng 2.000 câu, kể lại cuộc phản công quân sự của triều đình Huế đêm 4/7/1885: Thất bại, vua Hàm Nghi phải bỏ Huế ra Quảng Trị. Cuộc thất bại của triều đình là bi kịch của đất nước nằm chồng lên thảm cảnh của nhân dân Huế. Tuy nhiên bên cạnh những hình ảnh nhức nhối ấy, Huế vẫn để lại trong hồn thơ Huy Cận những kỷ niệm dịu dàng, mượt mà như giòng sông phẳng lặng trong Huế Vấn Vương (1978) Xanh mượt bờ xanh Huế Huế ơi! Cỏ cây đây đã hoá vườn trời Người đi bước nhẹ không nghe tiếng Mà nặng lòng yêu biết mấy mươi. Huế hoa thiên lý mùi hương thoảng Huế tím chiều thu giậy ước mơ Mái đẩy câu hò ngân ánh nước Sông không trôi bởi luyến lưu bờ Tuổi nhỏ đời ta Huế giữ không? Cho ta xin lại tháng năm hồng Cho ta trở lại ngày xưa cũ Mới hái mùa thơ giữa độ bông Tình bạn tình yêu Huế khéo ươm Hoa xuân trái đậu tháng năm trường Bâng khuâng nay nhện chiều giăng lưới Bảng lảng lòng ai Huế vấn vương... Đề tài văn thơ mênh mông. Chúng tôi trích dẫn tác phẩm Xuân Diệu - Huy Cận vì mảng thơ Huế chiếm phần quan trọng – ít nhất là trước 1945 – trong sự nghiệp hai ông. Một mặt hai ông tiếp thu vào cảm xúc, và phản ánh lại khá rõ nét những âm sắc của cố đô, mặt khác tư liệu về họ khá đầy đủ, cho phép chúng ta lý luận chính xác. Còn nhiều bài khác của tác giả khác về Huế, chúng tôi sẽ có dịp bàn thêm vào dịp khác. Có tác giả chỉ ghé qua Huế một lần và cũng để lại tác phẩm hay như Nguyễn Bính 1918-1966,với tập thơ Mười hai Bến Nước (1942) gồm nhiều bài nổi tiếng như: Xóm Ngự Viên, Giời Mưa ở Huế,... Đặc biệt nhạc sĩ Văn Cao 1923 - 1995, chỉ một lần ghé Huế, nhưng đă tiếp thu nhiều rung động nghệ thuật. Ông kể lại: “Huế là một nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 1940. Thơ và nhạc là điều tôi tìm nguồn từ ấy. Có lẽ lịch sử và cảnh vật của cố đô có những điều gây cảm xúc cho sáng tạo. Có lẽ sự sáng tạo của người dân Huế giúp tôi làm được âm nhạc và thơ “. (Bài Thơ Thôn Vỹ, 1987, tr.152). Đây là tiếng đàn trên sông Hương mà nhà thơ Văn Cao đã ghi lại, trong bài nhạc Thiên Thai nổi tiếng. Và trong thơ: Em cạn lời thôi anh dứt nhạc Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh Một đêm dàn lạnh trên sông Huế Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh... Chúng ta đã cùng nhau nhìn lại mảng thi ca về Huế trước 1945 của những tác gia không phải người Huế. Sau này, có dịp, ta sẽ tìm hiểu thêm về một xứ Huế gần đây hơn, thời sự hơn, với những sôi nổi và đau thương chưa lắng xuống. Vì không phải chỉ có một Huế đẹp và thơ xa xôi trong mộng tưởng. Vì còn một Huế khác, đau thương và khốn khó, như trong ca dao xứ Huế: Ví dầu đèn tắt, có trăng, Khổ thì em chịu, biết mần răng đặng chừ… Nhân Festival Huế 2010, tôi muốn gửi tấm lòng thiết tha của người hải ngoại về với mảnh đất Huế và con người Huế yêu thương, về một vùng văn hoá giàu có. Với hy vọng rằng niềm mừng vui hôm nay của Festival sẽ không tàn theo những trận pháo bông, sẽ không lịm tắt theo lời ca điệu múa. Hy vọng rằng Festival không dừng lại ở màu sắc phương xa, gọi là exotic, của những nền văn hoá đã phôi pha hay đang hấp hối. Và hy vọng rằng Festival Huế 2010 sẽ thổi bùng lên ngọn lửa văn hóa Phú Xuân chưa bao giờ đuối sức, và thổi bùng lên tiềm năng văn hóa hùng tráng của đất Huế và người Huế, một bộ phận hữu cơ của đất nước Việt Nam, một âm sắc đặc biệt trong nền văn minh thế giới. Gửi Huế niềm tin thiết tha và da diết. Orleans, 01 tháng Tư, 2010. Ngày giỗ Trịnh Công Sơn. (SDB – 5-2010) |