SỐ ĐẶC BIỆT
THĂNG LONG - HÀ NỘI trong tôi
09:53 | 12/10/2010
LÊ TRỌNG SÂMDân gian ta thường nói: ở với nhau một ngày cũng nên nghĩa. Huống chi tôi, một chàng trai xứ Huế, trong giai đoạn sung sức nhất của cuộc đời, 25 tuổi tập kết ra Bắc và lần đầu tiên đến Hà Nội ngày 25 tháng 8 năm 1954 cho đến ngày 15 tháng 5 năm 1975, tạm biệt Hà Nội vô cùng thân thương để trở về cố hương, qua một thời gian dài đến 21 năm. Ôi trong tôi sâu đậm biết bao nhiêu nghĩa tình với mảnh đất kinh kỳ và thủ đô ngàn thuở của Tổ quốc.
THĂNG LONG - HÀ NỘI trong tôi
Phố Hàng Bạc xưa- Ảnh Báo ANTĐ

Thời gian gần đây, trong khi Thủ đô Hà Nội và cả nước đang rạo rực chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều đêm khuya đối diện với chính mình, tôi tự hỏi trong gần 8000 ngày đêm sống trên mảnh đất thiêng, mỗi ngày đôi mắt no tròn cảnh sắc, đôi chân dẫm lên từng thước đất, lồng ngực hít thở bao nhiêu không khí an lành của Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay, điều gì nơi đây đã gây cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, đã nuôi tôi khôn lớn và đã trở thành máu thịt cả cuộc đời mình?

Là một cán bộ văn hóa Thừa Thiên Huế tập kết ra Bắc, may mắn được là sinh viên Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội trong 4 năm, sau đó được liên tục hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho đến khi trở về Huế, trong tôi thấm đẫm một điều là chính trên mảnh đất lịch sử văn hóa nghìn năm đó mà bản thân tôi đã học tập, rèn luyện và trưởng thành. Mà đó cũng là vốn liếng giàu sang của cả cuộc đời tôi, cho đến hôm nay.

Quên sao được những ngày mới chân ướt chân ráo đến Hà Nội cuối năm 1954, cảnh sắc thủ đô và những truyền thuyết thần kỳ của mảnh đất này đã hấp dẫn tôi, đem lại cho tâm hồn tôi bao nhiêu điều mới lạ, bổ ích và đẹp đẽ và cứ thế mà nuôi dưỡng đời tôi lớn khôn. Danh từ Thăng Long trước đây được biết qua một ít kiến thức sơ sài, khi đặt chân trên mảnh đất này, đọc lại Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ tôi mới thấm thía được ý nghĩa vận nước. Huyền thoại và thực tiễn ngay trước mắt mình! Ngắm Hồ Gươm viên ngọc quý xanh mát giữa lòng thủ đô, lòng tôi được thăng hoa thêm từ huyền sử thiêng liêng: rùa thần hiện lên nhận lại gươm báu trời cho từ tay vua nhà Lê vừa chiến thắng giặc phương Bắc. Và tai tôi như còn nghe được tiếng nghé ọ của con trâu vàng bên Hồ Tây đang rung vang trên mặt nước, cả những tiếng vỗ cánh của bầy chim sâm cầm, cả màn sương bạc mông lung trên hồ Dâm Đàm những sáng mùa đông. Ồ! còn nữa, đây lời ướm tình của Nguyễn Trãi với Nguyễn Thị Lộ: “Nàng ở Tây Hồ bán chiếu gon...”. Sao mà lãng mạn và tình tứ vậy!

Không chỉ bằng lòng với ngắm nhìn phong cảnh và lắng nghe truyền thuyết, tôi tìm đến cả những địa danh lịch sử mà từ lâu trong rừng sâu chiến khu Thừa Thiên Huế tôi đã từng mơ ước. Thì nay, sung sướng thay tôi đã đặt chân đến rồi: đây, tôi quỳ xuống ôm một mảng vòng thành đất của Loa Thành, xếp lên bàn tay những mũi tên đồng thời Âu Lạc đã đậm màu hoen rỉ. Cung kính chiêm ngưỡng tượng đồng An Dương Vương trong điện thờ mà lòng ngập tràn cảm xúc. Cùng những cảm giác ấy khi ngược lên huyện Phúc Thọ nay là ngoại thành Hà Nội, đến tận Hát Giang, nơi tuẫn tiết của Hai Bà Trưng. Rộn rã lên trong tôi bài thơ: “Bà Trưng quê ở Châu Phong” được học thuộc lòng thời bé thơ ở Huế, mà nay tôi đã ở đây rồi. Chí khí anh hùng của dân Việt những năm đầu của thiên niên kỷ 1 đang sục sôi ở đây, ở chính lòng này.

Vốn liếng tinh thần ban đầu ấy lại càng được phong phú thêm qua 4 năm học ở Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Các giáo sư nổi tiếng một thời: Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Lương Ngọc... đã cho chúng tôi những kiến thức sâu sắc về nền văn học Việt Nam từ cổ xưa đến hiện đại. Mà đa phần các tác gia kinh điển, những vì sao sáng của văn học Việt Nam từ thời xưa đều đã ở đất kinh kỳ: Mãn Giác Thiền sư, Lê Thánh Tôn với Nhị thập bát tú, Nguyễn Trãi... Tôi ngân lên sang sảng “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan trên ghế nhà trường đại học mà nhớ lại một thời vàng son của đất kinh kỳ. Chất ăn tinh thần béo bổ cho đời tôi cũng bắt đầu từ đây.

Có được một ít kiến thức về văn hóa dân tộc, nhiều đêm tôi đến các rạp hát Hà Nội tận hưởng các bộ môn nghệ thuật dân tộc mà đâu phải ngẫu nhiên phần lớn các đề tài đều tập trung vào đất Thăng Long này: Tình sử Cổ Loa, vở cải lương đầu tiên và rất hay về Mỵ Châu Trọng Thủy, Tiếng trống Mê Linh, tuồng nổi tiếng về Hai Bà Trưng... Mỗi vở đều vun đắp thêm cho tôi cái chất anh hùng có khi là bi tráng nữa trên dặm đường lịch sử của dân tộc.

Những bài học ở nhà trường và những ngày đêm đi thực tế đó càng được nâng cao thêm qua nhiều công tác nghiên cứu thực tiễn sau khi ra trường. Là một chuyên viên văn nghệ của Ban Tuyên huấn Trung ương và sau đó là Phó Giám đốc Nhà hát kịch nói Việt Nam trong gần 15 năm, được làm việc với các bậc đàn anh: Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi (Hội Nhà văn); Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Mai Văn Hiến (Hội Mỹ thuật); cụ Trùm Thịnh, bác Cả Tam, các bác Tám Danh, Ba Du, Chi Lăng (Hội Sân khấu)... tôi như được mở cờ hiểu sâu vào các bộ môn văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Rồi cùng nhau đi thực tế ở nông thôn, ở vùng mỏ, gặp lại những nghệ nhân dân gian quan họ, ca trù, tìm lại những viên ngọc quý ấy ở các làng xung quanh Hà Nội, Hà Đông, Bắc Ninh. Hồn dân tộc càng được phong phú thêm và càng yêu mến làm sao cái vốn quý cổ truyền không mai một đó. Đêm nằm dệt đầy mộng ước.
Nhớ khi về công tác ở Nhà hát Kịch nói Việt Nam được mệnh danh là “anh cả đỏ” của các đoàn nghệ thuật sân khấu nước ta, ngày đêm làm việc với nghệ sĩ nhân dân đạo diễn Thế Lữ và hàng chục tài danh sân khấu như Song Kim, Đào Mộng Long, Trúc Quỳnh... để có những vở kịch động viên được lòng người trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Những đề tài quan trọng của các vở kịch đều hướng về Hà Nội: Tiền tuyến gọi, Đôi mắt, Âm mưu hậu quả và cả những vở đề tài miền Nam: Đâu có giặc là ta cứ đi, Hương bưởi,... nhưng cũng phản ánh tinh thần quân dân cả nước, của thủ đô trong cuộc kháng chiến đang ở thế cao trào. Làm sao quên được những thành công to lớn qua các vở kịch hay, có khi là những yếu kém, những điều chưa đạt mà đêm đêm sau những vở diễn ở Nhà hát Lớn, chúng tôi kéo nhau ra bờ hồ hóng mát, ăn kem và đàm đạo.
Một dấu ấn vô cùng sâu sắc cứ ngày đêm đeo đuổi tôi là mình đã thực sự sống cùng Hà Nội, đã trải qua những năm tháng gian khổ nhưng cực kỳ hào hùng của quân dân Hà Nội trong các cuộc chiến tranh leo thang của giặc Mỹ những năm 1966 - 1972.

Nghe như vang lên đinh tai nhức óc trong đầu tiếng còi báo động liên tục ngày đêm và cả những lời phát đi trên các loa phóng thanh cỡ lớn: “Máy bay địch đang đi vào Hà Nội... Máy bay địch đang ném bom...”. Nhiều đêm khuya không yên giấc. Thành phố anh hùng phải trải qua bao đêm ngày sơ tán. Bộ Văn hóa, các ngành nghệ thuật của Trung ương phải tạm rời thủ đô - ra đi đầu còn ngoảnh lại - ra ngoại thành, sau đó là ra các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh lên cả Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Mỗi phố xá, đường đi, nhà dân, cơ quan đều có nhiều hầm tròn cá nhân và có nắp đậy. Tiếng còi hụ, tất cả xuống hầm, máy bay Mỹ thả bom xong, tất cả lại nhảy lên làm việc. Hà Nội đánh Mỹ giỏi là tập bút ký nổi tiếng của Nguyễn Tuân hồi đó. Có lần, nhà văn kỳ cựu đàn anh này khi xuống hầm cá nhân cùng với tôi ở phố Trường Tiền trước Nhà hát Lớn đã trầm tĩnh nói: “Trời Hà Nội hôm nay đầy màu xanh, một màu xanh cảnh giác” (cảnh giác với máy bay giặc khi tốt trời).

Cả một Hà Nội vùng lên, gồng lên để chiến đấu bảo vệ mình và tiếp sức cho miền Nam: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” không phải chỉ là một khẩu hiệu mà là trăm ngàn hành động thực sự của quân dân nội ngoại thành Hà Nội nói khi tôi về sơ tán năm 1969 ở Thường Tín - Hà Đông.

Tiền tuyến vẫy gọi ngày đêm. Khắp nội ngoại thành, các đoàn xe với hàng ngàn thanh niên gậy Trường Sơn trong tay lên đường rầm rập, ai không vào Nam cảm thấy có tội. Chế Lan Viên đã thốt lên chính xác trong vần thơ của mình: “Gặp mỗi mặt người đếu muốn ghé môi hôn”. Con người Hà Nội quanh ta đẹp quá, nhà thơ đã nói thật, không úp mở mà sau này khi đã trở về Huế, có bạn văn nghệ ở đây hỏi tôi một cách hồ nghi: “Có đẹp thật chăng?”. Xin thưa là có, có nhiều, đẹp vô kể.

Ngay cả giới văn nghệ cũng tự nguyện xung phong: hàng tuần, trước cổng nhà 51 Trần Hưng Đạo, trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung ương có nhiều xe lớn với lá ngụy trang rung rinh đưa các văn nghệ sĩ vào Quảng Bình, Vĩnh Linh khói lửa, có nhiều đoàn kịch nói, cải lương Trung ương và Hà Nội đưa hàng trăm cán bộ, diễn viên vào Nam, vượt sông Xê Băng Hiên đến đất bạn Lào biểu diễn phục vụ chiến sĩ và đồng bào vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi. Những nghệ sĩ nhân dân nổi tiếng ngày nay Trà Giang, Chu Thúy Quỳnh, Trần Tiến... là những người luôn có mặt với hào khí Thăng Long một thuở. Các nhà văn, nhà thơ Chu Cẩm Phong, Dương Hương Ly (vợ nhà thơ Bùi Minh Quốc) ra đi từ Hà Nội và hy sinh sau một thời gian ngắn. Máu căm thù và sục sôi chiến đấu của toàn thể lớp Ngữ văn chúng tôi năm 1960 bùng lên khi chứng kiến nhà văn Lê Khâm (Phan Tứ) chưa kết thúc khóa học đã tự nguyện vào khu 5, sống và chiến đấu, viết văn ở vùng Trà My, Quảng Nam để có những tác phẩm để đời: “Mẫn và tôi”, “Gia đình má Bảy”. Một kỷ niệm còn tươi rói giữa chúng tôi ở chân núi Nùng (gần vườn bách thảo Hà Nội): tôi vừa từ Điện Biên Phủ trở về, gửi lại cho Lê Khâm một chiếc hộp nhỏ đựng đất và cát thấm máu chiến sĩ ở đồi A1 và ngày mai, bạn tôi lên đường với cái hộp kỷ niệm đó trong chiếc ba lô nhỏ của mình vào Nam. Bạn ra đi từ 1960 và mãi đến 8 năm sau mới trở lại Hà Nội hoàn thành tác phẩm, chữa bệnh. Nhưng rồi lại khăn gói vào Nam và để người yêu ở lại. Hà Nội chứa nhiều kỷ niệm bí ẩn và bi hùng của giới văn nghệ sĩ, tất cả đều thấm vào lòng và tôi luyện thêm ở miền Nam để từ đó ra đời bao nhiêu tiểu thuyết, tập thơ, bài hát nổi tiếng một thời. Máu và tác phẩm của thời ấy đã được vun đúc sâu sắc trên đất tổ này, kể cả trong tôi qua nhiều đêm thức trắng với những vở kịch phản ánh cho được khí thế của quân dân Hà Nội thời này. Thấm máu và dạn dày cho cả cuộc đời tham gia nghệ thuật, làm sao mà không thành những kỷ niệm vô cùng sâu sắc được.

Và điều gì còn ghi đậm trong tôi qua 21 năm sống ở đây? Một câu trả lời rất sâu từ tâm hồn tôi là chính trên mảnh đất này, tất cả quân dân và riêng tôi đã được sống dưới bóng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng cả lời nói của Người, những cuộc tiếp xúc với Người và cả những hình ảnh Bác luôn bất diệt trong tôi.

Khó mà tả cho thật chi li hình ảnh của vị Cha già trong tâm hồn tôi.

Hình bóng sâu đậm của Người trong các buổi lễ, trong các buổi thăm thú bà con Hà Nội mãi mãi còn sống trong tâm hồn. Riêng tôi được vinh dự lớn là đã có 5 lần được gặp Bác: Bác đến với học sinh miền Nam ra Bắc đang nhớ nhà và lời Bác động viên an ủi. Bác đến thăm trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với Tổng thống Indonesia Soekarno dưới nắng mai, Bác bắt nhịp cho toàn thể sinh viên chúng tôi hát bài ca truyền thống chèo thuyền Xinh, Xinh Xô của nhân dân bạn. Bác rất khéo ngụy trang khi đến thăm công nhân đường sắt đang làm cầu Bắc Giang, khi bỏ quai nón giấu bộ râu thì mọi người mừng rỡ cưới ồ lên: “A! Bác Hồ ta!”. Và đến 1967, Bác tiếp các cháu thanh niên xung phong trên đường chiến lược Hồ Chí Minh ở Quảng Bình. Lần đầu tiên được ngồi cạnh Bác, mặc dù lúc đó, sức khỏe của Bác đã yếu. Tôi còn nhớ như in cả lời nói và cử chỉ của Bác. Còn nhớ Bác đến với Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ ba năm 1961 ở Hà Nội. Bác kể cho Đại hội nghe Bác đóng vai diễn là một cậu bồi nhỏ ở Paris, đóng khá đạt, được trả tiền để nuôi thân. Cả hội trường xúc động. Được sống gần với các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng mới được nghe anh Huy Cận cho xem bút tích của Bác ghi vào tập thơ Huy Cận kính tặng Bác: “Cám ơn chú Cận đã tặng thơ/ Bài hay xen lẫn với bài vừa” và giọng Huy Cận reo lên: “Bác khen thơ mình chỉ có hay và vừa, may thay chưa có bài dở”.

Chúng tôi đã dựng những vở kịch sôi nổi đem đi diễn trên các mâm pháo ở ngoại thành Hà Nội hoặc kết hợp với Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân đi diễn hàng tháng trong rừng sâu cho các binh chủng thông tin liên lạc, vũ khí đạn, số người xem còn ít hơn số người diễn nhưng sao chúng tôi lại hào hùng đến vậy. Có khi vừa diễn vừa xuống hầm tránh bom đạn Mỹ. Cuộc sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, ai mà quên được những giây phút lịch sử hiếm có của cuộc đời. Mà có đêm giao thừa trên một trận địa pháo ở ngoại thành Hà Nội, chúng tôi nuốt từng lời bài thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch: “Năm qua thắng lợi vẻ vang”. Và ai cũng tự nhủ phải chiến đấu nữa để chúc thọ Bác. Những phút giây kỳ vĩ làm sao!

Và làm sao ngăn được dòng nước mắt tuôn trào khi ngày 06/9/1969 đi qua trước thi hài Bác, nhớ những phút hào hùng gặp Bác. Và cả ngày 09/9 năm đó, hàng triệu người dân thủ đô và các tỉnh cùng với chúng tôi khóc ròng rã khi nghe điếu văn vĩnh biệt Bác của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Hai mươi mốt năm ròng, sống ở Thăng Long - Hà Nội, mỗi bước đi như có thấm máu và mồ hôi của cha ông, của chiến sĩ. Mùi hoa sữa nào xung quanh Hồ Gươm còn dậy lên trong tôi? Bác Hồ đã đi xa nhưng Bác vẫn còn đó với tất cả chúng ta. Trí óc, gân sức và máu thịt của ngàn năm Thăng Long vẫn là sức mạnh ngàn đời trong tâm hồn tôi và các thế hệ. Một điểm xuất phát tuyệt vời! Tuy bận rộn về công tác quản lý trong nhiều năm nhưng tôi cũng làm thơ, viết báo để sau này có 5 tập thơ và bút ký ra đời cùng với nhiều tác phẩm dịch. Nhớ lại ngày 25/8 năm 1954, chạm chân lên mảnh đất kinh kỳ và qua gần 1/4 thế kỷ sống với Hà Nội! Và ngày 15 tháng 5 năm 1975, khi toàn thành phố Hà Nội rực cờ hoa ăn mừng Đại thắng mùa xuân và thống nhất đất nước, tôi cùng vợ và hai con nhỏ lên đường trở về quê hương. Khóc nhiều, nhớ nhiều, xe lăn bánh qua Nhà hát Lớn (nơi tôi làm việc), qua Hồ Gươm nơi tôi soi bóng, chạy qua trước lăng Bác, mắt không dám nhìn lên cảnh vật và con người trước mặt, những gì thân thương đã sống với mình suốt 21 năm, đã biến thành tâm hồn tôi.

(SDB 10-2010)









Các bài mới
Các bài đã đăng