SỐ ĐẶC BIỆT
Tự giễu mình - nét văn hóa độc đáo ở Huế
10:37 | 18/06/2010
NHẤT LÂMNói như vậy không có nghĩa là chỉ riêng mảnh đất xứ Huế mới có nét đặc biệt này. Nghĩa là tự giễu mình trước bàn dân thiên hạ; mà ở những vùng đất khắp nơi trong cả nước đều có chuyện này.
Tự giễu mình - nét văn hóa độc đáo ở Huế
Cụ Tú Xương - Ảnh: internet
Song nó chỉ là từng cá nhân đơn lẻ, chứ không thành cả một phong trào của đông người để tạo nên một bộ mặt của vùng đất mà có cụm từ xứ nọ xứ kia. Và xứ Huế có nét văn hoá ấy. Còn vì sao mà được tôn lên văn hoá thì xin nói rõ dưới đây, trước khi điểm qua tự chế giễu mình vài cá nhân ở vùng đất khác.

Trong chúng ta không ai lại không biết đến đại danh y Lê Hữu Trác. Vị khoa bảng làm quan ngự y dưới thời chúa Trịnh. Nhưng rồi cụ xin về quê mẹ là Hương Sơn, Hà Tĩnh, bởi chán cảnh ở cung đình, vả lại “thuốc nào chữa được bệnh khanh tướng”. Cụ về nông thôn chữa bệnh cho dân nghèo và tự cho mình là Ông già lười (Hải Thượng Lãn Ông). Lười mà có học vị tiến sĩ, rồi quan ngự y, lười mà trồng cây thuốc và chữa bệnh cho dân và được vinh tượng đại danh y. Và ngày nay dân tộc ta, ngành đông y dược vẫn kế tục truyền thống y học dân tộc của Hải Thượng Lãn Ông. Một cách tự chế giễu mình đáng kính.

Chúng ta còn biết vị Tam Nguyên Yên Đỗ tức cụ Nguyễn Khuyến, đỗ đầu tam trường dưới triều Nguyễn, ra làm quan không mấy mặn mà, rồi cáo quan về vườn sống như ông già nông thôn. Một đại quan mà bạn đến chơi nhà cơm rượu không có, cả miếng trầu cũng không:

“Đầu trò tiếp khách trầu không có
Bác đến chơi đây ta với ta”.

Nghèo mà vui, không hề sĩ diện, nói thẳng thừng với bạn bè.

Còn cụ Tú Xương thì tự giễu có phần chua chát hơn:

“Rằng hay thì thật là hay…
Không hay sao lại đỗ ngay Tú tài
Xưa nay em vẫn chịu ngài.”

Tú Xương đi thi bảy lần, thì cả bảy lần chỉ đỗ tú tài, không dính được cử nhân; bởi “Thi không ăn ớt thế mà cay/ sách đèn phó mặc đàn con trẻ/ thưng đấu nhờ tay một mẹ mày/ “cống hỷ”, “mẹc xì” đây thuộc cả/ chẳng sang Tàu tớ cũng đếch sang Tây…”

Nhưng đã ăn lương như Cao Bá Quát đi dạy học trò thì ông thầy chẳng ra gì:

“Nhà trống ba gia: một thầy một cô một
chó cái
Học trò dăm đứa: nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi…”

Chế giễu ông thầy đồ là mình đến cung bậc ấy thì hết chê luôn.

Nhưng có lẽ hay hơn cả là Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ. Một con người hoạt động và đi nhiều, làm quan ở Huế cũng lâu, và mảnh đất này màu mỡ cho vị đại quan đùa và cợt không chừa một ai.

“Trên sông một chiếc thuyền lan
Một cô gái Huế một quan đại thần
Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lại tần mần như ma
Ban ngày quan lớn như cha
Ban đêm quan lại rầy rà như con”.


Ngày còn hàn vi, một anh nhà nho chưa đỗ đạt, Công Trứ đã lấy núi sông ra mà đùa mà giễu với cô đào, và tự cho mình là bậc anh hùng.

“Giang sơn một gánh giữa đồng
Thuyền quyên ứ hự anh hùng biết không…”


Trên đây là những bậc kỳ tài của đất nước, họ tự giễu mình, bởi họ nhận diện xã hội sâu sắc và họ có cái cách nhìn thời cuộc, bởi họ có văn hoá nên nhạy cảm.

Riêng ở xứ Huế thì tự chế giễu mình không là mảnh đất dành cho ai có học mà của chung cho sĩ, nông, công, thương, cho toàn xã hội. Đó là sự độc đáo của một vùng đất xứ Huế này.

Để lý giải hiện tượng này, chúng ta cũng cần biết con người nơi đây một thuở.

Huế với tư cách là Kinh đô của Việt Nam, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế và định đô ở Phú Xuân. Một triều đại mới mở ra và kéo dài nửa đầu thế kỷ XX. Đã có vua tức có quan và cả bộ máy cai trị đầu não của cả nước. Về chính trị là như vậy, song về kinh tế thì vua và các ông hoàng trong dòng tộc không giàu có như các ông vua và dòng họ ở các nước Tây phương như ở Pháp hay ở Nga, Đức, Áo…

Nếu các ông hoàng hay các cháu vua, trong dòng họ tộc vua mà không thi đỗ cử nhân, không bổ làm quan thì không lấy đâu ra ruộng đất trang ấp mà giàu có. Đơn cử như các ông hoàng Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương, phủ đệ cũng sơ sài thôi, vườn nhà cũng chỉ có mấy sào đất. Vì vậy các cậu Tôn, ông Tôn rơi vào cảnh khó khăn, có vị bần cùng có tiếng mà không có miếng.

Chuyện các cậu Tôn trộm gà, hái trộm mít hay làm những việc không hay là có thật. Vì họ cũng là con người bình thường và khi đã đói ăn thì cũng làm liều như ai. Song cái hài trong cái bi ở đây là tuy làm điều không nên làm mà phải giữ cái giá là Mệ đây, cháu vua đây. “Mi nói răng chớ, Mệ mà đi bắt gà của mi à… Mệ thấy con gà đứng xớ rớ tội nghiệp Mệ bồng Mệ coi, của mi thì Mệ cho đó…”

Dân kể về các Mệ đã đành, Mệ lại đi kể chuyện Mệ, mà vua là Mệ số một rồi còn gì. Thế mà vua - Mệ cũng chẳng tha mình. Ta hãy nghe một ông vua ban đêm đi lên Kim Long để tự do với người tình. Bị phát hiện, Vua không chối mà nhận ngay.

“Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi”.

Một ông trong dòng tộc Tôn thất, cũng gọi là Mệ, nhưng nhà quá nghèo. Nghèo nhưng khi ra đường thì ăn mặc coi bộ công tử, lại có vọng, có dù như một quan chức. Buồn thay khi về nhà thì cơm với mắm cà thôi cũng chẳng có mà xơi.

Vì lớp công hầu hoàng tộc này ở cạnh dân, cùng xóm, cùng làng mà như ngày nay chúng ta đều biết đến là các vùng Kim Long, Vỹ Dạ hay Thủy Biều, Thủy Xuân. Con mắt của người dân nhìn thấy sự sinh hoạt hàng ngày của quý vị, mà có gì qua được con mắt người đời, vì thế mà người dân đã đánh giá vị công tử hoàng tộc này rất xác đáng.

“Ra đường vọng giá nghênh ngang
Về nhà hỏi vợ cám rang đâu nường?”

Đúng là chế giễu đến cay đắng làm rơi nước mắt cho số phận danh giá của một ông hoàng nào đó, nhưng đúng trăm phần trăm vì là sự thật, làm cho ta thêm cảm thông.

Từ những tự chế giễu này, dân gian hay tác giả đã vận dụng ca dao, ngạn ngữ… để chuyển tải ý tưởng, và đó là áng thơ hiện thực vô cùng giá trị. Tiêu biểu là một bài tự vịnh mình của Tam Xuyên, trưởng nam của vị Cần chánh - Nguyễn Trọng Hầu, 19 tuổi đỗ cử nhân, đã làm quan đến chức Tá lý, Thái Thường Tự Khanh.

“Chẳng phải ông mà chẳng phải thằng
Một nghề ta cũng đủ xung xăng
Mang đai đội mão hình như võ
Bôi mặt phanh râu dáng tợ văn
Đen trắng đổi thay ba bốn rạp
Võng dù ngang dọc một đôi canh
Vô ra té cũng ta khi nãy
Chẳng phải ông cũng chẳng phải thằng”.

Điều này cũng dễ thấy trong diễn tuồng và ngoài dân gian.

“Anh hùng ư ư ư… đập bể rồi rang…”
“Như ta đây là kẻ anh hùng… rơm.
Vợ châm mồi lửa hết cơn anh hùng…”

Cụ Phan Bội Châu là người gốc Nghệ An, nhưng đi lại Huế nhiều lần, và cuối đời ở lại đất Huế làm Ông già Bến Ngự của Huế, đã chua chát tự giễu mình:

“Những tưởng anh hùng trong bốn bể
Nào ngờ trăng gió nhốt ba gian”.


Thời thế đã buộc cụ như thế, hậu duệ chúng ta thông cảm với cụ và không chút phai mờ tấm lòng với cụ, bởi cụ là bậc anh hùng lớn lao của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX.

Mảnh đất này bây giờ vẫn đầy ắp những gì mới mẻ về văn hoá tự chế giễu mình và thói hư tật xấu, dưới một góc độ mới, hiện đại hơn lên.

Chúng ta hãy nghe ở phường phố người dân chế giễu ai đó không có tiền, không đi làm mà chờ ngoại viện từ xa, ăn mặc khoa trương.

- Con nớ Việt kiều à…

- Đâu có, Việt cào thì có.Nhà nó trong kiệt.

Cách nói lái: Việt cào (tức vào kiệt)

- Nhà có tiền Tây à.

- Có đấy chớ… mà Tây… Lộc (hay Tây Linh)

- Chị ơi em sắp đi Mỹ rồi.

Và khi tìm hiểu ra mới biết cô ta đi thăm bà con ở Mỹ Tho… hay Mỹ Chánh (Quảng trị).

Xem ra mảnh đất Huế khá màu mỡ cho văn hoá châm biếm, văn hoá tự chế giễu mình, chế giễu người. Và đó cũng góp phần hạn chế cái xấu, tôn vinh cái tốt trong đời sống kinh tế thị trường hôm nay, làm giàu thêm cho vốn văn hoá dân gian sau này.

(SDB – 5-2010)




Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngâm thơ (17/06/2010)
Chuyên nghiệp! (16/06/2010)
Áo dài ơi! (09/06/2010)