Đinh Cường ra nước ngoài cuối thập kỷ 1990. Ông muốn tiếp tục thử nghiệm, dấn sâu vào những gam màu mà gần như cả cuộc đời ông đã làm nên một phong cách quý phái cho hội họa biểu hiện nhiều cây cọ mơ ước cả đời không chạm tới. Hoàng Đăng Nhuận sau đột quỵ bất ngờ những năm 2000 việc cầm cọ trở lại của ông là sự bất thường đáng nể. Cái chết đánh thức những dự cảm tiềm tàng ẩn sâu trong giác quan nội hàm thường trực của người nghệ sĩ. Sự biến thể sắc màu đó tìm thấy một tầng nghĩa khác. Và Phan Ngọc Minh, từ những thể nghiệm hình thể ngoại biên với Chăm pa - Hội An trên chặng hành trình tìm kiếm hợp lý kéo dài đã kết tủa hình thành hun đúc một thế giới nhiều ẩn ngữ hơn. Những vẻ đẹp thiên tính từ bề sâu làm người yêu tranh, mê hội họa không thể nào không để ý.
2. Từ những khuynh hướng, tự sự riêng bất ngờ dẫn đến một triển lãm chung của các ông đánh thức sự tò mò của tôi. Từ lâu, khi đóng vai một người mê hội họa tôi tự mình tìm hiểu những phong cách khác nhau khó tìm thấy một tiếng nói chung. Sự kết hợp trong một triển lãm của Đinh Cường, Hoàng Đăng Nhuận, Phan Ngọc Minh tại Huế cho thấy sự pha trộn có thật của các thể tính cách miền Trung biểu đạt âm trầm và chừng mực trong sắc màu hội họa. Ẩn nghĩa đó làm nên tính cách chung và cũng tạo tác phong cách riêng. Nếu Đinh Cường là một tên tuổi lớn trong nền hội họa miền Nam từ trước 1975, cùng với một thế hệ vàng là những Tôn Thất Văn, Trịnh Cung, Nghêu Đề… làm nên cái nền nã quý phái riêng mang của Huế thì giờ đây với sự trở về từ bên ngoài hành trang những bức tranh Chân dung Bùi Giáng, Con mắt, Đêm thắp nhang, Thiếu nữ và ghế cũ, Cổ thành…nhiều chất triết lý hơn. Vẫn là chân dung ấy, tĩnh vật đó nhưng cái nhìn sâu hơn vì bản lĩnh của đôi mắt và lẽ sống. Hoàng Đăng Nhuận đột ngột quẫy cựa ngời sáng của một Huế phục hưng. Nhiều chất triết lý của Cá, sơn dầu trên vải. Khi một con chim rình phục trên bờ và những con cá quẫy điêu luyện dưới nước. Chim lừa cá hay cá vờn chim? Đặc biệt bộ bốn bức tranh Có gì đâu một chút nắng vàng, Phố, Rừng trụi lá, Tiếng chim trong vườn hoa lá và tôi…Hoàng Đăng Nhuận đã đạt được sự tĩnh tại tối thượng. Màu sắc rực chin. Những bức tranh đẹp đầy đủ hồn cốt rung động. Với Phan Ngọc Minh Đêm bình an, Ký ức Huế 3,5, Tự họa với di sản 1,2…một sắc thái biểu cảm của người miền Trung nói chung: khí cốt, cứng cỏi, giao thoa. Một Huế chuyển điệu mới từ châu Ô, châu Rí Chăm-pa. Có lẽ bắt đầu từ câu hát xưa thưở công chúa Huyền Trân “Nước non nghìn dặm ra đi / Cái tình chi…”
3. Đinh Cường cho biết ám ảnh đá tảng trên nền triết luận vắng xa tổ quốc của ông. Đó là những sắc màu tự trầm, tự tìm về với những nét giản dị mà tinh hoa. Ở ngoài biên giới người nghệ sĩ chỉ còn tự chủ với cuộc chơi bản ngã. Tôi còn nhớ một buổi chiều Huế những năm 1989 tôi có dịp chiêm ngắm Hoàng Đăng Nhuận trên cầu Phú Xuân. Trông ông ngạo nghễ và khí phách. Đây cũng là thời điểm mà màu sắc ông tung phả dữ dội. Những cuộc tìm kiếm tới đích khi sắc màu, độ chiêm nghiệm, tư duy và kỹ năng hòa làm một. Tranh ông bàng hoàng một cái màu phổ cam, màu hoàng thành rong rêu tai tái buồn. Một sự ngất ngư hay hoang hoải của Huế. Chỉ có Phan Ngọc Minh bắt đầu chặng khởi hành mới. Khám phá Huế - phục sinh. Bản chất cuộc sống phải chăng là một “khối trầm” để mỗi nghệ sĩ một cách khám phá mà như chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lúc sinh thời gửi gắm trong bài “Ngẫu nhiên”: “Hòn đá lăn trên đồi / Hòn đá rớt xuống cành mai / Rụng cánh hoa mai gầy / Chim chóc hót tiếng qua đời…”. Trước khi hóa tan vào hư vô, tiếng hát còn vương trên môi và sắc màu còn ngậm trên cánh…
Sài gòn, 29.9.2010. (SDB 10-2010) |