VỌNG RA BIỂN
Gần một thế kỷ khảo sát Hoàng Sa, Trường Sa
10:54 | 13/09/2012

Từ những năm đầu thế kỷ 20, các khảo sát về Hoàng Sa, Trường Sa đã được thực hiện, đóng góp một khối lượng lớn công trình nghiên cứu cho công cuộc chinh phục và bảo vệ biển Đông VN.

Gần một thế kỷ khảo sát Hoàng Sa, Trường Sa
Xem trưng bày tài nguyên biển Hoàng Sa - Trường Sa trong Viện Hải dương học - Ảnh: Thuận Thắng

Cơ quan tiến hành các chuyến điều tra khảo sát này là Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương, thành lập từ năm 1922, tiền thân của Viện Hải dương học VN. Từ ngày 12 đến 14-9 tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), viện đã tổ chức “Hội nghị quốc tế biển Đông năm 2012: 90 năm các hoạt động hải dương học trên vùng biển VN và lân cận” với sự tham gia của hơn 200 đại biểu, trong đó có các nhà khoa học đến từ 14 quốc gia trên thế giới.

Theo TS Võ Sĩ Tuấn - phó giám đốc Viện Hải dương học, từ tháng 6-1925 Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương đã có chuyến điều tra khảo sát đầu tiên ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng tàu De Lanessan. Con tàu có trọng tải 750 tấn, công suất 350CV này tiếp tục đi khảo sát hai quần đảo trên thêm nhiều đợt: tháng 6 đến tháng 7-1926, tháng 5 đến tháng 6-1931 và tháng 10-1935. Những năm sau, có ba chuyến tàu khác đi điều tra khảo sát ở Hoàng Sa và Trường Sa gồm tàu La Marne (tháng 10-1937), tàu Marine National (tháng 4-1949), tàu La Charante (tháng 7-1953).

Những chuyến khảo sát trên đã có các báo cáo: Phát hiện sự kiến tạo địa chất của khối đảo cách ly bao gồm quần đảo Hoàng Sa với bờ biển Đông VN (1925-1926); Xác định nguồn gốc lớp trầm tích vùng thềm lục địa biển Đông và lớp phủ trên mặt của các quần đảo, kể cả quần đảo Hoàng Sa (1925-1926); Báo cáo chim biển ở quần đảo Hoàng Sa của Delacour và Jabouille (1928-1929); Bản đồ độ sâu vùng phía đông và đông bắc quần đảo Trường Sa (1935-1936).

Sau năm 1975, Viện Hải dương học tiếp tục các chuyến điều tra khảo sát quần đảo Trường Sa bằng tàu hải quân (từ năm 1988 đến 1993). Tuy nhiên, theo TS Võ Sĩ Tuấn, nghiên cứu về biển hiện nay chưa được tổ chức đồng bộ, đầu tư rất dàn trải nên chưa tập hợp được sức mạnh. “Chính việc mạnh ai nấy nghiên cứu khiến việc đóng góp của khoa học cho Trường Sa hạn chế, nghiên cứu về biển đảo của chúng ta cũng không xứng tầm. Tôi cho rằng điều cần thiết nhất hiện nay là cần có một chiến lược nghiên cứu khoa học dài hơi về biển đảo của VN với những mục đích, mục tiêu rõ ràng” - ông Tuấn đề nghị.

Hội nghị quốc tế biển Đông năm 2012 có tổng cộng 152 báo cáo được trình bày với tám nhóm chủ đề. Trong khuôn khổ hội nghị còn có hội thảo “Các khu vực bảo tồn biển ở VN: cơ hội và thách thức”. Đây là lần thứ tư hội nghị về biển Đông được tổ chức sau ba lần trước vào các năm 2000, 2002 và 2007.

Theo HUỲNH HIẾU - DUY THANH - TTO





 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng