SỐ ĐẶC BIỆT
Đường về kinh thành Huế
10:39 | 25/06/2010
VÕ QUANG YẾNOrsay, một thị trấn ở miền Nam Paris, phía bắc thung lũng Chevreuse, rất có duyên với Huế vào mùa thu. Năm 2002, chị Hỷ Khương, nhân chuyến đi Đức để giới thiệu vở Đông Lộ Địch của thân phụ - cụ Ưng Bình, trên đường về có ghé lại Phật đường Khuông Việt ở Orsay để gặp gỡ bà con bạn bè.
Đường về kinh thành Huế
Trước đó, năm 1994, vào những năm Đại học Orsay kết nghĩa với hai Đại học Tp Hồ Chí Minh và Cần Thơ, thị xã tổ chức cả một tuần Việt Nam với sự tham dự của nhiều nhà kinh tế học, nghệ sĩ, họa sĩ, võ sĩ, nhạc sĩ đứng đầu có anh giáo sư Trần Văn Khê. Huế nay lại có mặt ở Orsay hôm chiều chủ nhật 15 tháng 11 năm 2009, ở nhà hát Jacques Tati, trong một chương trình rất hấp dẫn Đường về Kinh thành Huế (Sur la route de la Cité Impériale de Hué). Đứng ra tổ chức là nhóm Octave (Hội Văn hóa, Giáo dục, Nhạc hát, Truyền thống Việt Nam) dưới sự hướng dẫn của cô Đỗ Duy Ngọc Ánh, nghệ sĩ đàn tranh. Cô Nguyệt Ánh làm thư ký ở văn phòng một khoa ở Viện Đại học Orsay tức Paris-Nam 11, có anh chồng Đỗ Mạnh Cường giáo sư dạy ở đấy và là một thành phần đắc lực của nhóm. Anh chị định cư đã hơn 40 năm ở Pháp, có ba con gái đều biết nói tiếng Việt và chơi được nhạc cụ dân tộc. Đấy là một cách để các con không quên cội nguồn và thừa kế những nét tinh hoa của văn hóa dân tộc. Sống ở đất khách mà tập được cho các con như vậy là một nỗ lực phi thường của cha mẹ. Anh chị nghĩ đúng là phải có một tổ chức tại hải ngoại để dễ thực hiện cuộc duy trì văn hóa cho thế hệ sau.

Octave ra đời cách đây hai năm với hai ý chí: khuyến khích nền văn hóa Việt Nam ở Orsay với một chương trình ngày càng mở rộng, đàn tranh, tiếng Việt, gia chánh ẩm thực,…; xích lại gần nhau hai nền văn hóa Pháp và Việt qua những cuộc biểu diễn, những hoạt động văn nghệ. Đến nay, nhóm đã thực hiện nhiều cuộc biểu diễn ở Orsay (Ngày văn hóa, Nhà người già, Hòa nhạc jazz), Taverny (Nhà trong xóm, Ngày phụ nữ), Châtou (Nhạc viện), Paris (Trường Trung học La Fontaine, Trà đạo Đại Hàn), Antony (40 năm Phượng ca). Có thể xem nhóm là một nhánh của Đoàn Phượng ca Dân ca Quốc nhạc mà người thành lập là chị Phương Oanh, thầy dạy đờn tranh Nguyệt Ánh từ mười năm nay. Học sinh đông đúc đến từ bốn phương trời: ngoài người Việt còn có người Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nhật Bản,… chứng minh sự thành công của một hội đoàn đề cao cởi mở và tìm hiểu lẫn nhau. Ngoài ra, Octave còn dấn thân vào những hoạt động nhân đạo và xã hội qua cuộc liên lạc trực tiếp với Việt Nam: dự định học bổng cho học sinh tiểu học, cho sinh viện đại học và Khoa nhạc cổ truyền Việt Nam của Nhạc viện Nhạc học Tp Hồ Chí Minh. Đến nay đã có 30 suất cho học sinh trường tiểu học và 5 suất cho học sinh nhạc ở Đồng Hới. Nay mai sẽ có 5 suất cho sinh viên Nhạc viện Tp Hồ Chí Minh.

Chương trình buổi trình diễn Đường về Kinh thành Huế gồm có ba phần: hai phần đầu và cuối dành cho ca nhạc, phần giữa là chiếu ảnh. Trong khoảng hai tiếng đồng hồ, nhiều màn phong phú với toàn nhạc Huế đã lôi kéo khán giả về với đất Thần kinh: Lý mười thương, Ai ra xứ Huế, Thương về miền Trung, Tiếng sông Hương, Đăng đàn cung, Lý Nam sang, Lý Giang nam. Ban hợp tấu, ngoài anh Nguyễn Toàn lạc lõng một mình áo xanh chơi đàn bầu, gồm có hầu hết các cô sử dụng đàn tranh (theo tờ chương trình): Solène, Giáng Minh, Như Mai, Thu Nga, Quế Lan, Anh Đào, Hisako, Ngọc Oanh, Hiếu Thanh, Ti Ly, Nguyệt Ánh, áo quần đủ màu trắng, vàng, đỏ, tím, đầu chít khăn vàng hoàng cung. Đây là cái khăn quen thuộc tôi được ngắm sáu, bảy chục năm trước trong Đại Nội, đi đôi với áo mạn quan thêu rồng, thêu phượng. Bây giờ ở bên ta cũng như ở nước ngoài, đoàn ca nhạc nào cũng dùng, ghép với chiếc áo dài thướt tha không cùng màu thấy không đúng điệu. Tôi còn nhớ đức Nam Phương Hoàng hậu chỉ chít có một cái khăn mỏng manh mà biết bao lịch sự. Buổi hòa nhạc mở đầu với hai bản Hành quânĐăng đàn cung, tiếng đàn tranh rầm rập cùng nhau cho thoát ra một sức mạnh của thời xưa. Trong trí tôi hiện ra hình ảnh đức vua thong thả, bệ vệ bước lên ngai vàng, trước mặt bá quan văn võ nghiêm chỉnh cúi đầu sắp hàng trên sân rồng thiết đại triều nghi trước điện Thái Hòa.

Sông càng rộng càng cao
Thời núi càng cao
Nhìn non nước
Nhẹ bước anh hào…
     
Tiếp theo là hai màn đàn tranh song và độc tấu. Hai cháu Solène và Giáng Minh trình diễn bài Em bé quê của Phạm Duy. Tuy còn trẻ, hai cháu đã tỏ ra rất khéo léo trong cách chơi. Cũng dễ hiểu khi biết Giáng Minh có thầy dạy ngay trong nhà. Ai đã sống thời trẻ bên nhà mà không biết bài hát nầy, nhất là hai câu đầu trong sách Tập đọc thời tiểu học.

Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu phát ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao…

Đến lượt Nguyệt Ánh trổ tài với hai bản Lý Nam sang
Lý Giang nam. Cô là một trong những tay đàn tranh đang được nói đến ở Paris. Tiếng đàn thánh thót diễn tả bản sắc riêng của điệu lý Huế, một sản phẩm của âm nhạc truyền thống, chịu ảnh hưởng của nhạc thính phòng. Âm nhạc của lý rất phong phú, tinh tế, trầm lắng nhưng cũng ríu rắt, có khả năng thể hiện tâm tình trìu mến, giận hờn, vui mừng cũng như đau khổ. Những câu

Ai đem con sáo sang sông
Để cho con sáo sổ lồng bay xa

là lời của điệu Lý Giang nam nhưng cũng thường được gọi là Lý Con sáo tùy những câu đệm “hư hư hư a sang sông sang sông” hay “ơi người ơi”. Điệu lý Nam sang (ở Huế nói xang) cùng với điệu Lý Giang nam là hai trong số 30 điệu lý đã được thống kê ở Thừa Thiên - Quảng Trị (Tôn Thất Bình, Dân ca Bình Trị Thiên; Văn Lang, Ca Huế và Ca kịch Huế).

Sébastien Bidon, Bertrand Bidon, Nguyễn Toàn


Vẫn ở trong địa hạt các điệu lý, cô Thu Thủy trình bày bài Lý Mười thương. Như thiếu nữ Huế thời xưa, áo dài sát đất, màu hồng không thêu, tóc xõa ngang vai, tay mang nón lá, Thu Thủy duyên dáng liệt kê những vẻ đẹp của cô gái Huế đã làm mê mệt mấy chàng trai, nhất là các cậu “học trò trong Quảng ra thi, thấy o gái Huế chân đi không đành”. Đệm cho cô hát có Nguyệt Ánh đàn tranh, Sébastien Bidon và Bertrand Blondet thổi sáo.

Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên,
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua…

Mười thương
chưa đủ nên một bài Mười thương thứ nhì ký tên Phạm Đình Chương được sáng tác để kéo dài bài thứ nhất. Sau đó còn có nhiều bài Mười thương khác chẳng hạn để đề cao một nhân vật,…Sau cùng cách đây vài tháng một loại bài thứ ba gọi là Mười thương thời “hiện đại “ (vô danh) ra đời, không còn chút màu sắc Huế nào nữa.

Màn tiếp sau trình bày một ngày chợ, không nhất thiết là vùng Huế mà là hỗn hợp những chi tiết mà một người khách du lịch có thể mang về sau một vòng quanh Việt Nam: quang gánh, rau quả, ông đồ,… và tấp nập khách hàng, con trẻ, trai gái, bà già,…

Một ngày chợ ở Việt Nam


Trước giờ giải lao có chiếu hình Huế. Tôi hân hạnh được mời viết bài thuyết minh. Một dịp để giới thiệu thành phố thân yêu của mình, tôi nhận lời ngay và suốt mùa hè cặm cụi trau dồi một bài gợi cảm nhan đề Dọc dòng sông Hương (Au fil de la Rivière des Parfums), nói khoảng một tiếng đồng hồ, minh họa với một trăm rưởi hình ảnh tôi đã chụp, trong tinh thần trình bày một kinh thành mộng mơ, “một kiệt tác của nền thơ đô thị” (M’Bow, UNESCO) như tôi thường đã có dịp làm trước đây. Nhưng những bạn tổ chức, rất thực tế, đã biến đổi bài gợi cảm, mà tôi nghĩ nên cho xếp vào đầu chương trình, thành một diaporama 15 phút nhằm phát hiện một thành phố du lịch… Âu cũng là một cách giới thiệu đất nước Hương Bình. Một số ảnh của tôi cũng được chọn để làm triển lãm.

Trở lại sân khấu, cô Huỳnh Mai trình diễn một điệu múa trên bản nhạc Ai ra xứ Huế của Duy Khánh. Cô mặc áo dài xanh, một dãy hoa thêu dọc trên tà áo, tay mang nón lá, trên vai quấn một khăn quàng vàng dài bay lượn với cô trong các động tác khi đứng, khi quỳ, tay đưa lên trời hay dang rộng lên hai bên. Với một nụ cười luôn nở trên môi, cô vui vẻ hết lòng mời bạn về lại chốn sông Hương núi Ngự.

Ai ra xứ Huế thì ra
Ai về là về sông Hương
Nước sông Hương còn vương chưa cạn
Chim núi Ngự tìm bạn bay về…

Được một cô gái có sức quyến rũ như vậy làm sao mà không về được. Nhất là trong màn sau, song tấu tranh Nguyệt Ánh và sáo Sébastien Bidon (hay nói cho đúng tam tấu vì còn có bầu Nguyễn Toàn; có câu hỏi là tại sao không có màn độc tấu đàn bầu?) cho thưởng thức một cảnh tượng khó quên của sông Hương lúc hoàng hôn, một miền có nắng hạ giữa mùa thu, một miền mây khắp trời giữa mùa xuân.

Hoàng hôn rơi ngơ ngẩn hàng thùy dương
Lạnh lùng trong bóng chiều dòng sông Hương
Trường Tiền qua mấy nhịp mờ trong sương
Ngỡ ngàng khách thấy hồn buồn mênh mang…

Hai bài đơn ca cuối cùng là do Ti Ly trình diễn qua tiếng đàn đệm Nguyệt Ánh tranh và Nguyễn Toàn bầu: Thương về miền Trung của Minh Kỳ và Thần kinh thương nhớ của Thế Minh. Ti Ly vui tươi sặc sỡ trong chiếc áo tím rất Huế, làm tôi tưởng nhớ đến một thời kỳ trai trẻ ngắm các cô nữ sinh Đồng Khánh vui vẻ nắm tay nhau qua cầu Trường Tiền hay nhẹ nhàng níu nhau nhảy xuống đò Thừa Phủ tròng trành, khúc khích cười sau mấy chiếc nón bài thơ. Cô em trách người ít về thăm

Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm người em
Nắng mưa đêm ngày cách trở giờ xa xôi đôi đường
Người ơi có về miền quê hương thùy dương
Nước chảy còn vương bao tình thương cho nhắn
đôi lời…

Và ngược lại người cũng trách em không hay về lại

Sao em không về lại thăm miền Trung
Thăm đồi đỉnh Ngự và nước Hương giang
Ngày nào đôi đứa đôi đuờng
Lòng anh thương nhớ vô vàn
Mong em mấy mùa thu sang…

Hai màn sau cùng dành cho Phương Oanh từ đoàn Phượng ca. Chị Phương Oanh bắt đầu tam tấu một bản đàn tranh với dương cầm Niels Lan Do Ky và sáo Bertrand Blondet. Chị cũng mặc chiếc áo một màu tím giản dị không thêu thùa, màu tím đơn sơ (Màu áo tím đơn sơ, Bay dài  mây núi Ngự - Đinh Phong), màu tím thời gian (Màu thời gian không xanh, Màu thời gian tím ngát – Đoàn Phú Tứ), màu tím Chiêm Thành một thuở. Cùng chơi với nhau những nhạc cụ Âu Á, khi biết chọn bài và biết sử dụng thì chắc chắn cho phát sinh những bản hòa tấu tuyệt diệu, êm tai. Đây là mong muốn của chị Phương Oanh luôn ôm ấp giữ gìn nguồn nhạc dân tộc trong một môi trường Âu tây luôn khuyến khích đổi mới. Sau đó, cùng với toàn thể các ca sĩ, nhạc sĩ, chị cho thính giả thưởng thức bài ca Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương mà chị yêu cầu cùng hát.

Miền Trung vọng tiếng
Em xinh em bé tên là Hương giang
Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than
Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ
Bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu
Hỡi hò, hỡi hò…

Khán giả vừa vỗ tay đánh nhịp vừa hát theo những câu hát gần như quen thuộc dù trong phòng không chỉ có người Việt, còn người Huế thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Kết thúc một chiều Huế với bài hát Tiếng sông Hương thì không có gì đúng điệu bằng. Dù không có Nam ai, Nam bằng, khán giả đã sống mấy giờ hân hoan trong nền nhạc Huế. Cám ơn Octave đã có ý hay tổ chức Đường về Kinh thành Huế ở thị trấn Orsay nầy.  

Xô thành thu đông 2009
(SDB – 3-2010)
                                               




Các bài mới
Các bài đã đăng
Tri kỷ Huế (24/06/2010)
Thanh xuất vu lam (24/06/2010)
Hương còn mãi (22/06/2010)
Tamakata (21/06/2010)