SỐ ĐẶC BIỆT
Nỗi bất an & thơ
10:22 | 23/06/2010
BÁCH NGUYÊNDòng sông đáng sợ nhất là dòng sông mà chúng ta không bao giờ bơi qua.

Nỗi bất định về tương lai, con đường đi không bờ bến, cảm giác mịt mù phát khởi nỗi bất an nơi con người còn mãnh liệt hơn nhiều những kinh nghiệm khổ đau mà dù muốn dù không chúng ta cũng phải trải qua.

Thơ dẫn anh băng qua dòng sông ấy, nước chảy xiết bốn mùa, không có dịp ngoái đầu nhìn lại.

Cũng như, và song song với các rối loạn về nhân cách, sự bất an là kết quả của xung đột bắt nguồn từ trong những hoang mộng (fantasies), trước nỗi ám ảnh bị trừng phạt đối với những ước vọng thầm kín bản năng. Sự mất đi một người thân yêu, giúp đứa trẻ lần đầu tiên nhận ra rằng cái chết là điều mãi mãi không đảo ngược được. Tiếng gào thét từ dưới đáy tâm hồn hay những giọt lệ nóng hổi trên gương mặt ngây thơ hoàn toàn không giúp được gì; và những cố gắng vô ích, đến lượt mình, ngược lại dần dần chiếm lấy vị trí của người thầy trên bục giảng: đứa trẻ lờ mờ nhận ra rằng thế giới đi con đường của nó, và kết quả của các sự kiện tiếc thay thật ra chẳng bao giờ tùy thuộc vào anh. Sự bất lực của số phận là cội nguồn sự bất an của thơ ca.

Thường rất khó khăn để tìm ra một ngôn ngữ cho một người giúp hắn diễn tả hết được tình yêu của mình đối với kẻ khác: tự bản chất, ngôn ngữ không phải được sinh ra để diễn tả. Nó chính là tiếng dội.

Như con chim bay về giữa vườn hoang, đứng hót một mình trong ngày chiến tranh.

Người lính mất một bàn chân ngoài chiến trường. Phần cơ thể bị mất đi, thực ra không bao giờ biến mất. Anh đau nhức khủng khiếp mỗi khi trời trở gió, ở ngay chính nơi bàn chân kia không còn nữa. Nỗi đau đớn của anh phát ra trong vùng không gian của một điều không còn tồn tại, thoạt nhìn như hồi quang của một tàn lửa đỏ, nhưng thật ra là, nó vẫn tồn tại. Cơn đau bóng ma. Thơ tìm lại bàn chân đã mất, không phải bằng cách lang thang ngoài bãi chiến trường xưa. Trong căn bệnh bất an của thời đại mình, thơ là bàn chân ấy, trên bề mặt của không gian tâm thức đang dày đặc và co lại.

Ai có thể trong cùng một dòng sông, tắm được đến hai lần, nếu không phải là nhà thơ và người đọc hắn? Đọc trong nỗi bất an thường trực, như một gã đàn ông lớn tuổi, chờ bạn đi ngủ rồi, mới cất lên giọt lệ. Bạn có bao giờ thấy được giọt nước mắt của mình đâu?

Nỗi bất an là một căn bệnh nghiệt ngã. Nhưng sau những ngày nằm bệnh liệt giường, anh trở dậy, lần tìm đôi dép, bước ra bên cửa sổ, ở một góc vườn xa màu lá cây xanh nõn như sau cơn mưa mùa hạ, tươi đến nỗi có vẻ là không thực, có cái màu khó tin như trong tranh của trẻ con. Và anh nhận ra rằng, thơ vượt lên trên mọi nghệ thuật: nó là chiếc chìa khoá căn nhà đã đánh rơi trong cơn giận dữ, là nỗi khổ đau hay niềm hi vọng thường xuyên mất đi và tìm thấy lại, là ký ức xé đôi bầu trời dưới đôi cánh trắng.

Kẻ rối loạn tâm thức phải sử dụng nhiều quá mức các năng lực nội tâm của hắn, vận động sự đề kháng bản ngã (ego defense) có tính vô thức, như sự quay trở lại nhiều lần (regression) và sau cùng dừng lại ở tầm mức phát triển ban sơ thời nhỏ tuổi. Cũng vậy, chuyển hướng tâm cảm là lối thoát ít nhiều thơ mộng hơn. Thơ có khi là người phụ nữ mang trong lòng nỗi lo lắng không nguôi về một điều gì không rõ, từ chối đương đầu với cuộc đời, ác độc và lương thiện, chuyển hướng niềm đau đớn tâm hồn thành hoan lạc dục vọng hay khiếm khuyết thể chất, như bỗng dưng liệt nửa người, tê dại một phần cơ thể, hay mất ngôn ngữ. Trong trường hợp sau cùng này, thơ là ngôn ngữ đã mất.

Hay thơ là thò bàn tay qua bờ rào cũ, khuất bóng tường vi?


(SDB – 3-2010)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hương còn mãi (22/06/2010)
Tamakata (21/06/2010)
Ngâm thơ (17/06/2010)