SỐ ĐẶC BIỆT
Ơi những nẻo đường
14:52 | 30/06/2010
BỬU ÝƠi những nẻo đường Việt NamSuốt từ Cà Mau thẳng tới QuanƠi những nẻo đường về đâu… (*)
Ơi những nẻo đường
Nếu thành phố nào cũng có lịch sử riêng trong tiến trình phát triển, thì con đường cũng có lịch sử của nó, khác nhau tất nhiên về tầm vóc và khác nhau ở chỗ thành phố được đặt vào tương quan hội nhập và đối sánh với những phố chị phố em, trong khi con đường được tính theo từng mẩu vụn, riêng rời, có khi chẳng ăn nhập với toàn cảnh, nhưng đã đánh dấu trong đời người và trở thành những cái bến cho hồi tưởng. Con đường nó lắm cỡ lắm vẻ: đường nhỏ, đường lớn, đại lộ, xa lộ, quốc lộ, quận lộ, hương lộ, đường huyết mạch, đường vòng đai, đường nhựa đường đất… Lại có đường thơ mộng, đường nhiều kỷ niệm, nhưng cũng có con đường vô sự. Đến như thành phố cũng vậy thôi: có thành phố đối với người ấy tuyền là nơi làm ăn trao đổi, có địa điểm giống như một chuyến tàu suốt hay một chuyến đò ngang, ngược lại có nơi dừng chân chóng vánh mà lại nhớ hoài.

Một ngành nghề gần đây nở rộ: ngành viết gia phả họ tộc (thịnh hành từ 1995 thì phải), ngành viết địa chí làng xã… là những ngành ghi lại nguồn gốc, phát tích của cá nhân và từng tập thể.

Cũng như mỗi con người được cha mẹ trao cho một cái tên, con đường nào cũng được đặt cho một tên, tên ấy là một chữ số (như ta bắt gặp nhiều ở Hoa Kỳ), hay là một danh nhân (như ở nước ta), hay là một tên có tính văn hoá phong tục.

Ở Hà Nội có một số tên đường thật nên thơ và bất ngờ: Ái Mộ, Bích Câu, Văn chương… Bên cạnh đó, những con đường của phố cổ được thi điệu hóa cho dễ nhớ:

Rủ nhau chơi khắp Long Thành / Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai/ Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai/ Hàng Buồm, H àng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay/ Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày/ Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn/ Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than/ Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đồng/ Hàng Miến, Hàng Nón, Cầu Đông/ Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè/ Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng The/ Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà/ Quanh đi đến phố Hàng Da/ Trải xem phường phố thật là cũng xinh…

Ở Pháp, riêng tại thành phố Colmar, cũng có những con đường được đặt tên cho tinh thần như trên đây, chẳng hạn: Rue des Marchands, Rue des Boulangers, Rue des Clefs, Rue des Serruriers, Rue du Chasseur, Rue des Laboureurs, Rue des Papeteries, Rue des Blés, Rue du Raisin… có thể diễn ra là: Hàng Buôn, Hàng Bột, Hàng Khóa, Hàng Thợ Khóa, Hàng Săn, Hàng Ruộng, Hàng Giấy, Hàng Thuộc, Hàng Lụa, Hàng Hoa, Hàng Hồng, Hàng Lúa, Hàng Nho.

Ở Huế cũng có vài con đường mang tên như vậy: Hàng Bè (Huỳnh Thúc Kháng), Hàng Đồng (Bạch Đằng)…

Bây giờ tôi muốn nói tới một con đường nhỏ, thật nhỏ, ở Huế, nhưng có nhiều điểm khá đặc sắc mà tôi cố lục lạo trí nhớ để trình bày. Nó có tên là Phạm Ngũ Lão. Tên này được đặt cho nó cuối những năm 50.

Đường Phạm Ngũ Lão rành rành là một con đường nhỏ, dài chỉ chừng 150m. Ngày xưa có người còn gọi nó là Kiệt Phạm Ngũ Lão. Ngôi nhà mang số lớn nhất là 14, nay chiều dài của con đường tất nhiên không thay đổi nhưng ngôi nhà mang số lớn nhất là 50, như vậy nghĩa là nhà đã chia nhỏ ra, người ta xây cất thêm nhiều, và vườn được thu rút lại đáng kể. Vậy mà trên con đường ngắn ngủn này, người ta đếm được 12 tiệm vải may mặc, 6 phòng trưng bày tranh, 7 khách sạn (trong số này Hoa Hồng là khách sạn 7 tầng đầu tiên ở Huế từ năm 1995), 9 nhà hàng ăn lớn nhỏ (trong đó La Carambole là tiệm ăn Pháp duy nhất ở Huế).

Nhớ xưa kia, cho đến cuối những năm 60, nó hãy còn là con đường đất đá lởm chởm cho đến khi nó nhận cái tên Phạm Ngũ Lão. Nguyên nó tên là đường Giao Thủy, và tên này có sẵn trước khi ngôi nhà của gia đình tôi được xây cất vào năm 1928 trên khu đất này vốn có tên là xã Cư Chánh, làng Thọ Lộc, huyện Hương Thủy. Con đường này ở gần một cái đập bằng đá nên gọi là Đập Đá đồng thời cũng gọi là Đập Thọ Lộc. Ở hai mút đường đều là ruộng: ruộng lúa ở mút đường số lớn là đường Võ Thị Sáu (trước đây tên là Nguyễn Thị Giang và trước nữa tên là Despiau), ruộng rau ở mút đường số nhỏ là đường Lê Lợi (trước đây là đường Jules Ferry). Song song với đường Phạm Ngũ Lão là đường Đội Cung (trước đây còn có tên là đường Lính Tập và đường Vannier), nối dài Đội Cung là đường Bến Nghé (trước đây là Phạm Hồng Thái và trước nữa là Verdun).

Con đường Giao Thủy này, vì nỗi ở hai đầu đều là ruộng, không khác gì con đường làng. Vậy mà nó nổi tiếng là con đường thơ mộng từ xa xưa! Chẳng qua là vì trên lưng nó mọc lên sừng sững và xanh um 13 cây me cổ thụ. Con đường toàn me (mặc dù thực sự có xen vào ba cây nhãn và hai cây phượng). Do đó nó lại còn có tên là đường Hàng Me. Mấy o bán bánh nậm lọc, cơm hến, bánh canh Nam Phổ, bánh đúc mật, xôi bắp, xôi bánh dầy, đậu hũ, mấy đứa bé bán kem cây, kẹo kéo, yến thoòng, các chú bán lục tào xá, cốm hai lu… cùng nhau a dua gọi đường này là “xóm me”. Gọi tên thế nào mặc lòng, nó sẽ không vì thế mà bớt thơ mộng. Ban ngày, mùa hè, râm ran hợp tấu ve sầu giữa rừng me xanh và hoa phượng đỏ. Ban đêm, đặc biệt đêm trăng, chẳng rõ từ đâu túa về đây từng đoàn lũ nam thanh nữ tú lóc cóc lanh canh guốc mộc trên con đường “đất thêu trăng” này. Đi bộ là phần lớn. Và nhiều guốc (Thuở ấy rất ít dép, chỉ có dép nhẹ đi trong nhà và loại sandale nửa giày nửa dép). Thuở 1950, 1960 ấy, con trai Huế hiền lành, ngơ ngác, chỉ biết giắt sẵn bên mình thú vui “bát phố” (dạo phố không mục đích rõ rệt) và đi “nghễ” (ngóng nhìn con gái đẹp) cho nên con đường Phạm Ngũ Lão Giao Thủy Hàng Me thu hút thanh niên là chuyện hàng ngày. Trong đám thanh niên ấy cũng đã từng có chàng Tô Kiều Ngân nức lời ca tụng:

Ôi thân thương biết mấy tiếng quê ta
Nhớ điệu hò, tiếng hát nhớ câu ca
Nhớ hoa sầu đông ngát đường Giao Thủy
Nhớ mái chèo khua bên bờ Thôn Vỹ
Nhớ bánh bèo, cơm hến, nhớ chè sen.


“Nhớ hoa sầu đông ngát đường Giao Thủy”: đó là hương “hoa soan” muôn đời thầm kín bên những rặng chè tàu mà Tô Lang ủ trong lòng vào sống ở Sài Gòn và nay cả hoa lẫn chè tàu không còn đâu nữa.

Đầu những năm 1950, có gã Nhị Hà, nhà ở đường Cột Cờ trong Thành Nội, tả ngạn sông Hương, anh đến chơi với tôi vì học cùng trường cùng lớp và nhanh chóng đem lòng yêu mến con đường này. Trước khi trở thành tác giả của những ca khúc bất hủ “Trở về thôn cũ”, “Mẹ tôi”…, anh đã viết ra trong thời hoa niên của mình một bài hát riêng tặng con đường này lấy tên là “Đây Hàng Me” mà rất tiếc tôi chỉ còn nhớ một đoạn:

Hàng Me! Ai đi qua chốn Hàng Me!
Dừng đây cho tôi nhắn với vài câu
Nơi đây bao nhiêu cuộc trùng phùng
Nơi đây bao nhiêu cuộc đợi chờ
Nơi đây bao nhiêu tâm hồn gặp gỡ…

Đường Phạm Ngũ Lão, chung phần với thành phố Huế, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử. Sát cạnh nhà tôi là một ông người Pháp, Louis Loi, làm mật thám. Lẽ ra ông này là một hung thần trước mắt tôi, nhưng may những đứa con nhỏ của ông cũng thường chơi đá banh với anh em tôi nên tôi đỡ sợ. Đáng sợ nhất đối với tôi lại là những khi phải đi ngang qua ngôi nhà số 12, lối 1945, nhất là vào sáng sớm, là ngôi nhà quân Nhật chiếm đóng, vào giờ khắc lính tập thể dục và luyện võ, vừa hét vừa tuốt gươm.

Con đường này cũng đã từng níu chân nhiều người nổi tiếng cả nước. Lừng danh hơn cả là cụ Huỳnh Thúc Kháng, lúc bấy giờ vào những năm 1942, 1943, cụ ở tại nhà số 6 (nay là số 18). Cụ đi đi về về thất thường nhưng bao giờ cũng lom khom áo dài đen chống dù. Dân xóm tôi gọi giỡn mặt, nhưng sau lưng cụ, bằng danh hiệu “ông già bí mật”. Một trong những nhà khoa học lớp đầu tiên của đất nước, ông Phạm Đình Ái, làm Hiệu trưởng trường Quốc Học, ở nhà số 11 (nay biến thành hai khách sạn lớn: Sport và Asia). Nhà của tôi từng là nơi quen biết của ông Đinh Nho Liêm (một cán bộ cao cấp của Bộ Ngoại giao gần đây) lúc bấy giờ làm gia sư cho anh tôi.

Thời gian sau Nhật đảo chính, suốt khoảng mười năm, từ 1946-1954, thanh thiếu niên ở Huế bày ra rất nhiều trò chơi trong đó trai gái nhập cuộc hòa đồng vui vẻ. Những trò chơi ngày nay biến mất hết: trốn tìm, đá lon, đánh bi, đánh căn, đánh đáo, đánh tường, đua xe đạp, lầu chuông, giấu khăn, giấu vàng, ù mọi, núp bắn… Và có những trò chơi lớn: đá banh, chạy đua, kể chuyện, đóng kịch… Chơi trong vườn nhà, ngoài đường, nhà hàng xóm… Thanh thiếu niên gặp gỡ nhau thường xuyên, đi thiên thâu từ nhà này sang nhà khác một cách tự nhiên, rủ nhau sắm sào bắt ve sầu hoặc lắc lẻo trên cây me này đến cây me khác. Những đêm trăng lại càng đông vui.

Bên cầu ngói Thanh Toàn - Ảnh: Thanh Tùng


Đó cũng là những năm thịnh hành phong trào viết “lưu bút” trong trường học. Trong mỗi lớp, dịp hè về, tối thiểu một phần ba số học sinh sắm tập lưu bút và chuyền tay cho các bạn ghi vài dòng kỷ niệm. Anh của tôi nảy ra ý tưởng viết lưu bút, nhưng đây là loại “lưu bút đường phố” chuyền cho nhau từ đầu đường đến cuối đường, từ bạn này sang bạn khác. Từng cuốn sổ khổ lớn, bìa dày, được đóng xén trang trọng và bắt đầu luân lưu. Những tập kỷ niệm quý giá đầy tranh ảnh, thơ văn và nhạc, ấp ủ tâm tình của một lớp trẻ, sẵn sàng khơi nguồn xúc cảm cho bàn tay nào giở lại, và qua đó ẩn hiện một lớp thời gian, một đoạn đường. Duyên trời xui khiến con đường Phạm Ngũ Lão những năm 1952, 1953 lưu ngụ nhiều văn nghệ sĩ: tại nhà số 4 (nay số 10) có Đặng Tiến (cây bút phê bình sắc sảo nay đang ở Pháp) sau đó ra đi để lại chỗ ở cho Linh Giang (cây đánh trống ở Đài Phát thanh Huế), rồi Hoàng Diệm Phương (tức là Hoàng Hương Trang, họa sĩ và thi sĩ); nhà số 6 (12) có Trần Hoàng (nhà văn Nhất Hoan); nhà số 7 (9) là nhà tôi có Duy Khánh (ca sĩ, ở nhà tôi hơn một năm và học ở trường Nguyễn Tri Phương); nhà số 9 (13) có nhạc sĩ Khuê… Những tập lưu bút không phải chỉ ghi toàn những cảm tưởng, kỷ niệm về con đường, về tuổi trẻ, mà còn mang nhiều tranh vẽ, truyện ngắn, thơ, nhạc (như ca khúc “Đây Hàng Me” của Nhị Hà, một khách thân, có nói ở trên). Ngày nay thói quen viết lưu bút hầu như mất đi trong giới học sinh: thật đáng tiếc!

Con đường Hàng Me này lại còn nổi tiếng là vì (đây mới thực sự là lý do chính yếu và sâu xa hơn cả) nó là con đường của giai nhân xứ Huế. Chẳng khác nào người đẹp từng lớp thời gian nối gót hồng về quy tụ nơi xóm nhỏ này. Và điều này giải thích luôn thể cái tính “câu khách” của Hàng Me ngày ngày rập rình bước chân của các bạn trẻ.

Nổi tiếng nhất những năm 1950, 1960, và có lẽ cho đến tận ngày hôm nay là bốn chị em Trà Mi, Kiều Mi, Nga Mi và Diệm Mi, bốn chị em đều rất đẹp, nhưng mỗi người một vẻ. Trà Mi có cặp mắt đen thăm thẳm, nét mặt thường tự nhiên và ít cười, dáng đi đài các. Kiều Mi hiền lành, thoắt biến thoắt hiện, như không muốn ai chú ý đến mình. Nga Mi có một sắc đẹp khác với chị em mình và cũng ít khi bắt gặp ở thiếu nữ Huế thời ấy: đẹp khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Diệm Mi như thể được thừa hưởng các nét đẹp thu góp lại của mấy chị: trong bóng, hồng mọng, tưởng chừng như dễ vỡ, tưởng chừng như cặp mắt nam nhi nào nhìn vào cũng là phường phàm phu tục tử. Mấy cô là cháu của nhà khoa học Phạm Đình Ái. Ngôi nhà số 11 ấy (nay là 15, 17, 19) còn là nơi trú ngụ của nữ sinh viên Kim Thành từ Quảng Nam ra Huế học. Cô là người “vũ sexy” độc diễn đầu tiên tại thành phố này và nổi tiếng khắp Đại học trong những năm 1958-1961. Loại vũ này trên sân khấu đèn màu, mà lại là độc diễn, quả là một màn “nín thở” đối với người xem. Từ thời điểm ấy cho đến hôm nay, suýt soát nửa thế kỷ, tại Huế, tôi không thấy loại vũ sexy này xuất hiện lại lần thứ hai.

Trước thời gian ấy, khoảng cuối những năm 1940, tại ngôi nhà số 9 (13), có một giai nhân mắt xanh, con của ông “mật thám Tây”, thường quanh quẩn bên mấy cây lựu đỏ trong vườn. Sự hiện diện của cô Hélène tại xóm thôn này xem ra là một cái gì “chõi” nhưng đó cũng vừa là “điểm giàu” trong bức tranh. Khi Hélène cất bước ra đi tìm về quê cha thì cũng vừa kịp lúc, tại ngôi nhà này, dậy thì một thiếu nữ có đôi mắt bồ câu cùng đôi môi hình trái tim thường ẩn hiện dưới chiếc nón bài thơ buộc chiếc dải màu đỏ thắm: đó là Cao Thị Phố Châu, nữ sinh Đồng Khánh suốt năm tuyền một màu áo trắng.

Ngôi nhà đối diện, số 10 (nay là số 22, 24, 26, 28, 30), nườm nượp bóng hồng vào ra, nhưng nổi trội hơn cả là Hà Thị Như Nguyện với gương mặt sáng láng nhưng vẫn nhu mì và hình thể tuyệt mỹ.

Nếu ta thả bộ đến đầu đường phía kia, ta bắt gặp một ngôi nhà ba gian, số 1 (nay là khách sạn Hoa Hồng), trong đó, ở gian giữa, thấp thoáng một người đẹp với mái tóc đen dài và đôi mắt mi cong đầy u ẩn: đó là Minh Nguyệt. Đến ngày nay, lâu lâu tôi gặp lại người đẹp năm xưa này, trong thoáng chốc, ở đâu đó, tôi vẫn nhận ra được ngay, vì gương mặt còn đẹp lắm, nhưng mái tóc thì như của một bà tiên trong truyện cổ tích. Một tiếng thở dài tưởng chừng vắt vẻo đâu đây.

Ngôi nhà đối diện, số 4, là một ngôi nhà khá rộng, dãy dọc dãy ngang, có lắm người thay nhau ở trọ. Ở đây, con gái của chủ nhân có một thời là một hoa khôi của trường Đồng Khách: Lưu Thị Kim Đính. Nhưng vì chủ nhân cũng có thêm một ngôi nhà thứ hai bên kia sông, và cũng vì ngôi nhà này sâu hút, cho nên người đẹp ẩn hiện không chừng. Cũng tại đây, và cùng một thời điểm, còn có một nhan sắc đặc biệt: Ngọc Hà. Đây là một thiếu nữ có dáng dấp người mẫu, phục sức tân thời, rất có thể là người đầu tiên mặc hàng nylon ở Huế (1958). Nhiều người bảo cô là con nuôi của một vị giáo sư Đại học.

Bao nhiêu người đẹp nay không còn lấy một ai. Hay dẫu như còn ai chăng nữa, tất nhiên người ấy không còn là người đẹp nữa rồi. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu. Thời gian ảnh hưởng lên tất cả, không chừa một ai, kể cả người đẹp. Nhưng kìa! Tôi suýt quên một người đẹp hiện giờ đang ở ngôi nhà số 42, một người đã được chọn làm biểu trưng cho nét đẹp Huế của Festival Huế 2006 vừa qua, như là đại diện và truyền nhân của phái đẹp Huế qua các thời kỳ: đó là Nguyễn Võ Hoàng Anh, đẹp nhẹ nhàng và lặng lẽ, đẹp cho đời và cho người.

Vẫn biết cuộc đời phải chuyển biến và mỗi con đường trong thành phố cũng cần thay da đổi thịt, nhưng chúng ta mong sao tất cả được nằm trong vận hành của lịch sử, có trước, có sau, và phong phú mãi thêm.

Mười ba cây me cổ thụ của đường Phạm Ngũ Lão, qua từng trận bão, từng cơn lụt, năm này đến năm kia, đã thành ra thiên cổ, không còn lấy một cây nào. Ruộng không còn. Miếu khai canh không còn. Những cái “không còn” ấy là một bài học muôn thuở của thời gian. Tuy nhiên ta vẫn khó đành lòng khi những cái không còn ấy được thay thế bằng những khoảng trống, những hoang mạc. Vấn đề là phải lấp đầy bằng những cái đẹp mới khác, chứ không phải chỉ hoàn toàn bằng kỷ niệm.

Còn biết bao nhiêu con đường lớn nhỏ khác ăm ắp âm thanh hình bóng hơn con đường Phạm Ngũ Lão này! Viết về một con đường để hình dung những con đường khác, rồi những vùng miền rộng lớn hơn nữa.

Trong nhịp sống rầm rập hiện đại, vẫn có dăm kẻ lẩm cẩm giở lại mấy cuốn album và lưu bút, bắt chước người xưa “mua vui cũng được một vài trống canh”… 

(SDB – 3-2010)


---------------------------------
(*) Ca khúc Hoàng Thi Thơ







Các bài mới
Các bài đã đăng
Tri kỷ Huế (24/06/2010)
Thanh xuất vu lam (24/06/2010)