VỌNG RA BIỂN
Nói với con về Tổ quốc
15:19 | 06/11/2012
Nói với con về Tổ quốc

Vài hôm trước khi mua tấm bản đồ Việt Nam treo trong phòng khách, con gái hỏi mẹ: “ Tấm bản đồ này đâu có đẹp bằng những tấm tranh kia đâu. Mẹ treo làm gì?”, mẹ trả lời con gái rằng: “ Tấm bản đồ này đẹp hơn bất kì kiệt tác hội họa nào con ạ. Vì đó là Tổ Quốc mình.”. Con gái hỏi: “ Tổ Quốc là gì hả mẹ? ”.… Thật khó để trả lời cho đúng, cho đủ câu hỏi của con. Mẹ nhắc con nhớ lần đi Lâm Viên tháng trước, có một chú bạch mã Mông Cổ không chịu ăn cỏ, đứng chơ vơ, gầy héo hắt chỗ gốc cây xà cừ với chiếc dây thừng buộc chặt. Con thắc mắc sao chú bạch mã này xấu xí và yếu đuối đến thế, không giống như trong câu chuyện mẹ kể về những chú ngựa tung vó ngàn dặm?

Con thân yêu ạ,  Bạch mã chỉ phi nước đại trên thảo nguyên mênh mông hay trên sa mạc rộng lớn của nó. Bạch Mã đang nhớ mùi cỏ, nhớ nắng nóng và bụi mờ nơi quê hương Mông Cổ… Ngay cả cây lộc vừng trước cổng nhà mình dù được mẹ chăm sóc chu đáo đến mấy cũng còi cọc chẳng thể lớn dù đó chính là một cây con dưới cây lộc vừng mẹ bên Hồ Gươm. Lộc vừng nhớ giá rét mùa đông, nắng nóng mùa hè, se lạnh mùa thu và cái ấm áp của mùa xuân xứ bắc chứ không hợp với hai mùa mưa nắng ở miền Nam. Tổ Quốc là tiếng gà gáy sáng, là hiên nhà, là mồ hôi người nông dân rơi trên cánh đồng lúa chín vàng, hay khi gieo hạt trước Cửu Long giang lộng gió, là bát cơm thơm mùi gạo mới mình ăn, là ánh ban mai rạng hồng trong nụ cười của con, là tiếng con bi bô học nói, là khi chúng ta gọi tên đất nước mình trân trọng, thiết tha như tiếng mẹ gọi con, bà gọi cháu, vợ chồng gọi tên nhau…Tổ Quốc gần gũi như khi mẹ ôm con vào lòng…

Có thể con gái chưa hiểu được hết những điều mẹ nói, cũng như chính mẹ không đủ ngôn từ để nói về Tổ Quốc mình nhưng con hãy tin Tổ Quốc đâu chỉ là những điều xa xôi kia, những khẩu hiệu để người ta hô thật to mà Tổ Quốc còn là máu thịt của chính mình.

Cửa biển Cái Đôi Vàm chưa bao giờ đẹp hơn thế… Bình yên, hiền hòa…Hoàng hôn đang cố gom hết nắng của ngày để sáng rực lên ở phía khơi xa. Ánh nắng ban chiều cửa biển thật lạ. Nó không hề tiều tụy, lụi tàn mà thắm đỏ mãnh liệt, như thể cả những lượn sóng bạc đầu kia cũng được nhuộm sắc mầu kì diệu ấy. Dãi rừng phòng hộ ôm ấp thị trấn, thảm xanh mênh mông cùng với màu xanh nước biển trong thoáng chốc hòa với ánh mặt trời…

Thị trấn mình đang ở chỉ là một cửa biển nhỏ giáp Vịnh Thái Lan, giáp biển Đông và biển Tây, nơi có luồng cá khoai ngon nhất Việt Nam. Mẹ hay gọi là “ xó biển” của mẹ. Trường mẹ dạy nằm ngay cửa biển, nhìn qua ô kính nhỏ trên tầng 2 mẹ thấy cả thị trấn nhỏ nhoi hệt như một vệt sóng lẫn giữa mắm đước bạt ngàn cắm rễ vươn khơi.

Nhưng biển Đông đang nổi sóng ngoài kia…Một cô giáo vùng sâu như mẹ không có nhiều hiểu biết sâu sắc về chính trị, các thỏa thuận đa phương, các hiệp ước quốc tế nhưng mẹ có đủ hiểu biết để trình bày cặn kẽ bằng chứng Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam. Vòng tròn bất tử trên đảo Gạc Ma không chỉ bảo vệ lá quốc kì mà lời khẳng định cho Trường Sa – Hoàng Sa là bất tử như một Việt Nam bất tử !

Khi mẹ còn rất nhỏ, trong trí óc non nớt của mẹ Đất Nước là con đường vạn dặm trong hành trình gian khổ cả đời người của bà ngoại. Khi mẹ lớn, không gian rộng ra, bàn chân mẹ bước trên những miền khác nhau, Đất Nước vẫn không thay đổi, thiêng liêng, gần gũi ngay trong cảm nhận của mẹ. Đất nước là ngôi nhà cổ của bà Ngoại mấy trăm năm có tứ đại đồng đường cùng sinh sống ở Kinh Bắc; Là ngôi nhà gỗ ở Madaguil chỉ đủ kê 2 chiếc giường được bà ngoại ghép bằng những tấm ván vụng về; Là căn nhà lá ở Cà Mau có tiệm tạp hóa nhỏ xíu bà ngoại bán cóc keng mỗi ngày, để rồi khi con gái lấy chồng bà ngoại đặt vào tay mẹ chiếc nhẫn vàng làm của hồi môn, mắt bà long lanh ướt bảo rằng: “Mẹ nghèo chỉ có bấy nhiêu….”; Là khi con và em gọi “ Mẹ ơi…” tha thiết. Đất Nước của mẹ đơn giản là thế, đầy yêu thương và hy vọng.

Khi mẹ dạy bài “ Lòng yêu nước “ của ILia Erenbua dòng Neva hay Vonga tận nước Nga xa xôi kia chẳng lạ lẫm nữa. Ngực mẹ thấm đầy hơi thở châu thổ Cửu Long Giang, mềm mại sắc đỏ Sông Hồng. Bóng thùy dương tư lự trong bằng lặng của trưa hè vàng ánh bên kia bờ đại dương, thân thuộc tựa như hàng xà cừ trên lối mẹ con mình vẫn đi. Mẹ run lên khi nhắc lại lời của Ilia Erenbua “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất”. Học trò miền Tây của mẹ vẽ lên hình Đất Nước bằng nét ngoằn nghèo non nớt dòng sông uốn lượn; bằng vòm me xanh lích rích tiếng chim đùa từng chùm quả chín; bằng hạt mưa đầu mùa cá theo luồng nước tràn về đồng ruộng; bằng những ngày nước lớn, trường học luyên loang nước, cô và trò sắn quần bì bõm cùng học mà tiếng đọc bài của trò nhỏ vẫn thánh thót vang xa dập dềnh theo lượn sóng nhỏ đập khe khẽ vào góc lớp; bằng hy vọng vào mỗi chuyến tàu mạnh mẽ căng buồm ra khơi mặc mưa bão và sự xua đuổi của tàu nước khác ngay chính trên lãnh hải nước mình… Học trò của mẹ chỉ rành mạch trên bản đồ nước Việt nơi đâu là Đất là Nước của ta, nơi đâu là Trường Sa, Hoàng Sa đang ngày đêm cuộn sóng gọi tên Tổ Quốc mình. Còn cái gọi là “ Tam Sa” kia, đôi mắt hồn nhiên bỗng cháy lên ánh lửa đủ để mẹ có quyền tin một ngày nào đó sẽ bị “xóa sổ” để đàn cá yên tâm bơi dưới nước, để sóng hát tình ca và anh lính Hải Quân thanh thản với buổi sáng trinh nguyên trên biển.

Lịch sử - chúng ta là con dân của một Đất Nước có 4000 năm lịch sử, một đất nước đi qua không chỉ hai cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ tàn khốc, đất nước của những con người biết cất trái tim trong ba lô, quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh, đất nước mà ngay cả đứa trẻ lên ba cũng có thể trở thành dũng sĩ.  Con của mẹ đang ở lứa tuổi nhi đồng, nhưng 10 năm nữa con sẽ đứng trong hàng ngũ thanh niên Việt Nam – thế hệ Đất Nước mình trông đợi. Mẹ muốn các con sẽ được tin cái điều mẹ và hàng chục triệu dân Việt đang tin, đó là niềm tin vào Tổ Quốc. Để rồi cho dù tất cả chúng ta có là gì đi chăng nữa, khác nhau về quan điểm sống, nghề nghiệp hay tuổi tác… khi đất nước cần, chúng ta có cùng một điểm tựa là Người Việt Nam để sống mãnh liệt hơn cho Tổ Quốc.


Theo Nguyễn Thị Việt Hà - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Biển Việt (01/10/2012)